Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiến nghị đặt trạm y tế trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Cử tri TP.HCM kiến nghị bổ sung trạm y tế thường trực trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương do tai nạn giao thông xảy ra nhiều.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM liên quan đến việc thiết lập trạm y tế, xử lý tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, cử tri TP.HCM đã kiến nghị Bộ GTVT tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương vì thời gian gần đây có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

tai nan tren cao toc TP.HCM - Trung Luong anh 1

Chiếc BMW bị biến dạng một bên sau tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngày 9/8. Ảnh: Đ.T.

Đồng thời, cử tri đề xuất các tuyến đường cao tốc trên cả nước phải có hệ thống trạm y tế để sơ cấp cứu người kịp thời khi có tai nạn giao thông xảy ra.

Trong văn bản trả lời, Bộ GTVT đồng thuận với phản ánh của cử tri về việc gần đây trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người, tài sản và làm ùn tắc giao thông.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến; bảo dưỡng hạ tầng đường bộ và bố trí lực lượng thanh tra phối hợp với CSGT phân luồng, xử lý vi phạm về giao thông.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ tăng cường nhân lực, thiết bị để cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố giao thông; phối hợp với Sở GTVT Tiền Giang rà soát khâu tổ chức giao thông trên đường dẫn vào cao tốc để xử lý các bất cập.

tai nan tren cao toc TP.HCM - Trung Luong anh 2

Chiếc xe nghi bị ném đá vỡ kính khi chạy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: Thế Phong.

Về kiến nghị thiết lập trạm y tế để sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông kịp thời, Bộ GTVT cho biết việc lập trạm y tế trên đường cao tốc thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Cụ thể, khoản 2 điều 20 của Nghị định 32/2014 đã nêu rõ Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT ban hành quy định về hoạt động y tế, sơ cứu, cấp cứu trên đường cao tốc và cơ cấu, tổ chức bộ máy cho hoạt động cứu nạn.

Theo quy định trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 49/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường cao tốc.

Điều 3 của thông tư này nêu rõ mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên đường cao tốc gồm trạm y tế xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, trung tâm cấp cứu 115, bệnh viện Nhà nước và tư nhân. Tối thiểu 50 km đường cao tốc phải có một trạm cấp cứu.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Y tế để tăng cường triển khai hoạt động cứu nạn trên cao tốc; đồng thời chỉ đạo đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, ký thỏa thuận hoặc quy chế phối hợp với cơ sở y tế dọc tuyến đường cao tốc để thông tin, sơ cấp cứu kịp thời người bị nạn khi có tai nạn giao thông.

Từ đầu tháng 8 đến nay, Zing ghi nhận ít nhất 6 sự cố tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, khiến phương tiện bị hư hỏng nặng và gây ùn tắc kéo dài. Ngày 11/8, một tài xế xe 4 chỗ còn bị vỡ kính xe trong lúc di chuyển, nghi do có người ném đá vào đường cao tốc.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một trong những tuyến đường "bát nháo" và nhiều tai nạn giao thông nhất cả nước. Mật độ giao thông trên tuyến đường này vốn đã cao do nằm ở cửa ngõ TP.HCM, lại thêm việc được lưu thông miễn phí (Nhà nước đã ngừng thu phí cao tốc từ năm 2019) khiến cho lưu lượng phương tiện ngày càng tăng.

Chạy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ôtô bị đá rơi thủng kính

Đang lái ôtô qua dạ cầu vượt trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nam tài xế bị một cục đá từ trên cao rơi đập thủng kính chắn gió, văng vào trong xe khiến một người bị thương.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm