Đón khách ở ngã ba Trần Quốc Hoàn - Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đoạn đường thường xuyên ùn tắc vào đầu giờ sáng, lái xe Uber Vũ Văn Cảnh lo nhịp độ giao thông như vậy sẽ khó giúp anh hưởng hỗ trợ từ hãng.
Theo chính sách mới áp dụng từ đầu tháng 11, mỗi lái xe tham gia hệ thống gọi xe trực tuyến này muốn được hãng hỗ trợ 100.000 đồng/giờ, phải đảm bảo mỗi giờ chạy 2 chuyến.
Những tài xế Uber giờ không còn được hỗ trợ nhiều như trước mà phải chịu rất nhiều ràng buộc. Ảnh: Duy Hiếu. |
Anh Cảnh coi việc hỗ trợ theo giờ như hên xui vì lái xe Uber không biết trước quãng đường khách đi, không thể chủ động chọn quãng ngắn để tăng số cuốc chạy. "Ngày nào chăm và may thì cũng được trả khoảng 400.000 đồng hỗ trợ. Nhưng ít ngày số đỏ như vậy", anh nói.
Nhớ lại một năm lái cho Grab, Easy taxi trước khi chuyển sang Uber, Vũ Văn Cảnh tiết lộ, anh từng đạt thu nhập lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng nhờ cùng lúc tham gia cả 2 dịch vụ taxi trực tuyến. Nhiều tuần cao điểm, anh kiếm tới hơn 20 triệu đồng/tuần.
"Grab đông khách, thời gian đầu hãng chưa yêu cầu thu phí dịch vụ 5-20% như hiện nay mà lại còn trả hỗ trợ 40.000 đồng/chuyến nên cánh lái xe vớ bở. Tôi thường chỉ chạy những cuốc ngắn để ăn hỗ trợ theo số chuyến, ngày hơn 20 chuyến là bình thường", anh Cảnh nói.
Hàng ngàn tài xế đã được Grab chiêu mộ bằng chính sách hỗ trợ không giới hạn này. "Mình cứ chạy thôi, còn không biết công ty lấy nguồn tiền nào để hỗ trợ đâu", anh Linh, một tài xế khác chia sẻ.
Cắt giảm hỗ trợ
Tuy nhiên, Grab bắt đầu thắt chặt ngân sách và thay đổi công thức trả thưởng và hỗ trợ từ giữa 2015.
Hồi tháng 10, thông báo cắt hoàn toàn hỗ trợ từ hãng đã khiến hầu hết tài xế Grab bất ngờ, rủ nhau đình công, ngừng hợp tác. Trước phản ứng mạnh mẽ này, ngay trong ngày, Grab buộc phải phục hồi lại chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, có những thay đổi nhằm đảm bảo lợi ích từ hai phía.
Cụ thể, mức hỗ trợ 50.000 đồng/chuyến chỉ áp dụng từ chuyến thứ 18 trở đi trong ngày. Từ chuyến thứ 22, hãng tăng hỗ trợ lên 70.000 đồng/chuyến. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều tài xế, để bắt đầu có hỗ trợ theo chuyến từ Grab thì lái xe phải lao động cật lực 24/24.
Dịch vụ taxi trực tuyến từng được coi là "gà đẻ trừng vàng" của nhiều tài xế. Ảnh minh họa: Diệp Sa. |
Tài xế Phạm Huy Hoàng (259 Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, trước đây, với mức phí siêu rẻ 6.000 đồng/km, Grab hấp dẫn nhiều khách gọi xe. Tuy nhiên, từ tháng 10, hãng tăng giá cước vào giờ cao điểm lên hơn 9.000 đồng/km, giờ bình thường là 7.000 đồng/km, lại mất nhiều thao tác đặt dịch vụ nên số cuộc gọi sụt giảm.
Sang đến tháng 11, Grab tiếp tục cắt giảm khi tài xế phải chạy từ chuyến từ 19 trở đi mới được hỗ trợ và số tiền dao động từ 20.000 đồng trở lên tùy thuộc từng quãng đường. "Nếu muốn được hỗ trợ thì phải chạy đến đêm (từ cuốc thứ 19) mà phần đầu giá quá thấp, lại phải chia doanh thu nên rút cục giờ là quả đắng rồi", Nguyễn Văn Cường (Đống Đa, Hà Nội) - người mới mua xe Kia Morning để chạy Grab chia sẻ.
