Từ sau Chiến tranh Lạnh, vũ khí hạt nhân đã không còn hiện diện trên các tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, các tàu lớp Nimitz vẫn sở hữu hệ thống phòng thủ cơ bản, nhằm phòng ngừa nguy cơ một đòn tấn công có thể lọt qua vành đai bảo vệ của đội tàu hộ tống hùng hậu.
Tên lửa đối không RIM-7 Sea Sparrow
RIM-7 Sea Sparrow là tên lửa phòng không chuyên dụng tầm trung trên các chiến hạm Mỹ. Chúng tỏ ra hiệu quả đặc biệt trong việc đánh chặn các tên lửa chống hạm nhờ khả năng bay rất sát mặt biển biển. Sau 50 năm phát triển và cải tiến, RIM-7 Sea Sparrow là một phần quan trọng trong hệ thống phòng không nhiều tầng của hải quân Mỹ. Nó gần như là lớp lá chắn cuối cùng giúp các chiến hạm, trong đó có tàu sân bay lớp Nimitz, tránh hỏa lực từ đối phương.
RIM-7 Sea Sparrow phóng từ tàu sân bay lớp Nimitz USS Harry S. Truman (CVN 75). |
Nửa thế kỷ trước, các loại máy bay phản lực có thể tiếp cận tàu chiến dễ dàng bằng cách bay thấp rồi tấn công và rút lui. Chính vì lẽ đó, RIM-7 Sea Sparrow ra đời để bảo vệ các tàu chiến khỏi mối nguy này.
Là sản phẩm của Raytheon và General Dynamics, RIM-7 Sea Sparrow chính thức được đưa vào biên chế hải quân Mỹ năm 1976. Sở hữu trọng lượng 231 kg, chiều dài 3,64 m, đường kính 20,3 cm, tên lửa RIM-7 Sea Sparrow có thể mang đầu đạn 40,5 kg, đủ sức phá hủy máy bay hoặc tên lửa chống hạm của đối phương.
RIM-7 Sea Sparrow phóng từ tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis (CVN 74). |
Đặc biệt, sức nổ của tên lửa có thể tiêu diệt vũ khí đối phương trong bán kính 8,2 m, khiến nó trở nên nguy hiểm hơn. Với động cơ phản lực đẩy Hercules MK-58 sử dụng nhiên liệu rắn, RIM-7 Sea Sparrow có thể bay với vận tốc lên tới 4.256 km/h. Phạm vi hoạt động của tên lửa đạt 10 hải lý, tương đương 19 km. Sở hữu hệ thống dẫn đường bán chủ động, nó sẽ tính toán chính xác vị trí tiếp cận để hạ gục mục tiêu. Các tàu sân bay lớp Nimitz được trang bị 4 bệ phóng tên lửa đối không RIM-7 Sea Sparrow.
Hệ thống Phalanx CIWS
Phalanx CIWS là hệ thống vũ khí, bao gồm pháo nhiều nòng Gatling M61A1 Vulcan cùng radar điều khiển hỏa lực nằm trên một bệ xoay. Trong điều kiện chiến đấu, radar của hệ thống Phalanx CIWS sẽ rà soát bầu trời, xác định các mục tiêu và lọc ra mục tiêu nguy hiểm nhất. Sau khi xác định được mục tiêu, radar điều khiển hỏa lực sẽ tính toán chính xác vị trí của địch để pháo 6 nòng Gatling M61A1 Vulcan, với khả năng bắn đạn đường kính 20 mm và tốc độ 4.500 viên/phút, khai hỏa.
Hệ thống Phalanx CIWS nhà đạn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71). |
Ngoài ra, radar của hệ thống Phalanx CIWS còn sở hữu công nghệ chỉ điểm khép kín - với khả năng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện, đánh giá, khóa mục tiêu và đánh giá hiệu quả hoàn toàn tự động - khiến chúng trở nên linh hoạt trong tác chiến. Bên cạnh đó, pháo Gatling M61A1 Vulcan còn có khả năng bắn nhiều loại đạn - bao gồm đạn thông thường, đạn xuyên giáp hay đạn bọc vonfram hoặc uranium nghèo - để tăng uy lực. Khi lọt vào tầm bắn của Phalanx CIWS, mọi mục tiêu - từ máy bay, tên lửa, bom hay đạn pháo - đều không thể thoát.
