Ngày 6/3 diễn ra bình thường như bất cứ thứ hai nào khác. Các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đa số đều tin rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Câu hỏi đặt ra là lãi suất sẽ tăng bao nhiêu, 25 hay 50 điểm cơ bản.
Ngày 6/3: Khoảng lặng trước bão
Trước cuộc họp chính sách tháng 3, Mỹ sẽ lần lượt công bố dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp. Các con số có thể ảnh hưởng tới quyết định của Fed.
Chỉ số S&P đã tăng gần 1% trong phiên giao dịch trước khi điều chỉnh giảm, và đóng cửa ở mức gần như không đổi so với phiên liền trước.
Ngày 7/3: Một Fed diều hâu
Nhưng ngày sau đó, Phố Wall đón tin dữ. Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra những bình luận diều hâu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh quyết tâm chống lạm phát.
Ông cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất điều hành 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3. Và điều này đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống mức thấp mới.
Ván cược của các nhà đầu tư đã thay đổi. Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất 107 điểm cơ bản trong 4 cuộc họp tiếp theo lên 5,6%.
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã tăng lên 104 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 1981. Đó cũng là tín hiệu cho những rắc rối của ngành ngân hàng Mỹ.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed. Ảnh: Bloomberg. |
Ngày 8/3: Nhen nhóm khủng hoảng
Ông Powell tiếp tục phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, nhưng những bê bối trong ngành ngân hàng đã chiếm trọn chú ý.
Silvergate Capital - một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Sau khi kết thúc phiên giao dịch, nhà băng này công bố kế hoạch ngừng hoạt động và bắt đầu thanh lý tài sản.
Thời điểm đó, nhiều người tin rằng đó là rắc rối của riêng mình Silvergate Capital, vốn đã dấn thân quá sâu vào lĩnh vực tiền mã hóa.
Trong khi đó, SVB Financial Group bắt đầu chào bán cổ phiếu, bán gần như toàn bộ chứng khoán có trong danh mục đầu tư và cập nhật dự báo năm.
Lúc này, Silicon Valley Bank (SVB) đang đối mặt với bài toán nan giải. Để hỗ trợ bảng cân đối kế toán, ngân hàng phải bán phần lớn các khoản đầu tư trái phiếu thua lỗ để tăng thanh khoản.
Động thái này sẽ khiến khách hàng lo ngại, nhưng việc nằm im chờ bị hạ cấp cũng không mang lại kết quả khả quan hơn. Cùng ngày, Moody's đã hạ cấp tín nhiệm ngân hàng này.
Cơn bão đã tới, nhưng chứng khoán Mỹ vẫn tăng nhẹ trong ngày.
Ngày 9/3: Nỗi sợ lây lan
Cổ phiếu nhóm ngân hàng trải qua ngày tệ hại nhất trong gần 3 năm. Giá cổ phiếu của SVB rớt 60%. Gần 10 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bị thổi bay. Đây là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, tập trung vào dòng vốn đầu tư mạo hiểm, nhất là lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm như Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.
Chiều ngày 9/3, SVB liên hệ với các khách hàng lớn nhất, nhấn mạnh rằng họ được định giá cao, có bảng cân đối kế toán lành mạnh, thanh khoản dồi dào và linh hoạt.
Trong cuộc họp qua điện thoại của mình, ông Greg Becker - CEO SVB Financial Group - trấn an các khách hàng của mình: "Hãy bình tĩnh". Nhưng nước lúc này đã dâng tới chân.
Thời điểm đó, một số nhà đầu tư đã bắt đầu tin rằng Fed sẽ khó tăng lãi suất hơn, nhưng chủ yếu do tỷ lệ thất nghiệp vượt dự báo.
Cổ phiếu SVB lao dốc 60% trước khi bị dừng giao dịch. Ảnh: Bloomberg. |
Ngày 10/3: Vụ sụp đổ ngân hàng đầu tiên
Giữa buổi sáng, SVB bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa. Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã họp khẩn để thảo luận về tình hình. Còn chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định rằng các cơ quan quản lý "có những công cụ hiệu quả" để giải quyết các diễn biến.
Chứng khoán Mỹ xóa sạch mức tăng kể từ đầu năm 2023, dù lợi suất trái phiếu kho bạc 2 năm đã giảm 28 điểm cơ bản.
Ngày 13/3: Khủng hoảng nối khủng hoảng
Đồi Capitol và Phố Wall không nghỉ cuối tuần. Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã chuẩn bị những biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ hệ thống ngân hàng. Người gửi tiền của SVB được giải cứu, nhưng các cổ đông và ban lãnh đạo của nhà băng này thì không.
Giữa bê bối của SVB, thêm một ngân hàng nữa bị đóng cửa. Đó là Signature Bank, sau khi các khách hàng ồ ạt rút 20% tiền gửi.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá cổ phiếu của First Republic Bank lao dốc 62%, chỉ số KBW - theo dõi nhóm cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ - giảm thêm 12%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm ghi nhận mức giảm lớn nhất trong vòng 41 năm. Đồng USD xóa sạch mức tăng kể từ đầu năm. Giới đầu tư tin rằng Fed sẽ lỏng tay hơn trong việc tăng lãi suất.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group tin rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo. Đội ngũ chuyên gia kinh tế của Nomura nhận định Fed nên cắt giảm lãi suất mục tiêu, còn thị trường đặt cược vào khả năng ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất vào cuối năm.
Ngày 14/3: Lạm phát vẫn nóng
Thị trường nhận thấy trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 tháng. Tuy nhiên, dữ liệu quan trọng này vẫn bị lấn át bởi thông tin Moody’s Investors Service hạ triển vọng của hệ thống ngân hàng Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực.
Đến cuối phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đón thêm một tin xấu. Credit Suisse Group cho biết đã xác định được những điểm yếu quan trọng trong báo cáo tài chính của mình.
Ngày 15/3: Báo động đỏ từ Credit Suisse
Cổ phiếu của Credit Suisse rớt thảm trong phiên sau khi Ngân hàng Trung ương Saudi (SNB) - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - từ chối cung cấp thêm vốn cho nhà băng Thụy Sĩ này vì không muốn vi phạm quy định hạn chế tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu.
Rắc rối của Credit Suisse khiến các thị trường châu Âu và toàn cầu run rẩy. Nhà băng này là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, làm ăn với nhiều đối tác trên toàn cầu.
Ủy ban Ổn định Tài chính - một cơ quan giám sát hệ thống tài chính quốc tế - phân loại Credit Suisse là "ngân hàng quan trọng với hệ thống toàn cầu", cùng với 30 nhà băng khác bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Bank of China.
Tối đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết sẵn sàng cho Credit Suisse vay 54 tỷ USD.
Ngày 16/3: 30 tỷ USD giải cứu
Chỉ vài giờ sau khi Credit Suisse được ném phao cứu sinh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu thông báo tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.
Nhưng chỉ vài phút sau, sự chú ý chuyển sang First Republic Bank của Mỹ. Các đợt bán tháo ồ ạt đẩy giá cổ phiếu của ngân hàng này tụt dốc 83% trong 2 tuần.
Giới chức Mỹ đã thuyết phục 12 ngân hàng lớn gửi 30 tỷ USD vào First Republic Bank. Động thái này giúp chứng khoán Mỹ bật tăng.
Nhưng Phố Wall lại vừa đón thêm tin xấu. Các ngân hàng đã vay khoản tiền kỷ lục 152,85 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu (discount window) trong vòng 7 ngày.
Đây là công cụ cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn.
Kỷ lục cũ là 111 tỷ USD, diễn ra trong khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...