“Galacticos” là chính sách chuyển nhượng nổi tiếng của Real Madrid trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch Florentino Perez, Real đặt tham vọng đưa về những siêu sao hay nhất, nổi tiếng nhất thế giới bóng đá. CLB TP.HCM cũng có một chính sách chuyển nhượng tương tự.
Với Lee, đội TP.HCM đã có một siêu sao vừa tài năng, vừa giàu sức hút mà họ luôn khao khát. Ảnh: Quang Thịnh. |
Ngôi sao Lee Nguyễn
Từ khi thăng hạng V.League hồi năm 2017, CLB TP.HCM đã liên tục tiếp xúc với các ngôi sao lớn cả trong và ngoài nước. Nhiều ngoại binh nổi tiếng được liên hệ với TP.HCM là Dimitar Berbatov, David N’Gog hay Rodrigo Possebon từng tới đội bóng thử việc.
Với nhóm cầu thủ trong nước, đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng cũng liên tục tiếp cận những ngôi sao lớn nhất. Họ đã thành công trong việc chiêu mộ người hùng Thường Châu Bùi Tiến Dũng, mượn được Nguyễn Công Phượng từ HAGL. Đội bóng này cũng nhắm Đặng Văn Lâm.
Chính sách Galacticos được giới chủ CLB TP.HCM duy trì thống nhất, xuyên suốt qua nhiều mùa giải, ở mọi vị trí. Cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Toshiya Miura, trợ lý Guus Hiddink Chung Hae-seong hay ông thầy hiện tại Alexandre Polking đều là những tên tuổi lớn trên băng ghế huấn luyện. Ở vị trí chủ tịch, đội bóng này từng có Lê Công Vinh không lâu sau khi anh giải nghệ trong khi người thay thế là Hữu Thắng.
Dù vậy, không một ai trong số này so sánh được với Lee Nguyễn.
Thương vụ Lee Nguyễn là cuộc đàm phán phức tạp, kéo dài nhất và tốn nhiều giấy mực hơn cả. Thương vụ này bắt đầu cách đây hơn một năm và từng thất bại. Nó từng khiến đội TP.HCM bị giới bóng đá chê là chỉ biết buôn “bánh vẽ”, khiến uy tín và sức ảnh hưởng của họ bị giảm xuống. Thành công của thương vụ giúp đội bóng lấy lại thể diện, đồng thời tái khẳng định tiềm lực tài chính và tham vọng của CLB.
Nhiều người tin đội bóng muốn sử dụng chính sách Galacticos để rút ngắn con đường đi lên, vươn mình trở thành một thế lực lớn, tạo đối trọng với những CLB giàu truyền thống như Hà Nội, Viettel hay HAGL. Đội TP.HCM mới lên V.League chưa lâu, không sở hữu một lò đào tạo trẻ danh tiếng, không có những ngôi sao bản địa tài năng, họ cần những cú hích chuyển nhượng cực mạnh để đứng ngang hàng với các đối thủ.
Với Lee Nguyễn, CLB TP.HCM đang có siêu sao lý tưởng mà họ hằng mơ ước.
Mùa 2019 hay nhất của đội TP.HCM là khi họ không có cầu thủ ngôi sao nào trong đội hình. Ảnh: Quang Thịnh. |
Giá trị của Lee Nguyễn
Về phương diện hình ảnh, Lee Nguyễn đã làm rất tốt. Tuy nhiên, đội bóng TP.HCM còn cần cả chuyên môn.
Điều thú vị nằm ở chỗ, mùa bóng hay nhất của CLB TP.HCM là khi họ không sở hữu một Galacticos nào. Năm 2019, đội bóng của HLV Chung Hae-seong đã đua vô địch sòng phẳng với Hà Nội dù không có Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Lee Nguyễn trong đội hình. CLB TP.HCM khi ấy mang hình ảnh của một “gia đình, tập thể đoàn kết” như chia sẻ của HLV Chung. Họ chơi bóng kỷ luật, chặt chẽ. Hai cái tên nổi bật của đội bóng trong giai đoạn ấy đều không phải những ngôi sao: Đỗ Văn Thuận và Nguyễn Hữu Tuấn.
Trước đó một năm (2018), với Miura trên ghế huấn luyện và Possebon đến thử việc, họ về thứ 12 tại V.League. Năm ngoái (2020), dù Công Phượng tỏa sáng, họ xếp hạng 5 với điểm nhấn là chuỗi trận đáng thất vọng trong giai đoạn hai.
Trong nhóm 8 CLB dẫn đầu V.League mùa trước, 6 đội đi lên từ hệ thống đào tạo trẻ. TP.HCM là CLB duy nhất theo đuổi chính sách kim tiền, thứ đã biến mất ở V.League từ cả chục năm trước. Đội còn lại trong nhóm này, cũng là đội giành hạng ba Sài Gòn, thú vị thay, đang chơi thứ bóng y gắn kết, kỷ luật y hệt đội TP.HCM của mùa giải 2019.
Nghĩa là cái chính sách Galacticos của TP.HCM hào nhoáng nhưng không đem tới hiệu quả. Nó cũng phản ánh một tư duy làm bóng đá cũ kỹ, đi ngược dòng chảy V.League và tuyển Việt Nam, vốn đang tiến lên không ngừng nhờ nội lực từ bóng đá trẻ.
Khi không thể có nguồn nội lực ấy, đội TP.HCM đá mãi chẳng tiến bộ. Họ có những siêu sao trong đội hình, nhưng từng đó là không đủ khi phần còn lại của đội bóng thiếu gắn kết, không có sự ổn định từ băng ghế huấn luyện. Việc không có lò đào tạo trẻ tốt cũng khiến họ không có nguồn bổ sung từ tuyến sau, phải phụ thuộc vào ngân sách chuyển nhượng từ những ông bầu.
Nếu cần một bài học, CLB TP.HCM có thể nhìn lại 2 năm của Lee Nguyễn ở HAGL (2009) và Bình Dương (2010). Với những đội hình còn mạnh hơn CLB TP.HCM bây giờ, hai đội bóng ấy chỉ cán đích lần lượt ở vị trí thứ 6 và thứ 8. Real Madrid, nơi khởi nguồn của chính sách Galacticos, cũng không thể thành công dù có những cầu thủ hay nhất thế giới lúc đó.
Galacticos đẹp, Lee Nguyễn xuất chúng, nhưng CLB TP.HCM có thành công hay không thì phải đá rồi mới biết.
Vòng 1 vừa qua, họ thua Đà Nẵng.