Được thành lập năm 1950, những chiến hạm đầu tiên của Hải quân Syria đều có nguồn gốc từ Pháp. Những binh sĩ đầu tiên của Hải quân Syria cũng được đào tạo tại các học viện danh tiếng trên đất Pháp. Tuy nhiên, trong trận Hải chiến Latakia năm 1973 với Israel, Hải quân Syria mất tới 5 chiến hạm trong khi phía đối phương không mất tàu nào.
Chiến hạm lớp Osa II của hải quân Syria. |
Trong một thỏa thuận được ký 2 năm trước trận hải chiến Latakia, Liên bang Xô viết và Syria đã đồng ý xây dựng căn cứ hải quân ở Tartus, nhằm tăng cường sự hiện diện của hải quân Nga ở Địa Trung Hải trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga quyết định xóa cho Syria ¾ tổng số nợ lên tới 13,4 tỷ USD và trở thành nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn nhất của Syria. Đổi lại, Nga được phép phát triển và mở rộng căn cứ hải quân của họ trong khu vực để tạo thế cân bằng với Mỹ. Năm 2008, Tổng thống Assad đã cho phép Nga triển khai chiến hạm trang bị vũ khí hạt nhân tới khu vực này sau kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan.
Tàu khu trục lớp Petya III của Syria. |
Tuy khả năng tác chiến đã trở nên ưu việt hơn nhiều so với trận hải chiến Latakia nhưng các chiến hạm mà Syria đang sở hữu hoàn toàn lép vế trước các hạm đội tàu chiến của phương Tây. Hiện tại, Hải quân Syria chỉ sở hữu 2 tàu ngầm nhỏ thuộc lớp Romeo nhưng chúng đều ở trạng thái không hoạt động.
Về tàu khu trục, hải quân Syria sở hữu 2 tàu thuộc lớp Petya III do Liên Xô cũ chế tạo. Các tàu khu trục này có tải trọng tối đa 1.150 tấn với 2 động cơ đẩy, cho phép chúng di chuyển với vận tốc tối đa 30 hải lý/giờ. Tuy nhiên, ở vận tốc 10 hải lý/giờ, chiến hạm lớp này có thể hoạt động trong phạm vi 9.000 km. Hai tàu lớp Petya III của Syria mang tên Al Assari 1-508 và Al Hirasa 2-508.
Tàu quét mìn lớp Natya. |
Hải quân Syria có 20 tàu tên lửa - bao gồm 8 tàu lớp Osa I và 12 tàu lớp Osa II do Liên xô chế tạo. Bên cạnh đó, Syria còn có 10 tàu lớp Tir II (IPS 18) của hải quân Iran. Về tàu tuần tra, Syria có 8 tàu lớp Zhuk do Liên Xô chế tạo và 6 tàu lớp MIG-S-1800 của Iran. Damascus cũng có 3 tàu đổ bộ lớp Polnocny B do Ba Lan xuất khẩu.
Ngoài ra, Syria còn sở hữu một tàu quét mìn lớp Sonya, 5 tàu quét mìn lớp Yevgenya và một tàu quét mìn lớp Natya đều do Liên Xô chế tạo. Dù là lực lượng yếu nhất trong bộ ba hải – lục – không quân của Syria nhưng hải quân cũng có phi đội chiến đấu riêng. Phi đội số 618 của Syria được biên chế 11 trực thăng Mil Mi-14PL Haze-A, 5 trực thăng Kamov Ka-25 và 5 chiếc Kamov Ka-28PL Helix-A.
Trực thăng Kamov Ka-28PL Helix-A. |
Để tăng cường khả năng phòng vệ bờ biển, Syria mua tên lửa đối hạm C-802 của Trung Quốc, tên lửa P-15 Termit và P-5 Pyatyorka của Liên Xô cũ, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động K-300P Bastion-P của Nga và pháo M1954, cỡ nòng 130 mm của Liên Xô.
Trên thực tế, giới chuyên gia coi K-300P Bastion-P là khắc tinh của những kẻ xâm nhập trên biển bởi khả năng cơ động cao, độ chính xác lớn cũng như phạm vi tấn công rộng. Sở hữu tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks, hệ thống K-300P Bastion-P có khả năng bắn trúng mục tiêu trong khoảng cách 300 km. Bay với vận tốc Mach 2,5 cùng đầu đạn nổ nặng 200 kg, tên lửa P-800 Oniks có thể diệt các chiến hạm, tàu tuần tra, tàu quân sự cao tốc hay thậm chí cả tàu sân bay.