Những thất bại khó lý giải từ đội đương kim vô địch và á quân, ngôi đầu của CLB Hải Phòng cùng sự trở lại của hai cựu vương Bình Dương, Đà Nẵng là nét chấm phá đáng chú ý sau 2 vòng mở màn V.League 2021.
Quang Hải (giữa) và đồng đội đang trải qua chuỗi 2 thất bại liên tiếp. Ảnh: Việt Hùng. |
Các đại gia ở đâu?
Có ai nghĩ rằng đương kim á quân Hà Nội đứng cuối bảng sau 2 vòng mở màn V.League?
Gần như không thể tìm được lý do chuyên môn nào giải thích cho vị trí hiện tại của CLB Hà Nội. Họ vẫn là đội có lực lượng mạnh nhất, hoàn tất quá trình chuyển nhượng sớm nhất. Họ vẫn tự tin và có nhiều động lực hơn hẳn các mùa giải trước. Lực lượng của họ mạnh tới nỗi ông Chu Đình Nghiêm từ chối gọi về nhiều tài năng trẻ từ Hà Tĩnh hay Phú Thọ. Dù vậy, CLB Hà Nội vẫn thua. Hai trận, họ không giành nổi 1 điểm và đang đứng cuối bảng, vị trí xa lạ từ ngày bầu Hiển đưa CLB lên V.League hơn 10 năm trước.
Và không chỉ riêng Hà Nội, CLB Viettel cũng chỉ đứng trên họ 3 bậc, giành được nhiều hơn kình địch đúng 1 điểm.
Có kẻ xuống thì phải có người lên.
Trên đỉnh V.League, đội bóng chuyên đua trụ hạng Hải Phòng đang có một vị trí vững vàng. Họ đá 2 trận, thắng cả 2, ghi 4 bàn, để lọt lưới 2 lần. CLB nổi tiếng vì lối chơi quyết liệt, nhiều khi bạo lực này, mới nhận đúng 2 thẻ vàng, thành tích rất ấn tượng so với phần còn lại của giải đấu. Hai vòng vừa qua, họ đều dẫn trước đối thủ, đều đẩy đội bạn vào thế bám đuổi và phải phạm lỗi.
Hải Phòng thăng hoa nên cầu thủ của họ cũng có cơ hội tỏa sáng. Nội binh ghi nhiều bàn nhất V.League tới thời điểm này là một cái tên vô danh từ Hải Phòng: Nguyễn Phú Nguyên. 2 bàn ấy nhiều hơn số pha lập công của Phú Nguyên trong suốt 6 năm trước đấy tại V.League.
Hai vị trí xếp sau Hải Phòng, CLB Bình Dương và Đà Nẵng đều nằm ngoái top 5 mùa trước. Ở tốp đầu, CLB Sài Gòn của HLV Vũ Tiến Thành là đội hiếm hoi giữ được vị thế nhờ đấu nhiều hơn các đội khác một trận.
Cục diện thú vị này được tạo nên bởi V.League mới đi qua 2 vòng đấu. Tương quan lực lượng giữa các CLB mạnh và yếu vẫn không thay đổi. Kết quả hiện tại có thể chỉ là tạm thời. Chúng ta chỉ có thể kết luận về vị thế các đội sau khoảng 5 vòng đấu. Nhưng vì giải đang tạm dừng, cục diện này sẽ còn duy trì khá lâu. Và CLB Hải Phòng sẽ có nhiều thời gian hơn, tận hưởng một vị trí mà họ hiếm khi giành được.
CLB Bình Dương (trái) đang trở lại mạnh mẽ dưới thời HLV Phan Thanh Hùng. Ảnh: Việt Hùng. |
Niềm tin vào Bình Dương, Đà Nẵng
Trong cuộc đổi ngôi của V.League hiện tại, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự trở về của hai thế lực thật sự: CLB Đà Nẵng và Bình Dương.
Đoàn quân của HLV Lê Huỳnh Đức đã được đánh giá cao ngay từ giai đoạn chuẩn bị mùa giải. Họ cùng với HAGL là những CLB đưa về nhiều nội binh tốt nhất. Nguyễn Huy Hùng, Vũ Ngọc Thịnh, A Hoàng, Huỳnh Công Đến đều là các cầu thủ có trình độ. Sự bổ sung đồng loạt ấy giúp Đà Nẵng có 2 lựa chọn chất lượng cho hầu hết vị trí. Điển hình trong khung gỗ, họ có hai thủ môn giỏi là Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Tuấn Mạnh. Cộng thêm Hà Đức Chinh, Phan Văn Long, Bùi Tiến Dụng, CLB Đà Nẵng có thể ra sân với nguyên dàn tuyển thủ quốc gia cùng U23.
Những con người ấy đều phù hợp với triết lý bóng đá mà Huỳnh Đức theo đuổi. Ông Đức đã có hai thắng lợi với cùng tỷ số 1-0, vừa phải nhưng chắc chắn trước các đội mạnh là Quảng Ninh, CLB TP.HCM. Quan trọng hơn, CLB Đà Nẵng chưa để thủng lưới một bàn nào. Và họ là đội duy nhất tại V.League 2021 làm được điều đó.
CLB Bình Dương cũng tương tự Đà Nẵng. Không còn hùng mạnh như giai đoạn 2014-2016, CLB Bình Dương vẫn luôn duy trì được vị thế trong nhóm đầu. Công cuộc trẻ hóa của họ đang thu về quả ngọt sau vài năm triển khai. Quyết định chiêu mộ Phan Thanh Hùng càng củng cố con đường ấy. Ông Hùng nổi tiếng là nhà chuyên môn hàng đầu V.League, một chuyên gia đào tạo trẻ đẳng cấp. Hai trận đầu tiên, ông giúp Bình Dương hạ Thanh Hóa của Ljupko Petrovic, ngược dòng trước CLB Hà Nội ở Hàng Đẫy.
Những quyết định kinh nghiệm của ông Hùng trong ngày đầu tới Bình Dương được xem là bước ngoặt tại đội bóng này. Ông lấy lại băng thủ quân từ tay tiền đạo tài năng nhưng còn trẻ Nguyễn Tiến Linh, từ chối trao nó cho các cựu binh mà đặt vào tay Pape Omar nhằm ổn định tình hình. Ông chấn chỉnh ngoại binh Victor Mansaray nhưng vẫn giữ anh ở lại đội bóng. Các quyết định ấy giúp ông nhận được sự nể phục, điều có lẽ quan trọng hơn những chiến thắng trong thời kỳ đầu cầm quân.
Vấn đề của ông Hùng ở Bình Dương có lẽ chỉ nằm ở hàng thủ. Việc không thể giữ chân Hồ Tấn Tài khiến CLB Bình Dương không còn trong tay một hậu vệ tuyển thủ nào. Bộ ba họ Nguyễn Thanh Thảo, Thanh Long, Trung Tín có trình độ nhưng không thể là đủ cho một mùa giải dài trên dưới 20 vòng.
Năm ngoái, CLB Sài Gòn từng tận dụng rất tốt đà sa sút của Hà Nội để vươn lên, qua đó giành vị trí thứ ba chung cuộc. So với đội Sài Gòn, CLB Bình Dương và Đà Nẵng không hề kém cạnh. Họ có thể làm tốt như CLB Sài Gòn hoặc hơn thế nữa.