Theo dự kiến, phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 10/10 và bế mạc vào ngày 12/10, nhằm xem xét hàng loạt báo cáo và những nội dung quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp sắp diễn ra vào cuối tháng 10.
Trong đó, cuối chiều 10/10, Bộ trưởng Nội vụ sẽ trình bày các tờ trình về công tác nhân sự và Trưởng ban Công tác đại biểu trình bày những văn bản liên quan. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về nội dung này.
Với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, hiện còn 2 chức danh chưa được kiện toàn do có sự thay đổi nhân sự giữa nhiệm kỳ. Đó là Bộ trưởng Y tế và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Những thay đổi về nhân sự này bắt nguồn từ việc ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) bị bắt hồi đầu tháng 6 do có nhiều sai phạm liên quan đại án Việt Á.
Ngay sau động thái này, bà Đào Hồng Lan (khi đó là Bí thư Bắc Ninh), được Bộ Chính trị phân công về Bộ Y tế và được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Y tế. Còn Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh khi đó cũng được phân công về Hà Nội giữ chức Phó bí thư Thành ủy, sau đó được bầu làm Chủ tịch Hà Nội, thay cho vị trí của ông Chu Ngọc Anh.
Cùng thời điểm đó, ông Ngô Văn Tuấn khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, cũng được điều động về giữ chức Phó tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tại hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về công tác cán bộ vào chiều 24/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có chủ trương đồng ý làm quy trình giới thiệu ông Ngô Văn Tuấn để Quốc hội bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ 4.
Trong thời gian Quốc hội chưa họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ nhiệm và phân công ông Tuấn làm Phó tổng Kiểm toán phụ trách.
Như vậy đến nay, quy trình nhân sự dành cho chức danh người đứng đầu Bộ Y tế và Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa hoàn thiện. Hai chức danh này sẽ được kiện toàn sau khi được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 4 sắp diễn ra.
Ngoài công tác nhân sự, phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác, như giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án BOT; cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Các báo cáo dự kiến trình Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; báo cáo phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch pnăm 2023; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện các nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển; đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP.HCM và Hà Nội.
Kiến nghị Quốc hội cho TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù thêm một năm
Dựa trên kết quả thí điểm cơ chế đặc thù năm 2018-2022, Chính phủ đề nghị cho TP.HCM tiếp tục cơ chế này đến hết năm 2023 thay vì chấm dứt vào cuối năm 2022.
Hà Nội chưa chốt thời điểm thu phí ôtô vào nội đô
UBND Hà Nội cho biết sẽ hoàn thiện đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn, sau đó trình HĐND thành phố vào thời điểm phù hợp.
Bộ TN&MT: 'Sốt đất, thổi giá đất do địa phương buông lỏng quản lý'
“Nguyên nhân lấn chiếm, chuyển đổi đất để phân lô, bán nền trái phép là cơ quan có thẩm quyền tại địa phương buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện xử lý", theo Bộ TN&MT.