Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

USS Theodore Roosevelt - tàu sân bay được bảo vệ tốt nhất thế giới

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được hộ tống bởi không dưới 6 tàu khu trục và tuần dương hạm, đưa nó trở thành hàng không mẫu hạm được bảo vệ tốt nhất thế giới.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đang ở thăm Đà Nẵng từ ngày 5-9/3.

Từ vẻ ngoài của nó, hàng không mẫu hạm được mệnh danh là “Big Stick” (cây gậy lớn) là một trong những chiến hạm được bảo vệ tốt nhất lịch sử, tạp chí khoa học Popular Mechanics cho biết.

CVN-71 và thủy thủ đoàn hơn 5.000 người đang được hộ tống bởi không dưới 6 tàu khu trục và tuần dương hạm. Mỗi tàu mang theo gần 100 tên lửa các loại. Điều này củng cố hình ảnh và quan điểm của Hải quân Mỹ, là tàu hải quân lớn và có khả năng nhất hiện nay.

Suýt bị hủy bỏ

USS Theodore Roosevelt (CVN-71) là tàu sân bay thứ 4 thuộc siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. Tàu được đặt tên để vinh danh Tổng thống Theodore Roosevelt, vị tổng thống thứ 26 của nước Mỹ.

Ban đầu, Tổng thống Gerald Ford đã hủy kế hoạch đóng mới tàu sân bay CVN-71 vào năm 1976, thay vào đó là 2 tàu sân bay hạng trung (CVV) để thay thế cho tàu sân bay lớp Midway. Loại CVV dự kiến sẽ vận hành máy bay cất cánh ngắn hoặc thẳng đứng (V/STOL). Nhưng kế hoạch này không bao giờ được thực hiện.

Hai quan My anh 1

CVN-71 là tàu sân bay đầu tiên được đóng mới theo công nghệ module. Ảnh: Huntingtoningalls.


Kế hoạch đóng mới CVN-71 tiếp tục bị trì hoãn một lần nữa khi Tổng thống Jimmy Carter phủ quyết dự luật ủy quyền quốc phòng năm 1979 vì đưa siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz vào chương trình đóng tàu của hải quân.

Tuy nhiên, cuộc khủng khoảng con tin ở Iran năm 1979, đòi hỏi phải triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Ấn Độ Dương, Tổng thống Carter đã đảo ngược lập trường của ông đối với siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz và CVN-71 được đưa vào dự luật ủy quyền quốc phòng năm 1980.

Tàu được làm lễ đặt ky vào ngày 31/10/1981, Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger đã chấm mối hàn đầu tiên cho tàu. Ngày 3/11/1981, Bộ trưởng Hải quân John F. Lehman tuyên bố tàu sẽ được đặt tên là Theodore Roosevelt.

USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay đầu tiên được đóng mới theo kiểu module, trong đó, các module được đóng mới độc lập ở các khu vực khác nhau, sau đó vận chuyển đến xưởng đóng tàu chính và ráp chúng lại với nhau.

Giải pháp kỹ thuật đóng mới kiểu module giúp giảm 16 tháng thi công so với trước và kỹ thuật này được áp dụng trên tất cả tàu sân bay sau đó. CVN-71 được hạ thủy vào ngày 27/10/1984, đi vào hoạt động trong Hải quân Mỹ từ ngày 25/10/1986.

Cây gậy lớn trong Chiến tranh Vùng Vịnh

Theo Naval Source, ngày 28/12/1990, tàu sân bay CVN-71 và không đoàn tàu sân bay CVW-8 được triển khai đến Vịnh Ba Tư cho chiến dịch “Khiên Sa mạc”, để chuẩn bị cho chiến dịch Bão táp Sa mạc tấn công Iraq vào ngày 15/1/1991.

Trong suốt chiến dịch, các tiêm kích trên CVN-71 đã thực hiện hơn 4.200 phi vụ, nhiều hơn bất kỳ tàu sân bay nào khác được triển khai cho chiến dịch, ném hơn 2.000 tấn bom đạn vào các mục tiêu của quân đội Iraq, trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 28/2/1991.

