Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Hà Nội: Nếu cán bộ co lại hết thì ai làm?

"Một năm trôi qua rất nhanh nên phải quyết tâm, cán bộ làm việc công cũng phải sốt sắng như việc nhà mình. Bây giờ nếu cứ co lại hết thì ai làm?", Chủ tịch UBND Hà Nội nói.

Sáng 30/9, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.

Tại đây, bà Lưu Thị Hồng Sen, Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn, nêu ra một số vấn đề bất cập của ngành y trong thời gian qua như cơ chế tự chủ của y tế tuyến cơ sở và quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho y bác sĩ.

Bà Sen đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cơ chế liên doanh, liên kết về máy móc cũng như trang thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Bà cho rằng nếu không có cơ chế này thì không đủ điều kiện để bệnh viện tiến hành tự chủ.

Đồng thời, bà kiến nghị Bộ Y tế và Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế thành phố nghiên cứu, xem xét thay đổi quy định về thời gian cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho y bác sĩ.

"Ở tuyến xã, các bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ chuyên khoa đã theo học, điều này không phù hợp với việc điều trị và chăm sóc người dân ở cơ sở y tế tuyến xã", bà Sen nói, đồng thời đề xuất rút ngắn thời gian cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ công tác ở trạm y tế xuống dưới 54 tháng.

Chu tich Ha Noi anh 1

Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn ngày 30/9. Ảnh: UBND Hà Nội.

Đồng tình với trao đổi trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết trên thực tế, bác sĩ đa khoa mất 6 năm học ở trường, tiếp tục học thêm 18 tháng rồi mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Người muốn làm chuyên khoa thậm chí phải học thêm 36 tháng, tức 3 năm.

Do đó, ông Trí cho rằng không chỉ với Hà Nội, ngành y tế cả nước cần kiến nghị, đề xuất cơ chế linh hoạt hơn cho vấn đề này.

Liên quan đến bệnh viện tự chủ, vị đại biểu cho biết vấn đề này đang gặp nhiều vướng mắc khi bệnh viện trên danh nghĩa là tự chủ nhưng thực tế lại không được quyết định nguồn thu hay nhiều nội dung khác.

"Vì tồn tại nhiều bất cập nên ai khôn thì người đó không làm, còn ai làm thì sớm muộn cũng bị bắt", ông Nguyễn Anh Trí nói và đề xuất cơ chế cho bệnh viện tự chủ phải sớm được tháo gỡ, sửa chữa phù hợp với điều kiện thực tế.

Cùng với các vấn đề liên quan đến y tế, cử tri huyện Sóc Sơn cũng đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm của địa phương như bãi rác Nam Sơn, dự án giao thông chậm triển khai, hạ tầng, nông nghiệp...

Sau khi lắng nghe 10 ý kiến của cử tri với 26 vấn đề liên quan, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị sở, ngành ghi nhận và đeo bám, giải quyết triệt để từng vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Ông Thanh nhấn mạnh tính quyết liệt của cán bộ trong giải quyết, thực thi với quan điểm "làm việc chung phải sốt sắng như việc nhà, khó nhưng phải quyết tâm làm và đã làm thì phải trong sạch".

Về lo ngại của đại biểu khi "cán bộ không làm vì nếu làm sẽ bị đi tù", Chủ tịch Hà Nội cho rằng nếu làm trong sạch thì "không vấn đề gì" vì Đảng và Nhà nước không xử lý oan ai bao giờ.

"Quá trình giải quyết vấn đề, cán bộ cần nhân văn, trong sáng, không mặc cả, đòi hỏi hoa hồng, chứ nếu bây giờ cứ co hết lại thì ai làm? Một năm trôi qua rất nhanh, phải quyết tâm và quyết liệt, sợ nhất là cán bộ không quản trị được thời gian", ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Hà Nội muốn kéo dài thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến 31/12

Đánh giá tình hình ùn ứ đã cải thiện sau một tháng tổ chức lại giao thông, Sở GTVT Hà Nội đề xuất tiếp tục thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến cuối năm 2022.

Yêu cầu 'xóa sổ' 40 phòng hát karaoke ở Hà Nội

Kiểm tra các quán karaoke trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng yêu cầu tháo dỡ toàn bộ hệ thống âm thanh, bàn ghế của 40 phòng hát chưa được cấp phép.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm