Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Buộc dán thẻ ETC mới đăng kiểm ôtô là lạm quyền

Nhiều chủ xe và đại diện các hiệp hội nghề nghiệp cho rằng, yêu cầu ôtô phải dán thẻ thu phí không dừng - ETC mới được đăng kiểm là “ép” người dân, có tính chất lạm quyền.

Trong văn bản được Bộ GTVT gửi đi cuối tháng 8 vừa qua, nêu rõ: Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Có báo cáo kết quả với lãnh đạo Bộ GTVT.

Ngay sau khi văn bản này được phát đi, dư luận đã có nhiều ý kiến, phản ứng trái chiều. Đa số tài xế cho rằng, đây là quy định vô lý, vì không phải ở tỉnh, thành phố nào cũng có đường cao tốc, trạm thu phí BOT. Vì vậy, nếu yêu cầu trên được thực hiện thì ngoài việc phát sinh thêm “giấy phép con” khi đi đăng kiểm, chủ xe tại các tỉnh đồng bằng, vùng nông thôn và miền núi không có đường cao tốc, trạm thu phí BOT bị “ép” chi ra 120.000 đồng phí dán thẻ ETC.

“Địa phương không có đường cao tốc, không có trạm thu phí BOT vậy yêu cầu chúng tôi phải bỏ tiền ra dán thẻ ETC cho ôtô để làm gì. Đây là yêu cầu trái quy định hiện hành của Nhà nước, ép buộc người dân sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp trong khi họ không có nhu cầu, địa điểm để sử dụng”, anh Nguyễn Văn Toàn, một chủ xe ở phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, phản ánh.

Luật sư Nguyễn Văn Luân, Văn phòng Luật sư Thành Luân cho rằng, việc dán thẻ ETC và sử dụng đường bộ có thu phí là hoạt động dịch vụ, mang tính chất dân sự giữa chủ xe và đơn vị làm đường cao tốc kết hợp với đơn vị cung cấp ứng dụng thu phí hộ là ETC. Cơ quan quản lý Nhà nước không thể đưa ra quy định hoặc bổ sung vào quy định để “ép” người dân phải dùng các dịch vụ này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cho rằng, việc sử dụng thẻ ETC là lựa chọn cá nhân, theo nhu cầu của người dân, còn đăng kiểm xe là hoạt động theo quy định của Nhà nước, phục vụ toàn dân. Đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng, quy vào làm một.

“Do vậy, không thể lợi dụng việc chủ xe phải thực hiện đăng kiểm xe theo định kỳ để ép buộc phải dán thẻ ETC rồi mới đăng kiểm. Đây là yêu cầu mang tính lạm quyền hơn là thực hiện chức trách của một cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải”, ông Quyền nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Nghị định 123/2021/NĐ-CP có nội dung nêu rõ: Với ôtô đi vào cao tốc, trạm thu phí nhưng không dán thẻ ETC hoặc tài khoản ETC không đủ/có tiền để thanh toán phí đường bộ quãng đường mình lưu thông, tài xế sẽ bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

“Như vậy, Nghị định này là quy định rất rõ ràng về việc lái xe phải tuân thủ thanh toán phí đường bộ thông qua thẻ ETC khi đi vào cao tốc, trạm thu phí BOT, còn ôtô không đi vào cao tốc, trạm BOT thì vẫn lưu hành bình thường trên các tuyến đường khác. Đây là quy định rất rõ ràng, nghiêm minh mà cơ quan quản lý, thực thi công vụ trên lĩnh vực giao thông vận tải cần thực hiện nghiêm, không cần thiết phải ban hành thêm các quy định, giấy phép con khác”, ông Quyền đề nghị.

Ôtô tông sập barie trạm ETC: Tài xế và nhà thầu bắt đền lẫn nhau

Tài xế cho rằng tài khoản đủ tiền nhưng barie không mở làm xe hư nắp ca pô nên yêu cầu bồi thường, còn nhà thầu thiết bị lại yêu cầu tài xế đền bù vì tông hỏng barie.

https://tienphong.vn/buoc-dan-the-etc-moi-dang-kiem-o-to-la-lam-quyen-post1469133.tpo

Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm