“Ủy ban Nobel Na Uy cảm thấy kinh hoàng trước cuộc chính biến ở Myanmar và các hành động bắt giữ người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng các nhà lãnh đạo chính trị khác”, theo tuyên bố của ủy ban.
Ủy ban này cũng chỉ ra rằng bà Suu Kyi đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 "để ghi nhận cuộc đấu tranh dũng cảm của bà cho nền dân chủ ở Myanmar".
Bà Suu Kyi "tiếp tục là người dẫn đầu trong việc phát triển nền dân chủ" ở nước này, AFP dẫn lại tuyên bố của ủy ban.
"Giờ đây, 30 năm sau khi bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình, quân đội một lần nữa gạt dân chủ sang một bên và bắt giữ các đại diện hàng đầu của một chính phủ được người dân bầu ra một cách hợp pháp", ủy ban này tuyên bố.
"Ủy ban Nobel Na Uy yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi và các chính trị gia đang bị bắt khác. Chúng tôi cũng yêu cầu quân đội tôn trọng kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm ngoái", theo ủy ban.
Người biểu tình kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi trước Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Ủy ban Nobel Na Uy là cơ quan có nhiệm vụ chọn cá nhân hoặc tổ chức đủ tiêu chuẩn để trao giải Nobel Hòa bình hàng năm.
Cuộc chính biến ngày 1/2 ở Myanmar đã khiến cả thế giới rúng động.
Các tướng lĩnh quân đội nói họ lên nắm quyền vì cuộc bầu cử tháng 11/2020 xảy ra gian lận. Trong cuộc bầu cử đó, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo.
Các nước ngay lập tức lên án vụ chính biến. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực và ra lệnh xem xét tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trong quá trình dân chủ hóa tại nước này.