Đề xuất trên được đưa ra trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về việc tổng kết thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trong Nghị quyết 54. Thay chấm dứt thí điểm vào năm 2022 theo kế hoạch, Chính phủ đề xuất cho TP.HCM kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù.
Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực: Quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc địa phương quản lý.
Tiếp tục thí điểm nhiều chính sách đặc thù
Về kết quả quản lý đất đai, HĐND TP.HCM thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích trên 1.800 ha. Cơ chế này được đánh giá là phù hợp và cần thiết, cần được duy trì trong thời gian tới.
Về quản lý đầu tư, HĐND thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương với tổng trên 12.900 tỷ đồng. Ngoài ra, một dự án điều chỉnh từ nhóm B lên nhóm A với mức đầu tư tăng từ 1.400 tỷ đồng lên gần 4.850 tỷ đồng.
Đối với thuế bảo vệ môi trường, năm 2018, UBND TP.HCM xây dựng đề án thí điểm tăng mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng trên địa bàn. Tuy nhiên năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tăng mức thuế này lên 4.000 đồng/lít, nên thành phố đã dừng, không tiếp tục đề xuất.
Với mức tăng thu phí và lệ phí trong danh mục, HĐND đã tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp lên 5-6 lần so với quy định của Chính phủ. Đến tháng 3/2022, tổng số phí này thu lại là 132,6 tỷ đồng.
Về cơ chế thưởng vượt thu, năm 2018-2020, thành phố không được thưởng và bổ sung có mục tiêu trở lại do thực hiện thu ngân sách không đạt dự toán. Đến năm 2021, địa phương được thưởng vượt thu và đầu tư trở lại hơn 1.600 tỷ đồng. TP.HCM kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế này.
Nghị quyết 54 cũng quy định về chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP.HCM. Theo báo cáo, tổng số kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế năm 2018 là 2.816 tỷ đồng; năm 2019 là 7.637 tỷ đồng; năm 2020 là 4.265 tỷ đồng và năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.
Thời gian tới, thành phố kiến nghị tiếp tục cho phép áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công với tư nhân.
TP.HCM cũng sẽ bổ sung một số giải pháp đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm để đảm bảo việc thực hiện khách quan, công khai, minh bạch.
Thu hút 10 chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt
Báo cáo cũng nêu rõ HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022. Đến nay, địa phương phê duyệt kết quả thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt.
Tuy mới đạt kết quả ban đầu, TP.HCM đánh giá chính sách này có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm.
Với cơ chế ủy quyền, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện 26 nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, dự án, giao thông, văn hóa, xã hội, khoa học và nội vụ.
Theo đánh giá của thành phố, sau khi cơ chế đặc thù cho TP.HCM được quyết định, một số nội dung đã được đưa vào quy định tại Luật và áp dụng cho cả nước như: Quy định HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách địa phương; quy định về cơ chế ủy quyền; điều chỉnh tên gọi của các phòng thuộc cơ quan chuyên môn của UBND TP…
Về mặt hạn chế, TP.HCM cho biết một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều.
Ngoài ra, một số cơ chế chính sách cũng được đánh giá chưa quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm, nhất là các nội dung về ủy quyền. Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm cũng chưa theo kịp với thay đổi của thực tiễn.
Sau 5 thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, kinh tế TP.HCM liên tục tăng trưởng, ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Cụ thể, tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72% - cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Kinh tế TP.HCM tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm - 6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19. Sau đó, những tháng đầu năm 2022, kinh tế địa phương đã phục hồi với mức tăng trưởng bình quân đạt 3,82%.
TP.HCM chỉ đạo khẩn xử lý sự cố, không để kẹt khu cầu Nguyễn Hữu Cảnh
Sở GTVT có trách nhiệm chủ trì các đơn vị nhanh chóng xác định nguyên nhân sự cố cầu Nguyễn Hữu Cảnh và khắc phục, đồng thời có hướng phân luồng, giải tỏa giao thông tại khu vực.
TP.HCM chuẩn bị khởi công gói hạ tầng metro số 2
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến metro số 1 và chuẩn bị khởi công gói thầu hạ tầng của tuyến metro số 2 vào cuối năm nay là những mục tiêu quan trọng được TP.HCM hướng tới.
Thủ tướng: Siết chặt cấp phép, tăng nặng chế tài quán karaoke vi phạm
Ngoài đề nghị siết chặt việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke, Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh tăng nặng chế tài xử phạt đối với các cơ sở karaoke vi phạm.