Theo AFAR, trong 2 năm qua, mối lo lớn nhất của khách du lịch là vấn đề Covid-19. Tuy nhiên, từ 24/2, khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga vào Ukraine được thực hiện, họ lại có thêm một mối lo khác. Đặc biệt với những người có ý định đi châu Âu, nỗi sợ bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột khiến họ e dè hơn trước khi du lịch.
Nỗi lo
Các tìm kiếm về chuyến bay đi châu Âu có xu hướng tăng trong tháng 1 sau khi nỗi lo về Omicron giảm bớt. Tuy nhiên, từ 24/2, theo website du lịch Hopper, lượt tìm kiếm đã giảm đáng kể.
Thay vào đó, du khách có xu hướng tìm hiểu các điểm đến khác như Mexico, Trung Mỹ, Caribbean. Và từ giữa tháng 2, lượng đặt chỗ tới châu Âu từ Mỹ đã giảm từ 21% xuống 15%. Cùng kỳ trước dịch, nhóm khách này thường chiếm tới 1/3 tổng lượng đặt chỗ quốc tế từ Mỹ.
Vấn đề giữa Nga và Ukraine khiến nhiều du khách lo ngại việc đi châu Âu. |
Một cuộc khảo sát được thực hiện tuần trước với 350 câu trả lời từ những du khách Mỹ trưởng thành có kế hoạch du lịch châu Âu sắp tới cho thấy 62% đang lo ngại về cuộc xung đột ở Ukraine. 31% cho biết họ lo lắng về các vấn đề liên quan tới Covid-19 hơn.
Đây là khảo sát thực hiện bởi bộ phận nghiên cứu của công ty tiếp thị MMGY Global. Nó cũng cho thấy gần 1/2 số khách du lịch (47%) muốn chờ xem tình hình ở Ukraine diễn ra như thế nào trước khi lên kế hoạch đến thăm châu Âu.
Có nên sợ?
Mike Susong, đại diện bộ phận tình báo toàn cầu về ứng phó khủng hoảng và công ty quản lý rủi ro Crisis24, cho biết việc du lịch châu Âu không thực sự đáng lo ngại.
Theo Susong, các điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu cách xa khu vực xung đột (miền Đông Ukraine). Ví dụ Brussels (Bỉ) cách Lviv (Ukraine) tới 1.300 km. Susong nhấn mạnh khu vực đáng lo hiện tại là biên giới Ukraine, Belarus và miền Tây nước Nga.
Ngay cả khi các điểm đến cách xa khu vực xung đột, nhiều du khách vẫn e ngại về vấn đề an toàn khi bay.
Khu vực nguy hiểm nằm cách xa các điểm đến hàng đầu ở châu Âu. |
Dan Richards, Giám đốc điều hành Global Rescue - nhà cung cấp dịch vụ y tế, sơ tán, quản lý rủi ro du lịch - nhận xét: "Lo lắng của du khách là dễ hiểu. Tuy nhiên, theo tôi, không có lý do gì để du khách hủy các chuyến nghỉ dưỡng hoặc công tác đến châu Âu".
Một số du khách nói họ bị ám ảnh thảm kịch "chuyến bay 17" của Malaysia Airlines năm 2014. Máy bay mang số hiệu MH17 đã bị bắn bởi một tên lửa gần Hrabove, tỉnh Donetsk (Ukraine) khi bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. 298 hành khách trên chuyến bay này đều thiệt mạng.
Về vấn đề này, John Goglia, cựu thành viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết các biện pháp bảo vệ mới đã được áp dụng. Ngoài ra, không phận Ukraine cũng hoàn toàn bị đóng cửa. Do đó, việc bay trong châu Âu thực sự an toàn.
Du lịch châu Âu ảnh hưởng thế nào?
Mối lo an toàn không phải thứ duy nhất ảnh hưởng tới quyết định du lịch châu Âu. Vấn đề đóng cửa không phận khiến nhiều hãng bay phải tính toán lại đường bay. Do đó, thời gian bay có thể lâu hơn và giá vé cũng đắt hơn.
Trên khắp châu Âu, nhiều nhóm đang biểu tình phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga. Từ Berlin (Đức) tới Barcelona (Tây Ban Nha), hàng nghìn người đã xuống đường cuối tuần qua để phản đối.
Du lịch châu Âu vẫn an toàn nhưng đề phòng là chuyện cần thiết. |
Theo các công ty quản lý rủi ro, những cuộc biểu tình đông người dễ kéo theo phản ứng từ lực lượng an ninh. Do đó, du khách có thể bị kéo vào những vấn đề không mong muốn.
Lúc này, các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra ôn hòa. Tuy nhiên, nếu bạn vô tình vướng vào cuộc biểu tình có tính chất bạo lực, lời khuyên tốt nhất là nên rời khỏi khu vực đó ngay. Bởi nếu không, bạn sẽ dễ bị lực lượng an ninh nhầm là người trong nhóm biểu tình.
Theo AFAR, du khách tới châu Âu thời điểm này sẽ cần mang thêm nhiều tiền mặt hơn. Đây là cách đề phòng tình trạng ATM quá tải khi có vấn đề không mong muốn xảy ra.