South China Morning Post đưa tin hãng công nghệ Didi Chuxing đã ký hợp đồng lao động với khoảng 3,9 triệu cựu binh Trung Quốc, theo báo cáo do Didi Chuxing kết hợp thực hiện với Hiệp hội Dịch vụ Việc làm và Khởi nghiệp cho cựu binh Trung Quốc.
Báo cáo trên cho biết số cựu binh thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang làm tài xế cho hãng Didi Chuxing chiếm đến 6,8% tổng số quân nhân đã nghỉ hưu.
Binh lính thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Ảnh: Reuters. |
Công ty Didi Chuxing đồng thời khẳng định nền kinh tế chia sẻ (nơi các cá nhân sử dụng tài sản nhàn rỗi để kinh doanh) có thể giúp giải quyết vấn đề tìm việc làm cho các cựu binh Trung Quốc đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Theo báo cáo trên, khoảng 98% khách hàng của Didi hài lòng với chất lượng phục vụ của các binh sĩ về hưu. Những cựu binh này được trang bị kỹ năng lái xe trong quân ngũ, khoảng 57% trong số họ có hơn 10 năm kinh nghiệm cầm lái, cao hơn 9% so với mức trung bình của các tài xế.
Giới phân tích nhận định các cựu binh gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển từ hoạt động quân đội sang làm việc trong các lĩnh vực dân sự vì nhiều doanh nghiệp tư nhân không đòi hỏi kỹ năng chiến đấu mà họ được huấn luyện trong quân ngũ.
Trung Quốc có 57 triệu cựu binh sĩ và con số này tăng đáng kể sau mỗi năm, trong khi chính phủ tìm cách cắt giảm 300.000 binh sĩ. Năm ngoái, nhiều cựu binh tổ chức biểu tình với quy mô lớn, yêu cầu được hưởng phúc lợi hưu trí tốt hơn. Sau sự kiện này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ giải quyết vấn đề việc làm cho các cựu binh.
Didi Chuxing không phải hãng cung cấp ứng dụng gọi xe duy nhất ký hợp đồng tài xế với các cựu binh. Hãng Uber tại Mỹ đã khởi động sáng kiến Uber MILITARY vào tháng 9/2014 với mục tiêu ghi danh 50.000 cựu binh Mỹ vào vị trí tài xế trong vòng 18 tháng.
Theo báo cáo của Didi Chuxing, thu nhập trung bình của một binh sĩ về hưu làm việc cho công ty này là 14.000 nhân dân tệ (hơn 2.000 USD). Con số này cao hơn khá nhiều so với mức lương trung bình của các công nhân tại Bắc Kinh.