Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uber sẽ lập công ty mới ở Việt Nam để làm đề án thí điểm

Uber Việt Nam bị trả lại hồ sơ thí điểm hoạt động dịch vụ kết nối vận tải vì chưa đáp ứng được điều kiện của pháp luật. Công ty này dự kiến chỉnh sửa đề án thành "hỗ trợ vận tải".

Trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Việt Dũng – Giám đốc điều hành Uber Việt Nam cho biết, hồ sơ thí điểm hoạt động dịch vụ kết nối vận tải của công ty này bị Bộ Giao thông vận tải trả về một tháng trước. Hiện tại, Uber Việt Nam đang chỉnh sửa lại để nộp trong vài tuần tới.

“Theo đề án thí điểm thì Uber sẽ làm dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng công nghệ nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình này. Vì vậy, chúng tôi sẽ chỉnh sửa để trở thành dịch vụ hỗ trợ vận tải”, đại diện Uber cho biết.

Ông này cũng bổ sung thêm, Uber dự kiến thành lập công ty mới với chức năng hỗ trợ vận tải để có thể hoạt động đúng theo đề án mới được chỉnh sửa. “Uber Việt Nam hiện nay là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu làm nhiệm vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn cho công ty mẹ ở nước ngoài nên cũng chưa phù hợp với đề án”, ông Dũng tiết lộ.

Nguồn tin từ công ty này cũng cho biết thêm nếu như chuyển đổi công ty hiện nay để đáp ứng các yêu cầu pháp lý thì sẽ mất ít nhất 6 tháng nên Uber dự kiến thành lập công ty mới.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã trả hồ sơ thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber với lý do chưa đáp ứng điều kiện theo pháp luật Việt Nam. Hiện tại các đối tác kinh doanh vận tải của Uber không ký kết với Uber Việt Nam mà là công ty mẹ tại Hà Lan.

Ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc Uber Việt Nam cho biết, công ty này không có ý định lách luật khi tham gia vào dịch vụ kết nối vận tải ở Việt Nam. Hoạt động của công ty khác với dịch vụ taxi truyền thống và Uber vận hành trên nền tảng công nghệ phần mềm. 

Trong khi đó, nhiều hãng taxi khác tố Uber cạnh tranh không lành mạnh khi xe đối tác của thương hiệu này không phải chịu các quy định của dịch vụ vận tải hành khách công cộng nhưng vẫn được vận hành trên đường. Hiệp hội taxi TP HCM còn đề xuất với Bộ Giao thông vận tải cấm Uber và Grab (một dịch vụ tương tự) hoạt động.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết, Uber hay Grab nếu đáp ứng được các điều kiện của pháp luật thì đều có thể vận hành đề án thí điểm và không có chuyện độc quyền. Quan chức này cũng nói rõ quan điểm, Bộ GTVT chủ trương ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin làm thay đổi phương thức vận tải truyền thống, đem lại lợi ích cho nhiều phía.

Cuốc xe 6.000 đồng bằng Mercedes E250

Trả 6.000-9.000 đồng/km, khách hàng có thể ngồi Camry, thậm chí Mercedes E250. GrabCar và Uber đang khiến các hãng taxi truyền thống ở Việt Nam lo lắng.

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm