Tính tới chiều 30/7 (giờ địa phương), Trung Quốc và nước chủ nhà Nhật Bản đang chiếm giữ hai vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng huy chương.
Trong một số bộ môn, tuyển Trung Quốc đã tranh tài trực tiếp với tuyển Nhật. Điều này cũng vô hình trung làm gia tăng sức nóng trên mạng xã hội, theo CNN.
Công kích nhà vô địch
Ngày 28/7, vận động viên người Nhật Daiki Hashimoto giành được huy chương vàng trong vòng chung kết thể dục dụng cụ toàn năng nam với thành tích nhỉnh hơn vận động viên Trung Quốc Xiao Ruoteng chỉ 0,4 điểm.
Trong khi Nhật Bản ăn mừng, một số người ở Trung Quốc tỏ ra hoài nghi sự công bằng trong cách chấm điểm thi. Những người này cáo buộc trọng tài thiên vị nước chủ nhà và nâng điểm cho Hashimoto.
Daiki Hashimoto. Ảnh: Reuters. |
Sau khi nhen nhóm trên mạng xã hội Trung Quốc, lửa giận lan sang các nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Các cá nhân quá khích công kích tài khoản Instagram của Hashimoto bằng những bình luận hằn học và tag anh vào bài đăng xúc phạm.
Nhiều tài khoản quấy rối gọi Hashimoto là “nỗi nhục quốc gia” của Nhật Bản, trong khi những tài khoản khác cáo buộc anh đánh cắp huy chương vàng của Trung Quốc. Một số người dùng thậm chí tag nam vận động viên vào hình ảnh vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki.
Một số tài khoản tấn công Hashimoto dường như được lập ra chỉ nhằm mục đích quấy rối vì trên tường của những tài khoản này tràn ngập các bài đăng đề cập tới nam vận động viên người Nhật.
Hashimoto đã thay đổi thiết lập quyền riêng tư trên Instagram để người khác không còn có thể tag mình, nhưng các dòng bình luận giận dữ vẫn không ngừng xuất hiện bên dưới bài đăng của anh.
Lòng thù hận có gốc rễ sâu xa
Nạn công kích và quấy rối như trên là biểu trưng của làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang quét qua mạng xã hội Trung Quốc. Nguyên nhân của tâm lý này là mối hiềm khích tồn tại đã lâu xuất phát từ việc Nhật Bản từng xâm lược Trung Quốc trong Thế chiến II.
Một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã kêu gọi chấm dứt hành động quấy rối trực tuyến, nhưng những người này cũng trở thành nạn nhân.
Trong những năm gần đây, người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc đã thực hiện các chiến dịch quấy rối trực tuyến với quy mô lớn nhằm vào những người bị cho là đối thủ của Trung Quốc.
Nhóm người này cũng từng phản đối vận động viên bơi lội Australia Mack Horton trong Thế vận hội 2016 tại Rio (Brazil), sau khi Horton gọi vận động viên Trung Quốc Sun Yang là “kẻ gian lận dùng thuốc”.
Mack Horton. Ảnh: Swimming Australia. |
Trước sự kiện Hashimoto bị quấy rối, Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế (FIG) ra tuyên bố vào ngày 29/7 và công khai điểm số của nam vận động viên, bao gồm những lỗi mà anh mắc phải.
“FIG có thể đánh giá rằng số điểm 14,7 mà Hashimoto đạt được trên thang điểm này là đúng theo quy định chấm điểm và đây cũng là kết quả chung cuộc”, tuyên bố này cho biết.
Trong một bài đăng Instagram vào tối 29/7, Hashimoto bày tỏ sự biết ơn đối với những lời ủng hộ mình nhận được, đồng thời thừa nhận việc bị quấy rối trên mạng xã hội.
“Các bạn có thể nghĩ điểm số là không công bằng, nhưng FIG đã ra phán quyết về số điểm chính thức… Chúng ta phải chấp nhận kết quả ấy dù điều ấy có thể rất khó khăn”, anh viết.
Đi ngược lại tinh thần của Olympic Tokyo
Trước khi nhắm vào Hashimoto, đám đông quá khích đã công kích Mima Ito và Jun Mizutani, cặp vận động viên bóng bàn đánh bại sát nút tuyển Trung Quốc để giành huy chương vàng đầu tiên trong nội dung đôi hỗn hợp vào ngày 26/7.
Hai ngày sau chiến thắng, Mizutani viết trên Twitter rằng anh vừa nhận được một làn sóng tin nhắn công kích.
Mima Ito và Jun Mizutani. Ảnh: AP. |
“Nhận được hàng tấn tin nhắn từ một quốc gia bảo tôi nên cuốn xéo đi, nhưng tôi hoàn toàn ổn vì đã quá quen với những lời như thế… Mọi tin nhắn từ Nhật Bản đều đang cổ vũ tôi, tôi xin cảm ơn!”, Mizutani viết. Dòng tweet này sau đó đã bị xóa.
Tới lượt mình, nữ vận động viên Ito phải đóng tường tài khoản cá nhân trên Weibo - mạng xã hội của Trung Quốc - sau khi nhận được hàng loạt các bình luận thù ghét. Cô cũng bị tấn công trên Instagram.
Các cuộc công kích đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Nhật Bản và cũng thổi bùng sự giận dữ trên mạng xã hội.
Phát biểu tại một hội thảo ngày 28/7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết mình có biết về việc này nhưng không nắm cụ thể chi tiết.
“Với tư cách chính phủ, chúng tôi tin rằng mọi sự phân biệt đối xử nào cũng không được phép. Điều đó cũng đi ngược lại tinh thần của Olympic Tokyo”, ông Kato nói.