"Cắm mặt vào vô lăng từ sáng tới tối mới đủ 17 chuyến. Muốn được thêm hỗ trợ thì phải lái tiếp từ tối tới đêm, mất ngủ triền miên. Áp lực như vậy chỉ có tài xế trẻ mới trụ được chứ lái xe trung niên bỏ gần hết", tài xế Nguyễn Tuấn Anh (Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Cắt giảm hỗ trợ, tăng thu phí dịch vụ đối với tài xế (20% cước phí mỗi chuyến và 10% phí trả cho hợp tác xã làm nhận diện thương hiệu) đồng thời tăng cước làm lượng khách giảm. Grab không còn là "nồi cơm Thạch Sanh" của cánh lái xe.
Nhiều lái xe như anh Cảnh, bỏ Grab sang Uber để bớt áp lực, có thêm thời gian làm việc khác. Chủ động chọn thời gian tham gia dịch vụ, hiện mỗi ngày lái xe Uber khoảng 8 tiếng, mỗi tháng thu nhập của anh Cảnh đạt hơn chục triệu đồng. Quay về với taxi truyền thống, Nguyễn Tuấn Anh cũng có chung mức thu nhập trên.
"Đang đà kiếm vài chục triệu mỗi tháng giờ còn hơn chục triệu, nhiều tài xế cũng ngán ngẩm. Nhưng sốc mấy chắc cũng không bằng mấy ông chủ còn bỏ tiền đầu tư mua xe, thuê lái mong vớ bở với Grab hay Uber mà giờ xế bỏ, xe tấp kho", Tuấn Anh chia sẻ.
Những người mắc kẹt
Bắt đúng "mốt" đầu tư mua xe thuê lái tham gia vào Grab, Uber, Easy taxi, một thời gian, nhiều chủ xe hưởng khoản lợi nhuận không nhỏ từ công thức thưởng và hỗ trợ của các hãng dịch vụ. Tuy nhiên, việc các hãng thay đổi chính sách khiến nhiều cá nhân trót "ôm xe" lao đao.
Năm 2014, anh Lê Tất Đạt (Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) rủ họ hàng góp tiền mua 4 xe Kia Morning vừa chạy, vừa thuê lái tham gia Grab, Easy taxi. Mỗi lái thuê anh Đạt trả lương 9 triệu đồng/tháng, trừ thêm chi phí xăng xe, bảo trì phương tiện, mỗi xe đem về cho anh khoảng hơn chục triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sau khi Grab cắt giảm hỗ trợ, Easy taxi rút lui, Uber thay đổi chính sách, lái thuê của anh cũng xin nghỉ việc. Hiện, ngoài 2 chiếc xe anh em Đạt vẫn chạy mỗi ngày, 2 chiếc còn lại anh cho thuê với giá 500.000 đồng/ngày. "Tuyển lái mà hỗ trợ từ hãng thấp như vậy họ cũng không mặn mà nên mình chọn giải pháp cho thuê xe", anh nói.
Đầu tư lớn gấp nhiều lần chủ xe trên, anh Phan Long (phường 14, quận Phú Nhuận, TP HCM) đã mua tới hơn chục chiếc Kia Morning từ giữa năm 2014. Hưởng gần một năm "vớ bở" với Grab taxi, anh Long chia tỷ lệ 40% cho lái thuê, nhận lại 60% lợi nhuận. Nay khi chính sách hãng thay đổi, việc làm ăn không còn dễ như trước, nhiều lái xe xin nghỉ việc, anh phải tuyển thường xuyên, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ ăn chia về 50/50.
"Một thời gian nữa nếu quá khó khăn, tôi sẽ phải chuyển hướng sang thành lập công ty taxi cổ phần như nhiều hãng taxi truyền thống khác", Long chia sẻ.
Chung cảnh với anh, anh Lê Thắng (phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM) lại giải quyết 20 xe 4 chỗ của mình bằng cách tuyển lái thuê Grab, Uber nhưng thu trọn gói 400.000 đồng/xe/ngày. "Với những lái xe đạt mức hưởng hỗ trợ, tôi chỉ nhận hộ và trả tiền về cho tài xế theo tuần", anh Thắng nói.
Gần một năm thu nhập "thăng hoa" từ dịch vụ taxi trực tuyến. các chủ xe nay phải đứng trước khó khăn thị trường. Tuy nhiên, theo anh Long, anh Thắng, các chủ đầu tư buộc phải tìm cách xoay sở để thích nghi và tồn tại.