'Vạn kiếm' của Đài Loan mạnh nhưng bất lực?
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Vạn Kiếm của Đài Loan có các thông số để vô hiệu hóa HQ-9 của Trung Quốc nhưng lại thiếu các phương tiện và hệ thống hỗ trợ.
Khi nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự bằng các hợp đồng mua vũ khí từ bên ngoài, cụ thể là từ Mỹ không đem lại kết quả mong muốn. Washington vẫn phớt lờ lời đề nghị của Đài Loan do áp lực chính trị từ phía Bắc Kinh.
Cán cân quân sự trên eo biển Đài Loan ngày càng diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho Đài Bắc. Để không bị lép vế trước Trung Quốc, Đài Loan đã đầu tư khá nhiều tiền bạc để phát triển các chương trình vũ khí trong nước. Đây có thể xem là "cứu cánh" cuối cùng cho Đài Bắc nếu không muốn bị Bắc Kinh nuốt trọn.
Với Đài Loan chương trình phát triển tên lửa Vạn Kiếm được xem là cứu cánh cho năng lực phòng thủ của họ trước sức mạnh quân sự Trung Quốc. |
Một trong những chương trình phát triển vũ khí đầy tham vọng đó chính là chương trình phát triển tên lửa hành trình tấn công mặt đất Wan Chien (Vạn Kiếm). Vạn Kiếm là một tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không được phát triển bởi Viện khoa học công nghệ Trung Sơn (Chungshan), Đài Loan.
Chương trình được xúc tiến vào năm 2005, dự kiến công tác sản xuất sẽ bắt đầu từ năm 2014, trang bị đại trà cho các tiêm kích Đài Loan từ năm 2018.
"240km đối chọi với 200km
Tên lửa Vạn Kiếm có hình dáng bên ngoài tương tự đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154 JSOW của Mỹ. Mặc dù, Đài Loan tuyên bố Vạn Kiếm là sự phát triển độc lập của họ mà không có sự tham gia của bên thứ 3 nhưng không mấy khó khăn để nhận ra bóng dáng của Mỹ trong chương trình này.
Vạn Kiếm có hình dáng bên ngoài rất giống với đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154 JSOW của Mỹ. |
Trợ giúp cho Đài Loan phát triển tên lửa cũng là cách gián tiếp để tăng cường sức mạnh cho Đài Bắc mà không vướng phải sự phản đối chính trị từ Bắc Kinh. Vạn Kiếm có chiều dài 3,5 mét, thân hình hộp chữ nhật có kích thước 630x320mm, trọng lượng 650kg.
Tên lửa sử dụng động cơ tuabin phản lực có tốc độ cận âm với cửa hút không khí ở bên dưới, sau khi phóng 2 cánh ổn định dài 1,5 mét sẽ được bật ra. Vạn Kiếm được trang bị đầu đạn nặng 350kg chất nổ mạnh hoặc 100 đầu đạn con dùng để công phá các sân bay.
Vạn Kiếm được dẫn hướng kết hợp quán tính và GPS ngoài ra tên lửa cũng có thể trang bị radar hoặc đầu dò hồng ngoại cho việc khóa mục tiêu giai đoạn cuối. Tên lửa có tầm bắn tối đa 240km, như vậy tầm bắn của Vạn Kiếm nhỉnh hơn đôi chút so với hệ thống tên lửa phòng không HQ-9B của Trung Quốc có tầm bắn 200km.
Vạn Kiếm có chiếm được ưu thế trước HQ-9 của Trung Quốc hay không thực sự là một ẩn số lớn. |
Về mặt lý thuyết,Vạn Kiếm có phần nắm ưu thế hơn so với HQ-9B, các phi công Đài Loan có thể phóng Vạn Kiếm từ bên ngoài tầm với của HQ-9B. Vạn Kiếm có thể tấn công các khu vực sân bay, bến cảng, các căn cứ phòng không được bố trí dọc theo bờ biển Trung Quốc.
Tuy nhiên, ưu thế về tầm bắn không hoàn toàn mang lại lợi thế cho Vạn Kiếm. Tên lửa này được thiết kế dành cho tiêm kích AIDC F-CK-1 Ching-kuo, đây là tiêm kích do Đài Loan phát triển với sự giúp đỡ của Mỹ. So với các đối thủ bên kia chiến tuyến là Su-30MKK/MK2, J-11B/BS, J-10A/B thì CK-1 có phần đuối sức.
Mặt khác radar trang bị trên CK-1 chỉ có thể phát hiện mục tiêu ở phạm vi 150km điều này buộc các tiêm kích Đài Loan phải tiến vào gần hơn để có thể khóa mục tiêu cho Vạn Kiếm. Như vậy, CK-1 đã lọt vào tầm bắn của HQ-9B.
Về mặt lý thuyết, tiêm kích CK-1 có thể phóng tên lửa Vạn Kiếm từ phạm vi 240km cách mục tiêu nhưng nó cần được hỗ trợ về chỉ thị mục tiêu từ nguồn bên ngoài như máy bay trinh sát, UAV hay vệ tinh. Mặc dù chương trình tên lửa hành trình tấn công mặt đất Vạn Kiếm vẫn đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm.
Song Vạn Kiếm đã cho Đài Loan có thêm công cụ để duy trì sức mạnh phòng thủ trước áp lực quân sự của Bắc Kinh. Vạn Kiếm và HQ-9 ai sẽ thắng ai là một câu hỏi rất khó giải đáp, nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác.
quốc việt
Theo Infonet