Nhiều người hâm mộ và chuyên gia lo ngại rằng việc mở rộng số đội sẽ làm giảm chất lượng giải. FIFA, cơ quan quản lý bóng đá toàn cầu, cho biết đang xem xét cách tổ chức các vòng đấu sao cho hoàn hảo và cân bằng nhất có thể.
Vấn đề đầu tiên là quyết định những đội nào được thi đấu. Mục tiêu chính của World Cup là tìm ra đội xuất sắc, nhưng FIFA cũng coi giải đấu là cơ hội để phát triển môn thể thao vua. Đây cũng là lý do châu Âu chỉ có 13 trong số 32 suất thi đấu hiện tại, mặc dù có 16 trong số 32 đội hàng đầu thế giới.
Những phương án trái ngược nhau
16 suất thi đấu bổ sung chủ yếu sẽ được dành để tăng tính đa dạng, tạo cơ hội tham gia World Cup cho các đội bóng từ nhiều quốc gia khác nhau, thay vì thêm suất cho các đội hàng đầu.
Số lượng đội bóng châu Á và châu Phi được tham gia World Cup 2026 sẽ tăng gần gấp đôi. Châu Âu sẽ có thêm 3 suất, nhưng nhìn chung tỷ lệ đội châu Âu sẽ giảm từ khoảng 40% xuống còn 1/3.
Tiếp theo, FIFA phải quyết định thể thức giải đấu để tìm ra đội đứng nhất trong số 48 đội. Giải pháp công bằng nhất là hệ thống thi đấu vòng tròn tính điểm, thường được sử dụng trong các giải bóng đá quốc gia.
Đội tuyển Argentina thua trước Saudi Arabia ở vòng bảng, nhưng nhờ thể thức thi đấu vẫn có cơ hội "chuộc lỗi" ở các trận sau. Ảnh: Nbcnews. |
Theo thể thức này, mỗi đội đều thi đấu với tất cả đội còn lại, đi đến kết quả xếp hạng cuối cùng. Đây là cách thi đấu đảm bảo tính công bằng và thể hiện thực lực đội bóng rõ nhất, nhưng không thực tế với World Cup, vì sẽ đòi hỏi 48 đội chơi 1.128 trận trong vòng 1 tháng, hay 36 trận bóng mỗi ngày. Cách thi đấu này cũng sẽ làm mất đi trận chung kết kịch tính.
Một thái cực khác, đấu loại trực tiếp, sẽ yêu cầu ít trận đấu hơn nhiều. Với 32 đội, chỉ cần 31 trận đấu để xác định nhà vô địch. Nhưng cách này sẽ làm lãng phí thời gian và tiền bạc của nhiều đội bóng và người hâm mộ, đến giải đấu để chơi hoặc xem một trận duy nhất và đội của mình bị loại ngay lập tức.
Bóng đá là trò chơi có nhiều biến số, và một đội yếu có thể may mắn giành chiến thắng trước đội mạnh, vì vậy hình thức đấu loại trực tiếp cũng là "may rủi" nhất. Theo thể thức này, Argentina sẽ không thể vô địch World Cup năm nay, vì thua trận mở màn trước Saudi Arabia.
Vì thế các kỳ vô địch thế giới ở hầu hết môn thể thao đều có vòng bảng, các đội được sắp xếp thành các giải đấu xếp hạng nhỏ, và những đội đạt xếp hạng cao trong bảng của mình mới đi vào đấu loại trực tiếp.
Thế khó của FIFA
Đây cũng là lý do FIFA rơi vào thế khó với con số 48 đội. 32 đội có thể chia thành 8 bảng, mỗi bảng 4 đội và sẽ có 2 suất vào vòng đấu loại trực tiếp. Nhưng với 48 đội, sẽ rất "lắt léo" để đi đến con số 32 hoặc 16 đội để có thể ghép cặp trong giai đoạn đấu loại trực tiếp.
FIFA dự định World Cup sắp tới sẽ có 16 bảng đấu, mỗi bảng 3 đội. 2 đội chơi tốt nhất của mỗi bảng sẽ giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp gồm 32 đội.
Nhưng cách này sẽ làm cho một số trận đấu cuối cùng trong vòng bảng trở nên vô nghĩa, sau khi 2 vị trí dẫn đầu đã được quyết định. Tồi tệ hơn, nó có thể đẫn đến thông đồng khi 2 đội thi đấu ở trận cuối cùng đều có thể được vào vòng trong với kết quả hòa.
Messi cùng đội tuyển Argentina ăn mừng chiến thắng chung cuộc tại World Cup. Không dễ để tìm ra thể thức thi đấu công bằng cho 48 đội mà vẫn không làm mất đi trận chung kết kịch tính như vừa qua. Ảnh: Reuters. |
Một giải pháp khác có thể là 12 bảng 4 đội. 2 đội dẫn đầu mỗi bảng sẽ giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp, thêm vào đó là 8 đội ở vị trí thứ ba có thành tích tốt nhất, tạo thành 32 đội. Tuy nhiên việc chọn ra 8 đội “tốt nhất” trong các đội xếp thứ ba ở các bảng có thể gây tranh cãi, cho dù sử dụng chỉ số nào.
Một cách tiếp cận triệt để hơn là Swiss System, hay hệ thống Thụy Sĩ, thể thức giải đấu được sử dụng cho cờ vua và các boardgame khác. Sau mỗi vòng đấu, các đội thắng sẽ đấu với nhau và các đội thua đấu với nhau, và lặp lại cho đến khi có kết quả xếp hạng cuối cùng. Đội bóng mạnh không may thua cuộc vẫn có cơ hội chuộc lỗi và leo lên hạng cao trong bảng của mình.
Theo một nghiên cứu của Laszlo Csato tại Đại học Corvinus ở Budapest, thể thức này là hiệu quả nhất trong việc xếp hạng các đội trong một thời gian ngắn. Bắt đầu từ 2024, Champions League sẽ áp dụng một biến thể của Swiss System cho vòng bảng, chọn ra 16 đội đấu loại trực tiếp từ 36 đội tham gia.
Tuy nhiên trong bóng đá, sử dụng Swiss System cho vòng bảng thay vì toàn giải đấu sẽ gây khó khăn trong việc đảm bảo mỗi bảng có "độ khó" tương tự nhau, tránh việc đội bóng lọt vào vòng trong nhờ gặp nhiều đối thủ dễ ở vòng bảng. Người hâm mộ và các đội có thể phàn nàn thậm chí tỏ ra phẫn nộ về kết quả bốc thăm chia bảng.
Nếu sử dụng Swiss System cho toàn giải, người hâm mộ sẽ mất đi trận chung kết kịch tính, vì đội bóng được xếp hạng cao nhất là đội bóng thắng đều đặn suốt giải chứ không phụ thuộc vào một trận đấu nhất định.
Bất cứ quyết định nào của FIFA cũng sẽ gây khó xử, đặc biệt là với sự đơn giản của thể thức hiện nay. Nhưng có thời điều này chỉ là tạm thời, và những người hâm mộ bóng đá vẫn sẽ hứng thú với World Cup cho dù ở thể thức nào. Đặc biệt, những người hâm mộ ở các quốc gia lần đầu tiên có đội thi đấu World Cup chắc chắn sẽ hào hứng.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.