Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Blinken cho biết ông sẽ khiêm tốn hợp tác với các đồng minh.
“Chúng ta có nhiệm vụ lớn phía trước khi phải khôi phục, làm sống lại những mối quan hệ đó”, ông Blinken nói. “Một số đồng minh và đối tác của chúng ta nghi ngờ những cam kết của Mỹ vì chuyện đã xảy ra vài năm qua và đây sẽ là một thách thức khó”.
Ông Blinken, 58 tuổi, người có kinh nghiệm trong Bộ Ngoại giao, cho biết ông tin việc Mỹ giữ vai trò lãnh đạo là quan trọng, nhưng điều đó cũng phải có lợi cho người dân trong nước.
“Nếu chúng ta muốn người dân Mỹ ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, chúng ta phải chứng minh rằng điều đó đang thực sự cải thiện cuộc sống của họ”, ông Blinken phát biểu.
Ông Antony Blinken điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 19/1. Ảnh: Reuters. |
So với khi ông Biden còn làm phó tổng thống cho ông Barack Obama, cục diện thế giới hiện tại đã thay đổi. Vai trò toàn cầu của Trung Quốc trở nên lớn hơn, từ trong các thể chế đa phương đến việc hỗ trợ phát triển ở châu Phi và Mỹ Latin. Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Ông Blinken khẳng định Trung Quốc là quốc gia đặt ra thách thức lớn nhất cho Mỹ. Ông cũng tin Tổng thống Donald Trump đã đúng khi có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, dù ông không đồng ý với một số phương pháp của chính quyền sắp mãn nhiệm.
Người được ông Biden đề cử làm ngoại trưởng nói chính quyền mới sẽ không giao dịch với Trung Quốc nếu các sản phẩm đó do lao động cưỡng bức làm ra. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ giữ vững cam kết với Đài Loan.
Ông Blinken cũng cho biết những thách thức mà Nga đặt ra có vị trí rất cao trong chương trình nghị sự ngoại giao của chính quyền ông Biden.
Ngoài ra, chính quyền mới dự định xem xét cách tiếp cận và chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên. Họ sẽ tham vấn chặt chẽ với các đồng minh về cách đưa Bình Nhưỡng trở lại đàm phán và chú trọng vào việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Mỹ cũng sẽ xem xét việc viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên nếu cần, ông Blinken nói.
Về Iran, ông Blinken cho biết Mỹ còn "một chặng đường dài" để tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Thỏa thuận này bị ông Trump từ bỏ vào năm 2018.