Hai quan My anh 2

Tàu sân bay CVN-72 dẫn đầu đoàn hộ tống trong một nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Khi lực lượng Iraq tấn công người Kurd, CVN-71 tiếp tục dẫn đầu chiến dịch bay tuần tra miền bắc Iraq để hỗ trợ cho việc bảo vệ người Kurd và cung cấp nhân đạo cho họ. Sau đợt triển khai kéo dài 189 ngày, tàu trở về cảng nhà ở Norfolk vào ngày 28/6/1991. Tháng 2/1992, tàu nhận được giải thưởng “Battle E” thứ 2, tiếp đó là giải thưởng Cup Battenberg với tư cách là tàu hàng đầu của Hạm đội Đại Tây Dương.

Những năm 1990, CVN-71 hoạt động tích cực trong các chiến dịch thực hiện vùng cấm bay ở Bosina, không kích Kosovo năm 1999. Sau sự kiện 11/9, CVN-71 triển khai cùng không đoàn tàu sân bay CVW-1 phát động cuộc tấn công đầu tiên trong chiến dịch Tự do bền vững chống lại tổ chức khủng bố Al Qaeda ở Afghanistan.

Năm 2009, tàu được đưa vào xưởng đóng tàu để tiến hành thay thế nhiên liệu hạt nhân và đại tu giữa vòng đời. CVN-71 được đưa vào hoạt động trở lại vào năm 2013. Năm 2015, CVN-71 được triển khai đến Địa Trung Hải để hỗ trợ chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Đội hộ tống hùng hậu

Theo Naval Technology, mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Hải quân Mỹ thường bao gồm một tàu sân bay, một tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển, 2-3 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển. Trong đó, tuần dương hạm là tàu hộ tống chính, điều phối phòng thủ của nhóm tác chiến, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa trên không.

Lẩn khuất đâu đó là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bảo vệ phần còn lại của nhóm tác chiến khỏi các mối đe dọa dưới mặt nước.

Hai quan My anh 3

CVN-71 được hộ tống bởi đội hình hùng hậu nhất trong các tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

USS Theodore Roosevelt là một bất thường về số lượng tàu hộ tống. Dẫn đầu đoàn hộ tống là tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), lớp Ticonderoga. Bunker Hill được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân, gồm radar AN/SPY-1 cùng 122 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41, có thể phóng tên lửa hải đối không SM-2, SM-6 và ESSM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống ngầm.

5 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, gồm USS Pinckney (DDG-91) , USS Russell (DDG-59), USS Paul Hamilton (DDG-60) , USS Kidd (DDG-100) và USS Rafael Peralta (DDG-115).

Mỗi tàu được trang bị từ 90-96 VLS Mk41, với 5 tàu khu trục có thể mang theo tới 468 tên lửa các loại.

Ngoài các tàu hộ tống, CVN-71 mang theo 44 tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet, 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 4 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C/D Hawkeye, 2 máy bay vận tải C-2A Greyhound, 19 trực thăng MH-60 trên tàu sân bay và các tàu hộ tống.

Nói cách khác, nhóm tấn công của CVN-71 mang theo 49 máy bay phản lực, 590 silo chứa tên lửa. Đây là lực lượng hỏa lực tương đương với quân đội một quốc gia nhỏ. Điều đó khiến USS Theodore Roosevelt trở thành tàu sân bay được bảo vệ tốt nhất thế giới, nhưng nó cũng làm cho Big Stick trở thành mục tiêu lớn nhất.

Tham quan chiến hạm uy lực hạng nhất của Hải quân Mỹ Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào vùng biển Đà Nẵng sáng 5/3, đi cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill.

Trên tàu sân bay Mỹ tập trận giữa nhiều tàu TQ ở Biển Đông

Các chỉ huy quân sự Mỹ nói sự hiện diện của các tàu sân bay như USS Ronald Reagan tạo nền tảng cho sự ổn định và khẳng định quyền tự do đi lại của mọi quốc gia trên Biển Đông.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ huấn luyện trên Biển Đông

Siêu hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng các tàu hộ tống thực hiện nhiệm vụ huấn luyện định kỳ, phô diễn sức mạnh trên Biển Đông.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm