Loạt bài về Uber, Grab đăng tải trên Zing.vn từ ngày 24/11 nhận được rất nhiều bình luận của độc giả. Trong số những ý kiến gửi về, không ít người bày tỏ quan điểm về việc Uber, Grab là dịch vụ có lợi cho người dùng nhưng lại bị phản ứng. Thậm chí, quan điểm cho rằng những ứng dụng này đang gây rối loạn xã hội nhận được không ít phản biện.
Kết quả thăm dò ý kiến độc giả Zing.vn tính đến 15h ngày 26/11 cũng cho thấy, 87,55% cho rằng Uber và Grab đang giúp người tiêu dùng đi taxi với giá rẻ hơn. Trong khi đó, 9,9% cho rằng các hãng này đang tạo ra cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, và chỉ 2,5% đồng ý với quan điểm rằng Uber, Grab đang làm rối loạn xã hội.
Chỉ có 2,5% độc giả Zing.vn cho rằng: "Grab, Uber đang làm rối loạn xã hội". |
Với câu hỏi "theo bạn nên quản lý Uber và Grab tại Việt Nam như thế nào?", phần lớn độc giả đồng ý với quan điểm nên cho các hãng này hoạt động với những điều kiện nhất định để đảm bảo cạnh tranh công bằng với các hãng vận tải công cộng khác (chiếm 46,4%). Có tới 40,91% độc giả nhận định không cần quản lý, trong khi chỉ 12,62% cho rằng nên cấm hoàn toàn hoạt động của các hãng taxi phi truyền thống.
Chỉ 11,34% bạn đọc cho rằng nên cấm Grab, Uber hoạt động tại Việt Nam. |
Sau nhiều lần trải nghiệm dịch vụ Uber và Grab, độc giả Bùi Tấn Duy cho rằng, có nhiều lý do để khách hàng ủng hộ các taxi phi truyền thống.
"Một là chi phí thấp hơn taxi truyền thống. Hai là nhân viên rất dễ thương, giao tiếp lịch sự. Thứ ba là tài xế lái xe chạy cẩn thận, tuân thủ luật tốt. Ngoài ra, khác hàng cũng có thể biết được xe đón mình đang đi đến đâu và linh động thời gian. Trong khi taxi truyền thống thì khác, chỉ có thể gọi để điều xe, còn việc xe khi nào tới và có tới đón mình không thì không biết. Hơn nữa, việc đặt xe với Uber và Grab cũng không tốn thêm chi phí", độc giả Bùi Tấn Duy viết.
Quan điểm này được rất nhiều độc giả của Zing.vn đồng ý. Theo đó, bất cứ ai đã sử dụng dịch vụ của Uber và Grab đều có thể thấy sự chênh lệch với taxi truyền thống, ít nhất về giá và cung cách phục vụ. Đây là điểm nổi trội của dịch vụ này, và cũng tạo ra cạnh tranh tốt trên thị trường. Do vậy, không nên cấm mà cần tạo khuôn khổ để phát triển.
"Các bạn phải nên đi thử đã. Tôi từ khi đi Grab đã thay đổi hẳn thái độ về taxi. Khi bạn đặt xe, Grab sẽ gửi ngay hình ảnh lái xe, số điện thoại, số xe, loại xe, giá tiền cho khách và đó là xe gần nhất đến đón mình. Ta có thể thấy vị trí xe trên màn hình điện thoại. Tài xế lịch sự, xe sạch..., không bị cảnh gọi một xe mà 4-5 xe tới kẹt đường rồi còn chửi nhau nữa", độc giả Hải Sài Gòn chia sẻ.
Uber, Grab được ưa thích ở Việt Nam nhờ giá rẻ và phong cách phục vụ tốt. Ảnh: Fortune. |
Trong khi đó, bạn Út Lư chia sẻ cảm nhận của mình về trải nghiệm dịch vụ với Uber bằng một câu chuyện về sự hài lòng. "Hôm trước mình đi Uber, chú tài xế thật là dễ thương. Chú nói thấy con lịch sự và dễ thương, chú cho con 5 sao. Mình thấy chú ấy cũng vui vui và lịch sự nên cho chú ấy 5 sao lại, công bằng... Xuống xe rồi mà thấy trong lòng vui vui! Cái đó gọi là hài lòng đấy!", nữ khách hàng này nhắn nhủ.
Phần lớn người dùng cũng cho rằng, việc các hãng taxi truyền thống nêu quan điểm Uber, Grab đã phá giá, cung cấp dịch vụ trá hình, làm rối loạn thị trường hay trách khách hàng "chỉ thấy rẻ là đi không cần biết" là chưa thỏa đáng.
Bạn Nguyễn Hòa Hiệp khẳng định, việc taxi truyền thống trở nên thiếu thiện cảm trong mắt người dùng không phải là chuyện mới xảy ra.
"Chúng tôi chỉ là người dân bình thường, hàng ngày phải đối mặt với biết bao nhiêu chi phí, nên đừng trách người dân chúng tôi thế này thế nọ. Chúng tôi muốn những thứ có lợi cho bản thân mình và đồng tiền mình bỏ ra là xứng đáng", độc giả này chia sẻ.
Độc giả Đỗ Công Du cũng đưa ý kiến, thay vì đổ lỗi cho "kẻ mới đến", các hãng taxi truyền thống cần cải tiến và thay đổi mình, không nên bảo thủ bởi mọi quyết định sử dụng dịch vụ hay không là tùy thuộc vào khách hàng. Trong khi đó, khách hàng chỉ chấp nhận những nhà cung cấp mang tới nhiều lợi ích nhất cho họ.
"Bây giờ thời buổi công nghệ rồi, nếu không thay đổi thì sẽ chẳng còn đường tồn tại. Giống như ngày xưa có bưu điện, thời buổi bây giờ dùng email và di động, Internet... thì thư giấy phải chấp nhận chết thôi. Hay như hãng Nokia một thời đình đám đã bảo thủ không chịu thay đổi để rồi phải chết và phải bán mình cho Microsoft bây giờ...", bạn đọc này nhận xét.
Trước đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch taxi Vinasun, kiêm Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM đã đệ đơn đề nghi Bộ Giao thông vận tải cấm Uber, GrabTaxi và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động kinh doanh vận tải dưới hình thức mà ông gọi là “taxi trá hình”.
Chủ tịch Vinasun nói với Zing.vn: “Grab trước đây liên kết với các hãng taxi truyền thống, cung cấp phần mềm điều hành vận tải, còn tài xế của các hãng. Điều này là phù hợp và chấp nhận được. Nhưng gần đây, đơn vị này ra mắt Grab-car, dịch vụ đi xe giá rẻ, huy động toàn bộ xe tự do ngoài xã hội vào việc kinh doanh vận tải, làm rối loạn xã hội”. Ý kiến này của ông Hỷ nhận được rất nhiều phản hồi trái chiều của bạn đọc.