Hôm 14/9, ông Tập bắt đầu chuyến công du tới Kazakhstan - quốc gia có gần 2.000 km đường biên giới với Trung Quốc.
Sau đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc di chuyển tới Samarkand, Uzbekistan để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nơi ông có cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số nhà lãnh đạo nước ngoài khác.
Trong khi đó, cựu Thư ký Nội các Indonesia Andi Widjajanto, người cũng là cố vấn không chính thức của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, tiết lộ ông Tập sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Bali (Indonesia) tháng 11 tới.
Theo giới phân tích, các chuyến thăm này là chỉ dấu cho thấy ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh trong thời gian tới, cũng như tính toán của ông Tập để khẳng định vị thế của mình.
Thời gian dài gián đoạn
Đây là các chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Lần gần nhất ông ra nước ngoài là chuyến thăm cấp nhà nước tới thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar tháng 1/2020.
Cuối tháng 6, ông Tập mới lần đầu rời khỏi Trung Quốc đại lục để thăm đặc khu hành chính Hong Kong nhân dịp kỷ niệm 25 năm vùng lãnh thổ này được Anh trao trả cho Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình công du Myanmar đầu năm 2020. Đây là chuyến thăm nước ngoài gần đây nhất của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
“Kazakhstan rất quan trọng với ông ấy. Đây là nơi ông công bố sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) năm 2013”, giáo sư Wu nói, theo Straits Times. “Ông ấy muốn trình bày các thành tựu của mình, chứng minh định hướng và chính sách của bản thân là đúng đắn”.
Trong khi đó, tiến sĩ Raffaello Pantucci tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), chuyến thăm của ông Tập tới Uzbekistan và tham dự hội nghị SCO - tổ chức được Trung Quốc coi là đối trọng với các liên minh của phương Tây - sẽ “tiếp tục câu chuyện thành công” này.
Trung Quốc là thành viên chủ chốt của SCO và tham gia sáng lập khối năm 2001. Các thành viên còn lại của khối là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan.
“Đây là tổ chức do Trung Quốc lập nên. Do đó, việc ông Tập không xuất hiện sẽ là điều lạ”, ông Pantucci nhận định.
“Ông ấy không phải đối mặt với các khán thính giả thù địch. Hai quốc gia này không phải là nơi mà ông bị các nhà báo phiền nhiễu hỏi những câu bất tiện”, vị chuyên gia nói. “Gần như không có khả năng chuyến thăm bị ‘trật bánh’ bởi những sự kiện không thể đoán trước”.
Theo ông Wu, thành công của hội nghị sẽ tăng cường vị thế của ông Tập ngay trước đại hội đảng.
“Một hội nghị quốc tế thành công cho thấy thế giới công nhận các thành tựu của ông Tập, đặc biệt trước dịp kỷ niệm 10 năm sáng kiến BRI”, ông nói với South China Morning Post. “Đây sẽ là điều tốt mà ông có thể đem về nước”.
Thể hiện ưu tiên chiến lược
Tờ Guardian của Anh hôm 11/8 cho biết ông Tập có thể thăm Saudi Arabia vào tuần sau đó. Sự kiện này đã không diễn ra như dự báo.
Tiến sĩ Yun Sun, đồng giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson (Mỹ), cho rằng đây là điều khó có thể xảy ra. Giữa tháng 8 thường là thời điểm giới lãnh đạo Trung Quốc họp kín ở Bắc Đới Hà để đưa ra các quyết sách quan trọng.
Ông Tập cùng Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz trong chuyến thăm năm 2016. Ảnh: SPA. |
“Việc bỏ qua sự kiện này là điều không thể xảy ra về chính trị”, bà Yun viết trên Asia Times, chỉ ra thêm năm nay là năm đặc biệt khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới.
Vị chuyên gia cho rằng việc ông Tập không tới Trung Đông, nhưng đến Trung Á (nơi ông sẽ gặp Tổng thống Nga Putin) và dự định tới Bali, Indonesia (nơi cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang được dàn xếp) cho thấy ưu tiên chiến lược của Trung Quốc trong thời điểm này.
Theo đó, hội nghị SCO và cuộc gặp với ông Putin là cơ hội để ông Tập tái khẳng định quan hệ và tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trước đại hội đảng. Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh G20 và cuộc gặp giữa ông Tập với ông Biden có thể được Bắc Kinh sử dụng để nhấn mạnh sự “tán thành” của Washington.
Bà Yun nhận định dù Trung Đông vẫn quan trọng với Trung Quốc về mặt an ninh năng lượng và địa chiến lược, đây không phải ưu tiên của họ vào lúc này - ít nhất là so với Nga và Mỹ. Dù vậy, bà chỉ ra ông Tập vẫn có thể tới Trung Đông vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau để họp thượng đỉnh với lãnh đạo các nước Arab, vốn đã được chuẩn bị trong nhiều tháng.
“Dù ông Tập không tới thăm Saudi Arabia hồi tháng 8, Trung Đông vẫn quan trọng với Trung Quốc. Lợi ích chiến lược của họ ở khu vực sẽ còn gia tăng trong năm 2023”, bà Yun viết. “Với tư cách cường quốc đang nổi lên, danh sách các mục tiêu bên ngoài của Trung Quốc đang dài hơn. Để đạt được điều này, Trung Quốc sẽ cần nhiều cuộc đối thoại trực tiếp”.