SVB là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ảnh: Bloomberg. |
Theo nguồn tin của Bloomberg, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ đang gấp rút chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố hệ thống ngân hàng và đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu rút tiền của khách hàng. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có thể tạo ra cuộc khủng hoảng trên toàn ngành.
Cụ thể, Fed đang có kế hoạch nới lỏng các điều khoản về quyền tiếp cận cửa sổ chiết khấu (discount window) của ngân hàng. Đây là công cụ cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn.
Việc làm này có thể giúp các ngân hàng chuyển những tài sản bị giảm giá trị thành tiền mặt, mà không phải chịu tổn thất như SVB.
Fed và Bộ Tài chính Mỹ cũng chuẩn bị một kế hoạch hỗ trợ tiền gửi thông qua chương trình cho vay khẩn cấp của Fed. Nguồn tin của Bloomberg cho biết các bên liên quan vẫn đang thảo luận về những thay đổi.
Làn sóng rút tiền ồ ạt đã khiến SVB sụp đổ. Để hỗ trợ bảng cân đối kế toán, ngân hàng này phải bán phần lớn các khoản đầu tư trái phiếu thua lỗ nhằm tăng thanh khoản.
Sự sụp đổ của SVB có thể tạo ra cuộc khủng hoảng thanh khoản trên toàn ngành. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, quyền cho vay khẩn cấp của Fed thường được dùng cho các trường hợp bất thường và cấp bách. Động thái này báo hiệu rằng cơ quan quản lý Mỹ coi tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của SVB là dấu hiệu rủi ro hệ thống trên thị trường.
Chương trình cho vay khẩn cấp của Fed là một đạo luật trong thời kỳ suy thoái thuộc Đạo luật Dự trữ Liên bang. Đạo luật này cho phép ngân hàng trung ương cho vay trực tiếp sau khi chứng minh được rằng bên vay không thể có được thanh khoản từ những nơi khác.
Việc sử dụng thẩm quyền này cần được hội đồng thống đốc Fed thông qua và sự chấp thuận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Kể từ cuối tuần trước, một số ngân hàng đã bắt đầu rút tiền từ cửa sổ chiết khấu nhằm gia tăng thanh khoản.
Fed hiện có 2 chương trình cho vay theo cửa sổ chiết khấu. Chương trình tín dụng chính dành cho các ngân hàng lành mạnh có tài sản thế chấp. Những nhà băng này chỉ cần chịu phí phạt thấp đối với lãi suất cho vay qua đêm.
Còn chương trình thứ 2 dành cho các ngân hàng đang gặp khó khăn. Họ sẽ phải chịu phí phạt cao với thời gian vay ngắn hơn.
Làn sóng rút tiền đã châm ngòi khủng hoảng của SVB. Ảnh: Bloomberg. |
Các điều khoản của cửa sổ chiết khấu nằm trong phạm vi ra quyết định của Fed. Do đó, công cụ này không cần tới sự phê duyệt của nhiều cơ quan như chương trình cho vay khẩn cấp.
SVB là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong 44 tiếng điên rồ, các công ty khởi nghiệp ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng vốn được coi là xương sống của giới startup công nghệ.
Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã bắt đầu quá trình đấu giá SVB vào ngày 12/3. Cơ quan này đang chạy đua để bán tài sản của SVB và trả phần tiền gửi không được bảo hiểm cho các khách hàng.
Đáng nói, phần lớn tiền gửi tại nhà băng này không được bảo hiểm. Tính đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ này lên tới 93%.
Fed cũng phát đi tuyên bố chung của Bộ Tài chính, Fed và FDIC liên quan tới việc SVB phá sản.
Tuyên bố cho hay các cơ quan liên quan đang thực hiện những hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo rằng hệ thống tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tuyên bố nhấn mạnh từ ngày 13/3, người gửi tiền tại SVB “sẽ có quyền tiếp cận số tiền của họ".
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...