Hãng cung ứng dịch vụ gọi xe Uber đã không có người đứng đầu kể từ khi CEO cũ Travis Kalanick từ chức hồi tháng 7/2017, sau cuộc điều tra về văn hóa làm việc tại công ty này. Tuy nhiên, Kalanick vẫn là thành viên hội đồng quản trị Uber.
CEO mới của Uber, Khosrowshahi, là một ứng viên trong danh sách ứng tuyển vào vị trí của Kalanick, và đã vượt qua nhiều cái tên sáng giá khác như cựu CEO của General Electric hay cựu lãnh đạo Hewlett Packard.
Đây được cho là lựa chọn gây bất ngờ với giới phân tích, bởi Khosrowshahi đã gắn bó rất lâu với Expedia và xây dựng công ty này thành một đế chế về du lịch.
Trước khi trở thành tân CEO của Uber, Khosrowshahi từng nắm giữ chức vụ này tại Expedia, một công ty chuyên về cung ứng các dịch vụ du lịch trực tuyến. Ông là người có nhiều năm kinh nhiệm trong ngành, và từng nắm giữ chức vụ giám đốc tài chính của IAC, một công ty về du lịch.
Uber đã không có giám đốc tài chính kể từ năm 2015 tới nay.
Khosrowshahi cũng là thành viên hội đồng quản trị của The New York Times, tờ báo nổi tiếng của Mỹ, từ năm 2015.
CEO mới của Uber là người nhập cư gốc Iran. Ông từng chia sẻ với Bloomberg rằng gia đình ông đã di tản khỏi Iran sau cuộc cách mạng năm 1978 khi ông mới 9 tuổi.
Với cương vị mới, Khosrowshahi sẽ đối đầu với không ít khó khăn, trong đó có việc cải thiện môi trường làm việc tại Uber, cuộc chiến pháp lý với các cơ quan chức năng và giảm lỗ tài chính cho doanh nghiệp này.
CEO mới của Uber - Dara Khosrowshahi. Ảnh: Getty. |
Tuần trước, Uber thông báo doanh thu của hãng đã đạt 1,75 tỷ USD trong quý II/2017, tăng 17% so với quý trước đó. Dù đã giảm được lỗ, doanh nghiệp này vẫn đang lỗ ròng 645 triệu USD tính tới cuối quý II.
Uber công bố báo cáo tài chính chỉ ngay sau khi cổ phần tại Uber của nhiều quỹ đầu tư mất giá do hàng loạt bê bối của hãng gọi xe này.
Uber lâm vào tình trạng thiếu lãnh đạo trầm trọng trong năm 2017. Hãng đã thiếu cả giám đốc tài chính, giám đốc điều hành, giám đốc marketing và chủ tịch. Một vài nhân viên cấp cao khác cũng đã rời Uber.
Cùng lúc đó, cựu CEO Kalanick đã bị kiện bởi Benchmark, một trong những quỹ đầu tiên đầu tư vào Uber.
Quỹ này cho rằng Kalanick đã "thao túng quyền lực để đưa người vào hội đồng quản trị nhằm duy trì vị trí CEO". Quỹ này muốn Kalanick rời khỏi Hội đồng quản trị Uber.
Kalanick đã phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng đây là hành vi "công kích cá nhân" của Benchmark. Trong khi Uber chật vật với chuỗi bê bối, các đối thủ cạnh tranh tại Mỹ và nhiều thị trường khác đang phát triển mạnh.
Tại Mỹ, hãng gọi xe Lyft đã thu về 600 triệu USD tiền đầu tư trong năm 2017 và hưởng lợi từ lượng khách hàng tẩy chay Uber. Tính tới cuối tháng 7, Lyft thông báo lượng cuốc xe của hãng đã nhiều hơn cả năm 2016 cộng lại.