Logo Twitter tại trụ sở công ty ở San Francisco (Mỹ). Ảnh: Reuters. |
Ngày 4/11, Reuters đưa tin Twitter đã tạm đóng cửa các văn phòng, cắt quyền truy cập hệ thống nội bộ của nhân viên.
Văn phòng Twitter tại Piccadilly Circus, London (Anh) vắng vẻ, không có dấu hiệu vận hành. Nhân viên bảo vệ nói tòa nhà đang được tu sửa. Tương tự, nhân viên bảo vệ văn phòng Twitter tại Dublin (Ireland) cho biết không ai đi làm trong ngày 4/11. Tất cả được yêu cầu ở nhà.
Thông báo đột ngột
"Nếu bạn đang ở văn phòng hoặc trên đường đến văn phòng, vui lòng trở về nhà", Twitter cho biết trong email gửi ngày 3/11. Đó cũng là lúc nền tảng này thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn.
"Với nỗ lực đưa Twitter đi con đường lành mạnh, chúng ta sẽ trải qua giai đoạn khó khăn về việc cắt giảm nhân sự trên toàn cầu trong ngày thứ sáu (4/11)", nội dung email gửi đến nhân viên công ty cho biết.
Kế hoạch cắt giảm nhân sự được công bố một tuần sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter. Trong tài liệu nội bộ, vị tỷ phú muốn sa thải khoảng 3.700 nhân viên, tương đương một nửa lao động của Twitter để cắt giảm chi phí, áp dụng đạo đức làm việc mới.
Một nhân viên cho biết bộ phận kiểm duyệt nội dung của Twitter và nhóm "Curation", chịu trách nhiệm làm nổi bật các sự kiện trên nền tảng, nằm trong kế hoạch sa thải. Một giám đốc Twitter tại châu Á nói rằng đội ngũ truyền thông của công ty ở Ấn Độ cũng bị sa thải.
Văn phòng Twitter tại London (Anh) không một bóng người trong ngày 4/11. Ảnh: Reuters. |
Ngày 4/11, một số nhân viên Twitter cho biết không thể nói lời chia tay đồng nghiệp do đã mất quyền truy cập hệ thống nội bộ.
"Dường như tôi thất nghiệp rồi. Vừa bị đăng xuất từ xa khỏi laptop và xóa khỏi nhóm Slack", tài khoản @SBkcrn cho biết trong một đoạn tweet. Hồ sơ của người này ghi nghề nghiệp là cựu quản lý cộng đồng cấp cao tại Twitter.
"Ngày thứ năm vừa qua tại văn phòng SF (San Francisco) là ngày cuối cùng Twitter vẫn là Twitter. 8 tháng mang thai và có con 9 tháng tuổi, vừa bị cắt quyền truy cập laptop", người dùng Rachel Bonn viết.
Trong một email nội bộ, Twitter cho biết việc tạm đóng cửa văn phòng, khóa tất cả quyền truy cập nội bộ nhằm "đảm bảo an toàn cho từng nhân viên, hệ thống Twitter và dữ liệu của người dùng". Các nhân viên không bị sa thải sẽ được thông báo qua email công ty. Những người bị đuổi việc sẽ nhận quy trình thôi việc thông qua email cá nhân.
Một tuần bất ổn
Nhiều nhân viên Twitter đã sử dụng hashtag #OneTeam để bày tỏ phẫn nộ khi bị sa thải. Trả lời một bài viết chứa hashtag, Yoel Roth, Giám đốc An toàn & Liêm chính Twitter sẵn sàng nhận tin nhắn từ mọi người để hỗ trợ. Nhiều khả năng Roth không bị sa thải trong kế hoạch của Musk.
Trong ngày 3/11, một vụ kiện tập thể được các nhân viên Twitter nộp lên tòa án, cho rằng công ty đã sa thải hàng loạt mà không thông báo trước 60 ngày như quy định của bang California. Đơn kiện cũng yêu cầu tòa án San Francisco cấm Twitter yêu cầu nhân viên ký vào biên bản thôi việc mà không thông báo rõ ràng về tính chất vụ việc.
Elon Musk hoàn tất mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD vào ngày 27/10, sau đó sa thải hàng loạt lãnh đạo. Các cấp quản lý được yêu cầu lập danh sách những nhân viên có hiệu suất kém.
Elon Musk tham gia một hội nghị đầu tư tại New York (Mỹ) ngày 4/11. Ảnh: Reuters. |
Người giàu nhất thế giới đang đối mặt áp lực vận hành Twitter một cách hiệu quả về mặt tài chính. Thỏa thuận mua Twitter là thương vụ mua lại dùng đòn bẩy lớn nhất từng có đối với một công ty công nghệ, dùng phần lớn tiền đi vay để mua lại một công ty và dùng chính công ty đó làm thế chấp.
Đợt sa thải hàng loạt của Twitter có lẽ không lớn nhất trong ngành công nghệ, nếu tính theo số lượng nhân sự. Nhà sản xuất máy tính HP từng cắt giảm 24.600 nhân viên, tương đương 7,5% lực lượng lao động của công ty vào năm 2008.
Gần đây, các công ty công nghệ cũng đã cắt giảm việc làm. Ngày 3/11, Lyft cho biết sẽ sa thải 650 người trong số 5.000 nhân viên, tương đương 13%. Stripe, nền tảng xử lý thanh toán cho biết sẽ cắt giảm 1.100 nhân sự, khoảng 14%.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.