Trước thông tin cho rằng ứng dụng Uber đã hoàn toàn ngưng hoạt động tại khu vực TP.HCM và đại diện của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia khẳng định "nếu Uber đăng ký kinh doanh tại Việt Nam đối với các cơ quan quản lý Nhà nước thì hoàn toàn đủ điều kiện về mặt pháp lý để cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải trên lãnh thổ Việt Nam", BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Karun Arya - Giám đốc truyền thông khu vực Nam Á của Uber để làm rõ hơn quan điểm của Uber về những vấn đề này.
- Ngày 3/12 xuất hiện một số thông tin cho rằng ứng dụng Uber đã hoàn toàn ngưng hoạt động tại khu vực TP.HCM, điều này có đúng hay không, thưa ông
- Chúng tôi khẳng định ứng dụng Uber vẫn đang hoạt động bình thường tại Việt Nam. Người dùng Uber tại Hà Nội và TP.HCM, vẫn có thể truy cập vào ứng dụng Uber và đặt xe một cách bình thường.
- Vậy trước đó, khi lực lượng chức năng TP.HCM tiến hành kiểm tra và lập nhiều biên bản vi phạm đối với các taxi Uber, Uber có chịu trách nhiệm về điều này?
Theo chúng tôi được biết khi lực lượng chức năng kiểm tra, chỉ kiểm tra hành chính và không có trường hợp nào bị xử phạt hoặc bị giam giữ xe. Chúng tôi xin được khẳng định Uber là một ứng dụng công nghệ, hoàn toàn tuân thủ quy định của luật pháp về thuế, kinh doanh cũng như cách thức hoạt động.
Chúng tôi không sở hữu xe, không vận hành xe cũng không quản lý tài xế mà chỉ đưa ra giải pháp kết nối nhu cầu của hành khách với những công ty vận tải đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, chúng tôi đang làm việc với chính phủ và chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cấm Uber hoạt động.
Ông Karun Arya - Giám đốc truyền thông khu vực Nam Á của Uber. |
- Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống cho rằng taxi Uber đang "cướp miếng cơm" và cạnh tranh không bình đẳng với họ vì không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế?
- Uber mong muốn mang lại những dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và cạnh tranh lành mạnh với các hãng taxi truyền thống. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho người tiêu dùng đồng thời cũng tạo ra công ăn việc làm mới và cơ hội kiếm thêm thu nhập cho các lái xe.
Chúng tôi phải nói thêm rằng, trong một thị trường cạnh tranh, nên đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Đôi khi gọi Uber nhanh nhất có thể mất 1 phút thôi nhưng nếu bạn đang ở ngay ngoài đường bạn vẫn có thể vẫy taxi, khi đó thị trường vẫn cứ tồn tại. Vì vậy, nên xem Uber là mảnh ghép còn thiếu hay mảnh ghép mới cho thị trường chứ không hoàn toàn là thay thế toàn bộ những gì có trên thị trường.
Mặt khác, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước mà Uber có mặt, Uber chắc chắn sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế. Khi Uber hợp tác với những đối tác kinh doanh vận tải ở các nước, tất cả thông tin về tài chính, doanh thu của các đối tác đều được công khai. Các doanh nghiệp vận tải này đăng ký hoạt động và chịu sự quản lý của nhà nước nên họ sẽ đóng thuế dựa trên doanh thu và giao dịch với Uber. Về phía hành khách khi dùng dịch vụ sẽ thanh toán qua thẻ visa, ví điện tử... nên các cước phí thanh toán cũng rất minh bạch.
- Vậy Uber sẽ thực hiện nghĩa vụ đóng thuế như thế nào?
- Tôi chỉ chịu trách nhiệm về việc truyền thông của Uber chứ không thuộc bộ phận kinh doanh nên việc này tôi không nắm rõ và cũng không thể trả lời được. Tại Việt Nam, Uber chưa có ý định mở văn phòng đại diện nhưng tôi vẫn có thể khẳng định là Uber có đóng thuế.
- Ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á vẫn có thói quen dùng tiền mặt, trong khi Uber yêu cầu thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế, điều này có cản trở đến sự phát triển của Uber ở Việt Nam hay không?
- Theo chúng tôi được biết, số lượng thẻ ở Việt Nam hiện nay ở Việt Nam có khoảng 24 triệu thẻ, trong đó số lượng thẻ thanh toán quốc tế không hề ít nên chúng tôi cho rằng lượng khách hàng tiềm năng ở Việt Nam còn rất nhiều.
Trước mắt chúng tôi sẽ chú trọng đến đối tượng người dùng này. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi sẽ xem xét áp dụng các hình thức thanh toán như một số nước châu Á khác như trả qua ví điện tử hoặc tiền mặt ở Ấn Độ, hay kết nối cùng với các ngân hàng để thanh toán qua tài khoản của khách hàng như ở Trung Quốc,... Ở Việt Nam nếu không có thẻ visa, người dùng vẫn có thể thanh toán qua Paypal. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm một số hình thức thanh toán khác để tăng thêm sự lựa chọn cho người dùng.
- Ở nhiều nước trên thế giới, Uber cho biết đã đạt được tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Vậy ở Việt Nam Uber đã tính toán được tốc độ tăng trưởng hay chưa?
- Ở Việt Nam, Uber hiện đã có mặt ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội.
TP.HCM là thị trường tiềm năng và là một trong những thị trưởng tăng trưởng nhanh nhất của Uber trên thế giới. Sự tăng trưởng nhanh này không chỉ vì TP.HCM bé hơn một số thành phố khác mà còn được tính toán dựa trên tốc độ tăng trưởng so với các thành phố ở Mỹ Latin và châu Âu kể từ khi Uber được triển khai.
Hiện nay, người dùng TP.HCM đang rất đón nhận dịch vụ mới này và chúng tôi hy vọng Hà Nội cũng đạt được tốc độ như vậy hoặc nhanh hơn dù lựa chọn của người dùng Hà Nội còn chưa thực sự nhiều như TP.HCM.
Về tốc độ tăng trưởng cụ thể, Uber là công ty tư nhân nên không thể tiết lộ vì nó có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam là một thị trưởng mới nổi, thị trường vận tải Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng nên Uber kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ nhanh hơn trung bình của thế giới.
- Nói như vậy, có nghĩa là Uber sẽ không chỉ dừng lại ở việc phát triển tại TP.HCM và Hà Nội?
Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung phát triển ở hai thành phố này và hy vọng sẽ sớm mở rộng ra các thành phố lớn khác ở Việt Nam.
Đồng thời, chúng tôi mong được gặp gỡ Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các chính quyền địa phương để trao đổi về cách thức hợp tác nhằm khuyến khích sự đổi mới, mang đến nhiều sự lựa chọn về phương thức di chuyển an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy cho người dân Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!