Trong 14 CLB dự V.League 2021, CLB TP.HCM là đội duy nhất không sở hữu một trung vệ hay tiền vệ phòng ngự người nước ngoài nào. Ba suất ngoại binh của họ cùng Lee Nguyễn đều là nhân sự dành cho hàng công, chỉ phục vụ nhiệm vụ săn bàn.
Lee Nguyễn chơi tốt trong trận ra mắt CLB TP.HCM với Hà Tĩnh. Ảnh: Duy Anh. |
13 đội bóng còn lại đều sở hữu ngoại binh ở hàng thủ. Trong đó, 12 CLB có ngoại binh trực tiếp trấn giữ trước khung thành, từ những đội nhóm đầu như Viettel với Luiz Silva Walter (đã chia tay), Bình Dương với Ali Rabo, đội nhóm cuối như Nam Định với Wesley Rodrigues, Thanh Hóa với Louis Epassi Ewonde.
Một số trường hợp cá biệt như HAGL có 2 trung vệ ngoại là Kim Dong-su, Damir Memovic, CLB Sài Gòn vừa có Thiago Papel, vừa có tiền vệ phòng ngự người Nhật Bản Woo Sang-Ho. Adriano Schdmit được tính là nội binh, nhưng anh có thể được xem như ngoại binh thứ 4 tại đội đầu bảng Hải Phòng.
Chỉ 2 CLB không có trung vệ ngoại. Đội thứ nhất là CLB TP.HCM, đội thứ hai là Hà Nội.
Đương kim á quân chẳng cần ngoại binh đá trung vệ vì 3 trong 4 vị trí đá chính của họ cũng là những người đá chính tại tuyển Việt Nam: Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu. Đó là chưa kể những tuyển thủ khác như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung, Trần Văn Kiên... Và ngay cả khi có hết những con người đó, ông Chu Đình Nghiêm vẫn phải sử dụng Moses Oloya trong vai trò tiền vệ phòng ngự.
CLB TP.HCM là đội duy nhất đứng ngoài quy luật này.
Quyết định chia tay Pape Diakite khiến CLB TP.HCM chỉ còn 3 ngoại binh. Cả Dario da Silva, Joao Paulo và Junior Barros đều là các tiền đạo. “Ngoại binh” thứ 4 của đội bóng, Lee Nguyễn, cũng là một cầu thủ tấn công. HLV Alexandre Polking có thể tung ra sân hàng công gồm bốn “ông Tây”. Nếu kết hợp ăn ý, họ sẽ tạo ra sức tấn công khủng khiếp.
Ngược lại, đội bóng miền Nam phải ra sân với một hàng thủ toàn nội binh. Không một ai trong số những Nguyễn Thanh Thắng, Sầm Ngọc Đức, Ngô Hoàng Thịnh đang có suất đá chính tại đội tuyển.
Ông Polking xây dựng lối chơi của CLB TP.HCM xoay quanh Lee Nguyễn. Ảnh: Duy Anh. |
Quyết định của Polking vì thế dũng cảm nhưng liều lĩnh. Chính sách nhân sự của ông không chỉ khác biệt với V.League mà còn thay đổi hoàn toàn so với chính đội bóng mùa trước. Năm ngoái, CLB TP.HCM có Diakite ở hàng thủ và Seo Yong-Duk đá tiền vệ phòng ngự.
Năm ngoái, vấn đề của CLB TP.HCM cũng không nằm ở hàng công. Sau giai đoạn lượt đi mùa trước, họ là hàng công mạnh nhất giải đấu với 23 bàn ghi được sau 13 trận. Dù sa sút rất nhiều ở lượt về, họ vẫn khép lại mùa giải với tư cách đội tấn công hay thứ hai V.League (30 bàn, kém CLB Hà Nội 7 bàn).
Dù có 2 ngoại binh ở các vị trí phòng ngự, hàng thủ của họ năm ngoái vẫn để thủng lưới 26 lần. Trong tốp 8 đội dẫn đầu, hàng thủ của HLV Chung Hae-seong chỉ tốt hơn HAGL.
Vậy thì những sự bổ sung của CLB TP.HCM nên dành cho hàng công hay nên ưu tiên vào hàng thủ?
Đương nhiên, còn quá sớm để nói, HLV Polking đúng hay sai. HLV này từng tuyên bố sẽ coi “Lee Nguyễn là nhân tố chính” và xây dựng lối chơi xung quanh anh. Ông đã thành công trong ván cược đầu tiên khi Lee Nguyễn chơi tốt, ngoại binh Dario da Silva ghi bàn trong thắng lợi 2-0 trước Hà Tĩnh. Ông sẽ có thêm thời gian để hoàn thiện lối chơi xoay quanh Lee Nguyễn khi giải đấu tạm dừng vì dịch Covid-19. Vị trí của CLB TP.HCM sau lượt đi sẽ chứng minh Polking đúng hai sai.
Trong quá khứ, chưa CLB nào có Lee Nguyễn vô địch nổi V.League. Nhiệm vụ của HLV Polking vì thế sẽ cực kỳ khó khăn.