Hà Nội dự kiến thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực. Ảnh: Hồng Quang. |
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội theo Nghị quyết 115.
4 nội dung quan trọng được Hà Nội triển khai theo nghị quyết này gồm: Nghiên cứu, xây dựng đề án ban hành một số khoản thu phí; triển khai cơ chế sử dụng nguồn thu theo cơ chế đặc thù; triển khai cơ chế về quản lý chi ngân sách địa phương; triển khai cơ chế về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính.
Đối với đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, UBND Hà Nội cho biết đã tổ chức họp, cho ý kiến lần một vào tháng 11/2020 và lần hai vào tháng 10/2021.
Trên cơ sở này, thành phố sẽ hoàn thiện đề án và trình HĐND vào thời điểm phù hợp.
Với việc đề xuất thu phí, giá dịch vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, UBND thành phố dự kiến trình HĐND vào kỳ họp cuối năm nay. Trong đó, quy định một số nội dung như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải; phí cung cấp thông tin về đo đạc bản đồ; giá dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Tháng 10/2021, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất lập 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô để giảm ùn tắc. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Báo cáo cũng cho biết Hà Nội đã có ý kiến tham gia với Bộ Tài chính về phương án sắp xếp lại, xử lý 96 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất trên 245.000 m2, gồm hơn 335.000 m2 diện tích sàn sử dụng. Các cơ sở này đều của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, HĐND thành phố đã ban hành kế hoạch tài chính 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.
Hà Nội dự kiến dành 18.000 tỷ đồng với nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công.
Đối với cơ chế, chính sách về mức dư nợ vay và sử dụng quỹ dự trữ tài chính, hạn mức dư nợ vay được phép tối đa của thành phố năm 2021 là khoảng 90.600 tỷ đồng và dư nợ vay đầu năm 2021 là khoảng 6.000 tỷ đồng. Mức này bằng khoảng 6,6% so với mức dư nợ tối đa theo quy định.
Ngoài ra, hạn mức dư nợ vay được phép tối đa của thành phố năm 2025 là khoảng 115.000 tỷ đồng và dư nợ vay đến ngày 31/12/2025 dự kiến là 53.400 tỷ đồng.
Về sử dụng quỹ dự trữ tài chính, báo cáo của Chính phủ cho biết ngân sách của Hà Nội hiện cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển do chưa giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao hàng năm. Vì vậy, địa phương chưa sử dụng cơ chế đặc thù về tạm ứng quỹ dự trữ tài chính theo Nghị quyết 115.
Trước những kết quả đã đạt được, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Hà Nội tiếp tục thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù. Trong thời gian chờ sửa đổi và bổ sung Luật Thủ đô, cơ chế này chưa được mở rộng phạm vi.
Tháng 7/2019, Sở GTVT Hà Nội trình UBND TP đề cương và dự toán đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030".
Theo Sở GTVT, đây là giải pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện cá nhân đi vào các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao.
Theo đó, ôtô sẽ là đối tượng chủ yếu của đề án. Sở cũng đề xuất miễn giảm đối với người dân đi lại bằng ôtô sinh sống trong khu vực thu phí. Phạm vi thu phí được khép kín, vành đai thu dựa trên kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án.