Tại các nhà thi đấu của Thế vận hội Tokyo lúc này đang là những khán đài gần như không có bóng người hâm mộ do quy định cấm khán giả để chống dịch. Một số địa điểm thi đấu đã trở nên yên ắng không thua kém thư viện.
Ở một số nơi khác, trách nhiệm khuấy động bầu không khí đã rơi lên bờ vai của số ít người có mặt như người cùng thi đấu, nhân viên trong đội, tình nguyện viên, và giới chức,…
Đương nhiên, âm thanh những người này tạo ra hoàn toàn không giống tiếng động của một thế vận hội thông thường.
Olympic Tokyo năm nay cấm khán giả để chống dịch Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Nghe được tiếng ve khi thi đấu
“Âm thanh từ khán giả là một trong những phần tuyệt vời nhất khi bạn tham gia một giải đấu lớn”, Megan Rapinoe, tiền đạo đội tuyển bóng đá nữ Mỹ, cho biết, thêm rằng không khí yên ắng trên sân vận động lúc này khiến tinh thần của cô phần nào đi xuống.
Thay vì âm thanh quen thuộc, một số vận động viên phải thi đấu trên nền tiếng râm ran của ve sầu. Tiếng ve là âm thanh quen thuộc vào mùa hè ở Nhật, nhưng lại là điều xa lạ trong những giải đấu thể thao lớn.
“Chúng thật sự khá là bực mình”, Paula Badosa, 23 tuổi, vận động viên tennis của đội tuyển Tây Ban Nha, nhận định về loài côn trùng ồn ào.
Với những vận động viên từng tưởng tượng ra cảnh bản thân sẽ được trình diễn trước đám đông reo hò, bầu không khí im ắng lúc này là một nỗi niềm thất vọng.
Caroline Dubois, vận động viên boxing người Anh, đặt chân đến Tokyo khi trong trí nhớ vẫn vang vọng những tiếng hò reo của kỳ Olympic năm 2012 ở quê nhà. Vì thế, Dubois không khỏi chết lặng tại một trận đấu gần đây giữa đồng đội và một tay đấm từ Ireland.
“(Kỳ Olympic trước), hai bên vừa bước ra là cả đám đông như phát cuồng. Âm thanh ấy khiến tôi thật sự choáng váng”, Dubois nói. “Ở đây thật sự không được như thế”.
Những khán giả hiếm hoi
Dù vậy, vẫn có một số người đang cố tái tạo âm thanh ấy theo những cách nhỏ nhặt, như Matthew Deane, người dẫn chương trình tới đây từ Bangkok để sản xuất nội dung cho nhà chức trách thể thao tại Thái Lan.
Ngày 27/7, Deane đứng trên khán đài của một khu thi đấu đấm bốc và vẫy lá quốc kỳ Thái Lan. Nhưng được một lúc, anh cảm thấy ngại khi cất tiếng hò reo hoặc tạo tiếng động lớn vì quanh anh không có người hâm mộ nào khác.
“Sự yên ắng quá mức làm bạn cảm thấy không dám thể hiện hết mức vì không muốn khiến vận động viên mất tập trung. Nhưng bạn lại muốn họ biết rằng mình ít ra vẫn có người ủng hộ”, Deane nói.
Những người khán giả hiếm hoi cảm thấy mình có trách nhiệm làm khuấy động bầu không khí. Ảnh: New York Times. |
Như Deane, số ít khán giả khác cũng có cùng cảm xúc trách nhiệm ấy. Tại trận đấu bóng rổ tuần này giữa Nigeria và Australia, Olukemi Dare, phu nhân bộ trưởng Thể thao Nigeria, là người duy nhất hò reo cổ vũ trên khán đài với 40.000 ghế gần như trống không.
Sau trận đấu, khi được hỏi liệu bà có cho rằng các cầu thủ sẽ chú ý đến mình hay không, bà Dare bật cười.
“Tôi không biết, nhưng tôi đang cố khích lệ tinh thần cho họ”, bà nói.
Âm thanh của kỳ thế vận hội này hoàn toàn tương phản với thế vận hội mùa hè năm 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil), khi giới chức và vận động viên ở một số bộ môn phải cầu xin đám đông huyên náo cho họ một chút yên tĩnh.
Khi nhắc tới thế vận hội Rio, giọng nói của vận động viên ở Tokyo lúc này đều chứa đựng nỗi khát khao được nghe lại tiếng ồn ã từ khán đài.
“Tại Rio, khán đài động chật kín chỗ ngồi, âm thanh cũng rất lớn”, Liu Jia, một vận động viên bóng bàn của tuyển Áo, kể lại. Tương phản, cô có thể nghe thấy tiếng ai đó ho húng hắng khi thi đấu vào tuần này.
Âm thanh có thể ảnh hưởng tới thi đấu
Theo các chuyên gia, tùy vào từng hoàn cảnh mà việc vắng bóng người hâm mộ và tiếng ồn có thể ảnh hưởng tới vận động viên.
Fabian Otte, một nhà khoa học thể thao, cho biết sự im lặng có thể có lợi cho các vận động viên ở một số khía cạnh, chẳng hạn như giúp họ nghe rõ tiếng đồng đội và huấn luyện viên.
Ngược lại, cảm xúc cũng đóng một phần quan trọng trong hiệu quả thi đấu. Các vận động viên cho biết họ thường có thể vượt qua giới hạn thông thường của bản thân khi nghe thấy tiếng reo hò của người hâm mộ.
Trong bất cứ trường hợp nào, mọi thay đổi lớn trong môi trường âm thanh đều “có thể tạo ra tác động đáng kể tới hiệu suất thi đấu”, ông Otte nói.
Những băng ghế trống trơn tại Olympic Tokyo. Ảnh: New York Times. |
Theo New York Times, đấu trường ồn ào nhất tại thế vận hội lần này có lẽ là Trung tâm Thể thao Dưới nước Tokyo, do gần như lúc nào ở đây cũng có đông đảo vận động viên bơi lội.
Vì được phép tham dự khi không thi đấu, vận động viên và nhân viên trong đội thường tự phân chia thành những nhóm cổ vũ tạm thời để hô khẩu hiệu và sử dụng công cụ tạo tiếng động bằng hơi.
Tại một số sân thi đấu khác, nhà tổ chức bật tiếng ồn của đám đông được ghi âm từ trước để tạo bầu không khí cho các trận đấu. Nhưng đến nay, cách làm này chỉ gây chú ý vì còn quá thô sơ.
Chẳng hạn, trong ngày mở màn giải đấu bóng rổ nam tại sân Saitama Super Arena, tiếng đám đông phát ra từ những dàn loa hoàn toàn không giống âm thanh ở trận đấu bóng mà chỉ như tiếng lao xao ở một nhà hàng trong giờ ăn trưa.
Megan Rapinoe, cầu thủ bóng đá cho đội tuyển Mỹ, cho biết âm thanh của đám đông giả chỉ khiến cô bị mất tập trung hơn là cảm thấy phấn chấn.
“Tôi nghĩ là âm lượng của tiếng ồn ấy chỉ như ở mức 1. Khi ấy tôi kiểu, ở đây thật sự đang có khán giả á?”, cầu thủ này bật cười.