Theo Bloomberg, chưa đầy 2 tuần sau vụ sụp đổ lớn thứ 2 của lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - đã nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.
Lãnh đạo ngân hàng trung ương cho rằng Fed có thể thắt chặt hơn nữa sau đợt tăng lãi suất hôm 22/3. Cơ quan này có thể đẩy lãi suất điều hành lên cao hơn dự kiến nếu cần.
Trong họp báo sau cuộc họp, ông Powell cũng cho biết các nhà chức trách không tính đến việc cắt giảm lãi suất trong năm nay, dù giới đầu tư đã đặt cược vào kịch bản này.
Fed đặt cược thế nào?
Các thị trường chứng khoán đi lên sau quyết định của Fed, do việc tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm đúng với dự báo của đa số nhà đầu tư. Nhưng bình luận của ông Powell đã khiến thị trường đỏ lửa.
Kết thúc phiên giao dịch 22/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc 1,63% xuống 32.030 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq sụt giảm lần lượt 1,65% và 1,6%.
Theo tính toán của các quan chức Fed, những biến động trong ngành ngân hàng có thể khiến nền kinh tế chậm lại, nhưng sẽ không lan rộng thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Trên thực tế, những người tiền nhiệm của họ cũng đã tính toán sai hồi 2007. Tuy nhiên, các quan chức Fed đương nhiệm vẫn đặt niềm tin vào những tiêu chuẩn về vốn và thanh khoản cao hơn thời điểm đó, cùng với các biện pháp khẩn cấp để xử lý rắc rối.
"Họ tin rằng mình có sẵn các công cụ để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng", ông Jay Bryson - chuyên gia kinh tế trưởng của Wells Fargo - nhận định. Nhưng ông cảnh báo rằng đây có thể là một quyết định tồi.
Trong họp báo sau cuộc họp, ông Powell đã nhiều lần thừa nhận rằng đến nay, vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng từ những biến động trong ngành ngân hàng.
"Các sự kiện mới đây có thể dẫn đến điều kiện tài chính thắt chặt hơn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Chưa biết chính xác mức độ ảnh hưởng là như thế nào", cơ quan hoạch định chính sách của Fed cho biết trong tuyên bố.
Ông Powell cũng mô tả làn sóng rút tiền khỏi Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng từng lớn thứ 16 nước Mỹ - là "rất nhanh". Sự sụp đổ của nhà băng này diễn ra đột ngột tới mức giới chức Mỹ phải đặt ra câu hỏi: "Nó đã diễn ra như thế nào?".
Thời điểm đó, Fed đã tuyên bố đó là một tình huống "bất thường và cấp thiết". Ngân hàng trung ương Mỹ gấp rút triển khai chương trình cho vay khẩn cấp đối với các ngân hàng nhằm ngăn chặn rủi ro lây lan.
Rủi ro trong ván cược của Fed
Trong cuộc họp vừa qua, ông Powell đảm bảo rằng các cơ quan quản lý đã vào cuộc kịp thời và khoản tiền gửi của khách hàng vẫn an toàn.
Tuy nhiên, trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, diễn ra cùng lúc với họp báo của ông Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết các cơ quan quản lý hiện không tính đến việc mở rộng diện bảo hiểm tiền gửi.
Những bình luận của bà Yellen đã kích hoạt một đợt bán tháo cổ phiếu mới. KBW Bank Index - theo dõi nhóm cổ phiếu ngân hàng - đã lao dốc sau 2 ngày phục hồi.
Họ tin rằng mình có sẵn các công cụ để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng. Nhưng đó có thể là một quyết định tồi.
Ông Jay Bryson - chuyên gia kinh tế trưởng của Wells Fargo
Ông Powell cho rằng các hoạt động cho vay suy yếu có thể dẫn tới nhu cầu và tiêu dùng sụt giảm. "Như vậy, chúng ta sẽ không cần can thiệp bằng chính sách tiền tệ nữa", ông nhận định.
Nhưng Fed có thể còn chưa tính tới một kịch bản thứ 3. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu gia tăng trong bối cảnh hệ thống tài chính đang lung lay. Điều này có khả năng gây ra làn sóng vỡ nợ đối với các hộ gia đình, từ đó tạo thêm sức ép lên hệ thống ngân hàng.
"Đây là chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong vòng 40 năm. Càng mạnh tay, các vị càng khó kiểm soát kết quả", Bloomberg dẫn lời ông James Knightley - chuyên gia kinh tế trưởng tại ING.
"Nguy cơ căng thẳng kinh tế và tài chính do đó sẽ tăng lên", vị chuyên gia cảnh báo.
"Điểm mấu chốt là cả ông Powell lẫn FOMC đều không chắc chắn về mức độ, thời gian và ảnh hưởng của việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay đối với hệ thống ngân hàng", bà Kathy Bostjancic tại Nationwide Life Insurance nhấn mạnh.
Trong họp báo sau cuộc họp, ông Powell tiết lộ FOMC đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất do khủng hoảng trong ngành ngân hàng. Nhưng cuối cùng, cơ quan này vẫn nhất trí nâng lãi suất điều hành vì các dữ liệu lạm phát và thị trường lao động còn nóng.
Theo giới quan sát, việc ngân hàng trung ương Mỹ vào cuộc quá muộn khiến lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất nhiều thập kỷ.
"Có lẽ ông Powell đã mắc sai lầm lớn nhất trong 40 năm qua: Phản ứng không đủ nhanh với lạm phát và kết quả là đẩy hệ thống ngân hàng vào tình trạng bất ổn", ông Mohamed El-Erian, Cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz nhấn mạnh.
Lạm phát đã tăng tốc vào năm 2021 và vọt lên mức cao nhất 40 năm trong năm ngoái. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm cho thấy lạm phát đang có dấu hiệu trở lại.
Thị trường việc làm cũng vẫn "nóng" với số lượng việc làm mới tăng hơn 800.000 vị trí trong tháng 1 và tháng 2.
Dù vậy, các thị trường kỳ hạn vẫn định giá Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay, bởi họ tin rằng nền kinh tế sẽ trượt tới suy thoái.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.