Trao đổi với Zing.vn, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết Uber, Grab hay những mô hình tương tự là đơn vị kinh doanh phần mềm kết nối vận tải. "Nếu công nghệ thông tin có tác động tích cực vào hoạt động vận tải thì cần được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu phát hiện các dấu hiệu sai phạm, cũng cần xử phạt kịp thời", ông Hùng khẳng định.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Ảnh: Công Khanh. |
Ông Khuất Việt Hùng phản đối ý kiến cho rằng, hoạt động của Uber, Grab có thể gây hệ lụy về an toàn giao thông, tăng ùn tắc. Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích, trước đây, khi chỉ sử dụng phương thức kết nối vận chuyển hành khách truyền thống bằng tổng đài, rất nhiều taxi phục vụ nhưng khách hàng vẫn cảm thấy thiếu.
Một cú điện thoại của hành khách thì 5-7 xe cùng đến nhưng chỉ 1 xe đón được khách. Như vậy có 5-7 xe cùng đi, cùng hoạt động, cùng tiêu tốn năng lượng, cùng chạy trên đường, cùng gây hệ quả về ùn tắc. Nay với ứng dụng của công nghệ thông tin, một cú điện thoại nhưng chỉ có một xe gần nhất đến với hành khách. Điều này tiết kiệm được số xe chạy rỗng, hiệu quả khai thác phương tiện cao hơn, và sẽ giảm ùn tắc.
Ủng hộ việc phát triển Uber, Grab nhưng khi nhắc tới những sai phạm gần đây, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình khai thác ứng dụng chưa thực hiện đúng quy định pháp luật cần được hướng dẫn về thông tin và chấn chỉnh kịp thời. Hoạt động tăng cường thanh tra, kiểm soát cần được tiến hành thường xuyên”.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với Zing.vn, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho biết, nếu hãng dịch vụ tự ý hợp tác với các cá nhân là chủ phương tiện tham gia kinh doanh vận chuyển khách không có phép là phạm luật. Việc này sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Thực tế, trong tháng đầu năm 2015, Bộ GTVT đã tiến hành công tác thanh kiểm tra các xe cá nhân hoạt động kinh doanh chở khách ứng dụng công nghệ gọi xe trực tuyến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đoàn thanh tra đã phát hiện và xử lý vi phạm tổng số 40 vụ tại TP HCM và 18 vụ ở Hà Nội.
Bộ GTVT chủ trương ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin làm thay đổi phương thức vận tải truyền thống, đem lại lợi ích cho nhiều phía. Tuy nhiên, thời gian đầu đưa mô hình này vào thí điểm sẽ có nhiều vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về nhiều mảng.
Với Grab, Bộ cấp phép cho thí điểm mô hình trong 2 năm nhưng chắc chắn, những dấu hiệu vi phạm về phương tiện, hoạt động kinh doanh, nộp thuế (nếu có) sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Ông Ngọc cho biết thêm, dù Uber chưa được cấp phép thí điểm nhưng không bị cấm hoạt động.
Trả lời câu hỏi: “Liệu có dấu hiệu độc quyền không khi cả Uber và Grab đều hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh nhưng hiện chỉ có Grab được cấp phép triển khai thí điểm?”, ông Ngọc khẳng định, không có chuyện độc quyền cho Grab. Uber hay bất cứ đơn vị nào khác đảm bảo hoạt động đúng luật, đều có thể triển khai dịch vụ kinh doanh của mình.