Olga, một phụ nữ Ukraine 27 tuổi, đã bị thương nặng khi che chở cho đứa con của mình khỏi các vụ nổ ở thủ đô Kyiv hôm 21/3.
“Tôi bị thương ở đầu, và máu bắt đầu chảy. Sau đó, mọi chuyện xảy đến với con trai tôi”, Olga cho biết tại bệnh viện mà cô đang điều trị, theo Guardian.
Tại thành phố Mariupol, nơi cuộc giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine đã kéo dài tới ngày thứ 20, Anna Iwashyna, 39 tuổi, cho biết tình hình rất tồi tệ. Gần đây, cô đã tháo chạy khỏi thành phố này.
“Toàn bộ cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Không có cửa hàng, hiệu thuốc, viện trợ y tế. Hỏa hoạn xảy ra ở khắp thành phố. Không có nơi nào để kiếm thức ăn”, cô nói với Guardian.
Một trung tâm thương mại bị pháo kích ở Kyiv vào ngày 21/3. Ảnh: AP. |
Khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang ngày thứ 26, nhiều thành phố lớn vẫn là tâm điểm giao tranh ác liệt giữa hai bên.
Phía Nga vẫn đang cố gắng siết chặt vòng vây thủ đô Kyiv, yêu cầu lực lượng Ukraine ở Mariupol đầu hàng và tăng cường pháo kích nhiều thành phố khác. Trong khi đó, Ukraine vẫn tiếp tục kháng cự, đồng thời tăng cường kêu gọi đàm phán với Nga.
Bế tắc
Sau gần 4 tuần giao tranh, tình hình chiến sự tại Ukraine đang rơi vào “sự bế tắc”, theo ông David Petraeus, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Mariupol, nơi chịu nhiều thiệt hại từ các cuộc tấn công, vẫn tiếp tục là điểm nóng.
Thành phố cảng Mariupol vẫn ở trạng thái không chắc chắn vào ngày 21/3, sau khi Ukraine từ chối đầu hàng theo hạn cho do phía Nga đặt ra, theo Washington Post.
Trước đó, Nga đã cho các lực lượng Ukraine hạn chót là 5h, giờ Moscow (9h giờ Hà Nội), ngày 21/3 để hạ vũ khí và đáp ứng đề nghị về các hành lang nhân đạo ở thành phố cảng Mariupol.
Lên tiếng vào tối cùng ngày, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine không thể thực hiện tối hậu thư của Nga, theo AFP.
Người dân tập trung bên ngoài một tòa nhà bị tấn công ở thủ đô Kyiv vào ngày 20/3. Ảnh: AP. |
Nga đang muốn kiểm soát Mariupol và tăng cường tấn công thành phố này. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là chiến thắng chiến lược đầu tiên của Nga trong chiến dịch.
Bên cạnh đó, sau nhiều tuần giao tranh, phía Nga vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc tiến về thủ đô Kyiv.
“Lực lượng Nga tiến về thành phố theo hướng đông bắc đã bị ngưng trệ. Lực lượng tiến từ hướng Hostomel tới khu vực phía tây bắc vấp phải sự kháng cự mạnh của Ukraine”, báo cáo tình báo sáng 21/3 của Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Đa số lực lượng Nga vẫn ở cách trung tâm Kyiv hơn 25 km, báo cáo cho biết.
Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đang hoàn tất việc đánh bại tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa của Ukraine ở Donbas và đã tiến thêm được 12 km.
Theo người phát ngôn, đối phương có 60 chiến binh thiệt mạng, 3 xe bọc thép, 6 hệ thống pháo và súng cối bị phá hủy. Hiện tại, giao tranh vẫn tiếp diễn ở các khu vực Sladkoye, Novoukrainka và Shakhterskoye.
Nga cũng tăng cường pháo kích vào nhiều thành phố quan trọng khác của Ukraine. Thống đốc thành phố Sumy cho biết khí amoniac đã bị rò rỉ tại một nhà máy hóa chất, sau khi bị quân đội Nga pháo kích.
Một quan chức cho biết người dân thị trấn Novoselytsya nên tìm nơi trú ẩn sau vụ việc này, trong khi các cuộc giao tranh dữ dội với lực lượng Nga trong khu vực vẫn tiếp diễn.
Bộ Quốc phòng Anh hôm 20/3 cho biết lực lượng Nga vẫn đang cố gắng vượt qua Mykolaiv, khi tìm cách tiến công về phía Odesa. Tuy nhiên, lực lượng này đạt được rất ít tiến triển trong tuần qua, theo Reuters.
Các nhà chức trách ở Odesa cáo buộc lực lượng Nga đã thực hiện một cuộc tấn công đầu tiên tại ngoại ô thành phố này, nhắm vào nhiều tòa nhà trong sáng 21/3.
"Đây là những tòa nhà dân cư, nơi những người dân yên bình sinh sống", Thị trưởng Gennadiy Trukhanov cho biết. Phía Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường.
Đàm phán chưa có đột phá lớn
Các nhà đàm phán hòa bình của Nga và Ukraine đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến kéo dài 90 phút vào ngày 21/3, Reuters đưa tin.
Theo chia sẻ từ Điện Kremlin, cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được bất kỳ đột phá lớn nào, theo TASS. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi nhiều quốc gia sử dụng ảnh hưởng của mình để khiến Kyiv có tính xây dựng hơn trong các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 20/3 tiếp tục đề nghị đàm phán với người đồng cấp Nga, nhấn mạnh rằng đây là cách duy nhất để "chấm dứt chiến sự". Ngoài ra, ông gợi ý rằng Jerusalem có thể là địa điểm tổ chức đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Zelensky cho rằng ông và Tổng thống Putin là những người duy nhất có thể đưa ra một thỏa thuận để ngăn chặn giao tranh. Nhưng ông sẽ vạch ra “lằn ranh đỏ” để không nhượng lại lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả hai khu vực ly khai thân Nga, theo AFP.
Một tòa nhà ở Ukraine bị tấn công vào hôm 11/3. Ảnh: AP. |
"Đối thoại là lối thoát duy nhất và tôi nghĩ chỉ có hai chúng tôi, tôi và ông Putin, mới có thể đưa ra thỏa thuận về điều này", Tổng thống Zelensky cho biết.
Ông nói thêm rằng "nếu những nỗ lực này thất bại, điều đó đồng nghĩa với chiến tranh thế giới thứ ba".
Bên cạnh đó, ông Zelensky cũng thúc giục tạo ảnh hưởng để Nga dừng chiến dịch quân sự. Trong ngày 21/3, Tổng thống Zelensky kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu dừng mọi giao thương với Nga để gây áp lực buộc Moscow ngừng chiến dịch quân sự kéo dài gần một tháng tại Ukraine.
Cùng ngày, Điện Kremlin cảnh báo rằng động thái cấm nhập khẩu dầu Nga có thể “gây hại cho mọi bên”.
“Lệnh cấm như vậy sẽ có tác động rất nghiêm trọng tới thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự cân bằng năng lượng của châu Âu”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 21/3, theo AFP.
Trước đó, vào hôm 20/3, ông Zelensky cũng kêu gọi các nhà lập pháp Israel từ bỏ thái độ trung lập và cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cho Kyiv.