Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc sử dụng công nghệ thực tế ảo giúp cai nghiện

Chương trình thí điểm tại các trung tâm phục hồi chức năng của Thượng Hải, Trung Quốc, khai thác công nghệ thực tế ảo để xác định độ nghiện và phương pháp điều trị phù hợp.

Trong phòng điều trị tại một trung tâm cai nghiện ma túy ở ngoại ô Thượng Hải, Victor Wu (tên nhân vật đã được thay đổi) ngồi trước màn hình máy tính, xem các cảnh khác nhau qua thiết bị thực tế ảo (VR).

Trong lúc Wu được xem những hình ảnh về một chàng trai và một phụ nữ ngồi trên sofa uống chất lỏng trong chai bằng ống hút, những chiếc kẹp gắn vào ba đầu ngón tay trái của anh tiếp nhận phản ứng từ cơ thể.

su dung thuc te ao VR trong cai nghien anh 1
Người nghiện được dùng VR để xem ảnh trước và sau khi nghiện ma túy. Ảnh: Cao Lei.

Dữ liệu thu về sẽ cho các quan sát viên và sĩ quan phụ trách biết được mức độ kích thích của người nghiện. Ví dụ, lúc người phụ nữ trong VR mời người đàn ông uống chung ống hút, Wu hoàn toàn bị thu hút trong ít nhất 10 giây. Đây là chi tiết mà các quan sát viên lưu tâm.

Dù người cai nghiện có thể chọn cảnh và thời lượng các cảnh bằng công tắc trên tay phải, "sự chú ý của Wu dồn vào cảnh này một lúc trước khi anh ấy chuyển sang các cảnh khác", một sĩ quan giải thích. "Điều này có nghĩa là anh ta vẫn còn hứng thú với ma túy".

Công nghệ phát hiện nói dối

Việc sử dụng công nghệ VR là một phần của nỗ lực đột phá nhằm xác định mức độ nghiện ma túy của người dùng và phương pháp điều trị phù hợp. Năm ngoái, VR chỉ được áp dụng ở 2 trại cai nghiện. Tuy nhiên, dự án đã được mở rộng ra 5 cơ sở tại Thượng Hải vào hè này.

Các trung tâm ở Thượng Hải không phải là những nơi đầu tiên bắt đầu sử dụng VR. Một số trại cải tạo ở Chiết Giang đã áp dụng công nghệ này từ năm ngoái. Tuy nhiên, cách Thượng Hải ứng dụng công nghệ lại rất đặc biệt vì họ kết hợp VR với công nghệ theo dõi chuyển động của nhãn cầu.

Thiết bị này còn được cài đặt cùng máy đo mạch đập và hoạt động điện da qua các tuyến mồ hôi (EDA), giúp người quan sát biết khi người nghiện không tập trung vào hình ảnh.

Hệ thống cũng sẽ cung cấp thông tin hữu ích để xác định tính chính xác của các phiếu đánh giá do người nghiện tự điền. Trên thực tế, nhiều người đã bị phát hiện khai gian để được cho ra sớm. Theo luật, những người nghiện ma túy phải mất 2 năm để điều trị tại trung tâm cai nghiện.

su dung thuc te ao VR trong cai nghien anh 2
Công nghệ VR được sử dụng trong trại cai nghiện Thanh Đông. Ảnh: Cao Lei.

Cao Lei, giám đốc khoa tâm lý trị liệu của Trung tâm cai nghiện Thượng Hải Thanh Đông, cho biết kết quả về mức độ nghiện dựa trên phản ứng khi xem VR “là khách quan và không ai có thể đánh lừa hệ thống vì EDA và mạch đập là phản ứng tự nhiên, không thể kiểm soát”.

Xu Ding, chuyên gia tại Cục quản lý phục hồi chức năng Thượng Hải, cho biết việc sử dụng công nghệ đã giúp giảm bớt “sự bức bối” trong quá trình điều trị cho người nghiện.

"Trước kia, để kìm hãm cơn thèm của người nghiện, chúng tôi cho họ xem TV hoặc những bức ảnh kinh khủng về những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dùng thuốc lâu dài", ông Xu cho biết. “Nhưng cả TV hoặc hình ảnh trên giấy đều không đủ thực".

Năm 2015, khi VR bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý, Xu và các cộng sự đã áp dụng nó vào quá trình hỗ trợ cai nghiện.

"VR cho tôi thấy những hình ảnh khủng khiếp"

Trong khi chưa có thống kê chính thức về số người nghiện được tiếp cận với chương trình VR, nhiều người cho rằng con số này tương đối lớn. Hiện tại, riêng 5 trung tâm ở Thượng Hải và một ở Thanh Đông điều trị 1.800 người nghiện nam.

Đến nay, còn khó để đánh giá hiệu quả của chương trình VR do thiếu kết quả cụ thể. Tuy nhiên, Wu kể: "Tại trung tâm phục hồi, chúng tôi thấy những hình ảnh khủng khiếp của người nghiện ma túy thông qua VR. Tôi thực sự ghê tởm ma túy."

su dung thuc te ao VR trong cai nghien anh 3
Methamphetamine, loại ma túy phổ biến ở Đông Nam Á. Ảnh: SCMP.

Năm ngoái, Bộ Tư pháp Trung Quốc cho biết nhiều trung tâm phục hồi chức năng trên toàn quốc đã sử dụng các phương pháp mới, bao gồm VR, để hỗ trợ người nghiện. Một số các biện pháp khác như y học Tây Tạng, y học cổ truyền, massage và tập thể dục cũng đạt kết quả tích cực.

Năm 2017, theo báo cáo do Ủy ban Kiểm soát Chất gây nghiện công bố, khoảng 2,55 triệu người Trung Quốc tàng trữ và sử dụng ma túy trái phép. Trong đó, 321.000 người đã được đưa vào các trung tâm cai nghiện trên toàn quốc, tăng 2 % so với năm trước đó.

Wu bắt đầu dùng ma túy cách đây 6 năm. Trong quán rượu, một người bạn đã đưa cho anh ketamine, loại ma túy tổng hợp gây ra trạng thái tương tự như hôn mê.

"Tôi biết ma túy là xấu, nhưng lúc đó, tôi đã tự tin rằng tôi có thể kiểm soát bản thân để không bị nghiện", Wu kể. Nhưng anh đã không làm được. Năm ngoái, cảnh sát lục soát nhà Wu và anh bị bắt giữ vì tội tàng trữ ma túy trái phép.

"Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ động vào ma túy nữa sau khi ra khỏi trung tâm cai nghiện", Wu nói “Tôi không muốn quay lại đây. Tôi ghét bị mất tự do”.

Trùm ma túy Hong Kong bị buộc tự tay hủy ma túy ở Indonesia Cảnh sát Indonesia yêu cầu trùm ma túy Hong Kong Wong Chi-ping cùng đồng bọn thiêu hủy số ma túy trị giá 140 triệu USD, sau vụ truy quét quy mô toàn châu Á hồi đầu tháng 1/2015.

Băng nhóm ma túy treo thưởng 7.000 USD truy giết chó nghiệp vụ

Băng nhóm ma túy ở Colombia treo thưởng số tiền 7.000 USD cho ai giết hoặc bắt sống được chó nghiệp vụ Sombra tài ba.

Argentina bắt lô ma túy giấu trong mô hình cúp vàng World Cup

Những kẻ buôn ma túy giấu một lượng lớn cocain và cần sa trong những mô hình cúp vô địch để vận chuyển nhưng không qua mắt được cảnh sát.

Thảo Châu (Theo SCMP)

Bạn có thể quan tâm