Là tàu đầu tiên thuộc lớp Nimitz, lớp tàu sân bay hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, USS Nimitz chính thức bắt đầu sự nghiệp huyền thoại của nó vào năm 1975. Trải qua nhiều thập kỷ nắm giữ vị trí ngôi sao trong Hải quân Mỹ, CVN 68 cùng 9 tàu sân bay thuộc lớp Nimitz khác vẫn đang “làm mưa làm gió” trên các vùng biển. Ảnh: Reuters. |
Là tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân, USS Nimitz và các tàu cùng lớp được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A4W, cho phép nó di chuyển với tốc độ trên 30 hải lý, tương đương 56 km/h. Đặc biệt, nhiên liệu trong các lò phản ứng hạt nhân đủ cho nó hoạt động liên tiếp trong 20 – 25 năm Ảnh: MSN. |
Ra đời với mục tiêu tấn công, các tàu sân bay thuộc lớp Nimitz, trong đó có USS Nimitz sở hữu 4 máy phóng hơi nước, tạo đà cho các máy bay cất cánh. Bốn nhà chứa máy bay cùng hệ thống thang máy khổng lồ cho phép USS Nimitz chứa tới 90 máy bay và nhanh chóng đưa chúng trở lại mặt boong để cất cánh làm nhiệm vụ. Ảnh: Flickr. |
Phản lực chiến đấu F/A-18 Hornet, sản phẩm của tập đoàn chế tạo máy bay McDonnell Douglas, đảm trách vai trò tấn công chủ lực trên tàu sân bay USS Nimitz. F/A-18 Hornet là máy bay chuyên dụng trên hàng không mẫu hạm, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Được thiết kế để đảm trách nhiều nhiệm vụ ở vận tốc siêu âm, F/A-18 Hornet có khả năng tấn công mặt đất, tấn công trên không hoặc đánh chặn. Ảnh: Wiki. |
Trước khi nghỉ hưu, F-14 Tomcat từng đảm trách vai trò của F/A-18 Hornet trên các tàu sân bay Mỹ. Là máy bay siêu âm 2 động cơ “cánh cụp cánh xòe”, F-14 Tomcat khá linh hoạt trong tác chiến trên không và dừng đỗ dưới boong các tàu sân bay. F-14 Tomcat đảm nhận vai trò đối trọng với các máy bay tiêm kích MiG của Liên Xô nhưng nó không thực sự nổi trội so với đối thủ. F-14 Tomcat chỉ được sử dụng tại Mỹ và Iran. Ảnh: Wiki. |
Bên cạnh các máy bay chuyên trách tấn công, USS Nimitz còn mang theo máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler. Bắt đầu hoạt động từ năm 1971 tới nay, EA-6B Prowler đảm trách nhiệm vụ gây mù hệ thống radar đối phương, làm giảm đáng kể khả năng phòng không của đối thủ. Chúng còn có khả năng mang và bắn tên lửa chuyên dụng, nhằm vô hiệu hóa hệ thống điện tử của kẻ địch. Kíp phi công của EA-6B Prowler gồm 4 người, bao gồm 3 chuyên gia phụ trách chiến tranh điện tử. Ảnh: navair.navy.mil. |
E-2 Hawkeye là máy bay cảnh báo sớm hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng xuất kích từ tàu sân bay. Chiếc máy bay 2 động cơ cánh quạt này sở hữu hệ thống radar và thông tin liên lạc vượt trội nên có thể đảm nhận vai trò chỉ huy trên không. Tuy nhiên, E-2 Hawkeye hoàn toàn không có khả năng mang các loại vũ khí tấn công. Ảnh: Flickr. |
Phản lực săn ngầm S-3 Viking được biên chế trên các tàu sân bay của Hải quân Mỹ, trong đó có USS Nimitz. Tuy đảm trách nhiệm vụ săn ngầm nhưng S-3 Viking có khả năng di chuyển với tốc cận âm, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết ở tầm xa. Khi cần mở rộng phạm vi hoạt động, chiếc máy bay S-3 Viking có thể nhận nhiên liệu trên không. Ảnh: Wiki. |
SH-60/HH-60 Seahawk là trực thăng đa nhiệm dành riêng cho Hải quân Mỹ. Là phiên bản hoạt động trên biển của trực thăng UH-60 Black Hawk, SH-60/HH-60 Seahawk được thiết kế lại phần đuôi và khung cùng lớp sơn chống ăn mòn để hoạt động tốt trên biển. SH-60/HH-60 Seahawk có thể đảm trách nhiệm vụ chống ngầm, chống hạm, hỗ trợ các nhiệm vụ đặc biệt, tìm kiếm cứu nạn và cứu thương trên biển. Ảnh: Wiki. |
Máy bay vận tải C-2 Greyhound là một trong những cầu nối quan trọng giữa các tàu sân bay với đất liền. Đảm trách nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa quan trọng, cần tốc độ, những chiếc C-2 Greyhound luôn có mặt trên các tàu để hỗ trợ hậu cần cho nhóm tàu tấn công trong trường hợp cấp bách. Ngoài ra, C-2 Greyhound còn đảm trách nhiệm vụ chuyên chở nhân lực từ các căn cứ hải quân tới hàng không mẫu hạm và ngược lại. Ảnh: Wiki. |