Được đưa vào biên chế hải quân từ đầu những năm 1980, hệ thống Phalanx CIWS hiện diện trên tất cả các chiến hạm và tàu sân bay của Mỹ, bao gồm các hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. Hoạt động hoàn toàn tự động dưới sự giám sát của con người, Phalanx CIWS có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 3,6 km.
Trong một số điều kiện tác chiến, hệ thống Phalanx CIWS có thể bắn hạ các mục tiêu trên mặt nước, bao gồm các chiến hạm của đối phương. Tuy nhiên, tầm hoạt động cực ngắn khiến hệ thống Phalanx CIWS phát huy hiệu quả cao nhất với các mục tiêu trên không.
Hệ thống Phalanx CIWS nhà đạn trên tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN 75). |
Khi hệ thống tên lửa đối không RIM-7 Sea Sparrow không thể bắn hạ mục tiêu, Phalanx CIWS sẽ tiếp tục nhả đạn để cản bước tiến của kẻ địch. Các tàu sân bay lớp Nimitz mang theo 3 hoặc 4 hệ thống Phalanx CIWS nhằm đề phòng trường hợp đối phương những những sân bay nổi này.
Tên lửa dẫn đường hồng ngoại RIM-116 Rolling Airframe
Chỉ duy nhất 3 tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ bao gồm USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS George Washington sở hữu RIM-116 Rolling Airframe. Là tên lửa phòng không tầm ngắn, RIM-116 được trang bị cơ chế dẫn đường hồng ngoại nhằm diệt máy bay hoặc tên lửa chống hạm của đối phương.
Tên lửa RIM-116 Rolling Airframe trên tàu sân bay lớp Nimitz USS Harry S. Truman (CVN 75). |
Nằm trên bệ phóng nặng 5.777 kg nhưng tên lửa của RIM-116 chỉ sở hữu trọng lượng khiêm tốn 73,5 kg vàchiều dài 2,79 m. Tuy nhiên, nó vẫn có thể mang được đầu đạn nặng 11,3 kg với tốc độ Mach 2, tương đương 2.400 km/h. Dàn phóng nặng 5.777 kg có thể mang theo 21 tên lửa RIM-116 Rolling Airframe.
Những hệ thống khác
Các tàu sân bay Mỹ sở hữu hệ thống phóng đa năng 6 nòng Mark 36 SRBOC, cho phép bắn pháo sáng và các các mảnh vụn lên không trung để phá hủy hệ thống dẫn đường hồng ngoại của tên lửa đối phương. Tàu sân bay lớp Nimitz sở hữu hệ thống đối phó AN/SLQ-25 Nixie, có khả năng phát tín hiệu giả để đánh lừa ngư lôi địch.
Hệ thống phóng đa năng 6 nòng Mark 36 SRBOC của Mỹ. |
Ngoài ra các tàu sân bay còn mang theo hệ thống chiến tranh điện tử AN/SLQ-32(V) để vô hiệu hoá tín hiệu radar của kẻ định. Sự hiện diện của hàng loạt radar hiện đại cũng hỗ trợ khả năng chiến tranh điện tử của các tàu sân bay lớp Nimitz.
Tàu sân bay lớp Nimitz thứ 4 trở lên của Mỹ bao gồm USS Theodore Roosevelt (CVN-71), USS Abraham Lincoln (CVN-72), USS George Washington (CVN-73), USS John C. Stennis (CVN-74), USS Harry S. Truman (CVN-75), USS Ronald Reagan (CVN-76) và USS George H.W. Bush (CVN-77). Chúng sở hữu lớp giáp Kevlar với độ dày 6,4 cm. Với cùng độ dày, vật liệu Kevlar có khả năng chịu lực gấp 5 lần so với thép.