Tỷ phú sẽ chính thức Elon Musk tiếp quản Twitter từ ngày 28/10. Ảnh: Getty Images. |
Elon Musk đã chính thức tiếp quản công ty mạng xã hội hôm 27/10 (giờ Mỹ). Tỷ phú tham vọng biến Twitter trở thành "quảng trường tự do ngôn luận".
Tuy nhiên, Recode cho rằng dữ liệu người dùng sẽ gặp hàng loạt rủi ro sau khi vị tỷ phú lên nắm quyền. Ông sẽ trở thành người duy nhất nắm giữ toàn bộ dữ liệu của họ.
Dữ liệu người dùng bị đem ra làm vật mua bán
Suốt nhiều năm qua, Twitter luôn bị người dùng chỉ trích về những vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật. Do đó, một khi Twitter về tay Elon Musk, mọi thứ người chia sẻ trên mạng xã hội dù công khai như bài đăng hay riêng tư như tin nhắn đều sẽ thuộc về ông. Vị tỷ phú giàu nhất hành tinh vốn nổi tiếng vì sự khó đoán, trẻ con và thậm chí là thường xuyên "thù vặt".
Khi được hỏi về cách thức dữ liệu người dùng được lưu trữ trên nền tảng, đại diện Twitter nói rằng ở thời điểm hiện tại, họ không thể quyết định thêm điều gì. Công ty mạng xã hội cho biết quy trình xóa tài khoản người dùng thường sẽ mất ít nhất 30 ngày để hoàn thành.
Trong khi đó, các tin nhắn riêng tư vẫn sẽ được lưu trữ trên máy chủ Twitter trong một thời gian dài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù có khóa tài khoản, dữ liệu của người dùng vẫn sẽ tồn tại và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu.
Bên cạnh đó, tin nhắn trên Twitter hiện vẫn chưa sử dụng công nghệ mã hóa đầu cuối. Công nghệ này giúp chỉ người gửi và người nhận có thể đọc được nội dung. Vì thế, Twitter và vị tỷ phú hoàn toàn có quyền truy cập các nội dung nhạy cảm, riêng tư bên trong hòm thư của người dùng.
Chính sách quyền riêng tư của Twitter cũng viết rõ rằng họ sẽ “có quyền chia sẻ, bán hoặc chuyển thông tin của người dùng nếu có vụ sáp nhập, thâu tóm, bán tài sản hoặc phá sản xảy ra”.
Sau khi Elon Musk lên nắm quyền Twitter, dữ liệu của tất cả người dùng trên nền tảng sẽ thuộc về ông. Ảnh: Getty Images. |
Không chỉ Twitter, đã có rất nhiều vụ việc dữ liệu người dùng bị biến thành điều kiện trong các thương vụ mua bán. Năm 2019, Google đã công bố kế hoạch mua lại công ty sản xuất thiết bị theo dõi sức khỏe và tập luyện Fitbit.
Tuy nhiên, quyết định này làm dấy lên quan ngại về nguy cơ Google lợi dụng dữ liệu của Fitbit để cạnh tranh nên đã bị hoãn lại vì cuộc điều tra liên quan đến quyền riêng tư của Ủy ban Châu Âu (EC). Do đó, hãng công nghệ đã phải cam kết với châu Âu về việc không sử dụng dữ liệu sức khỏe và thể chất từ 29 triệu người dùng của Fitbit để bán quảng cáo.
Nhưng với trường hợp của Twitter, hãng công nghệ và Elon Musk chưa từng đề cập đến vấn đề này trong các điều khoản mua lại.
Elon Musk “dọn dẹp” Twitter
Theo Andy Wu, Giáo sư quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, quyết định về việc liệu Elon Musk có nắm giữ thông tin riêng tư của người dùng hay không vẫn còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước hết, ông phải nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ quản lý của Twitter. Nhưng mới đây, sáng ngày 27/10, tỷ phú Elon Musk đã quyết định dọn dẹp bộ máy lãnh đạo của Twitter với việc sa thải 4 lãnh đạo hàng đầu. Điều này cho thấy ông dự định xây dựng một ban quản trị mới theo ý mình để dễ bề lãnh đạo.
Bên cạnh đó, Elon Musk còn phải thương lượng với nhân viên Twitter để có quyền truy cập và dữ liệu của người dùng. Nhưng một khi thông tin này lộ ra ngoài, cả mạng xã hội và CEO Tesla đều sẽ phải hứng chịu làn sóng phẫn nộ từ người dùng, một điều mà không ai mong muốn.
Elon Musk từng khẳng định rằng ông muốn biến Twitter trở thành “nền tảng quảng cáo tốt nhất trên thế giới khi tất cả quảng cáo đều đáp ứng chính xác nhu cầu và sở thích của người dùng”.
Để làm được điều này, vị tỷ phú cần theo dõi và thu thập rất nhiều dữ liệu của họ nhưng đổi lại sẽ khiến người dùng cẩn trọng hơn với những thông tin họ chia sẻ và gây sự chú ý của chính quyền các nước.
Elon Musk vốn nổi tiếng là người khó đoán và làm những điều không tưởng. Ảnh: CNN. |
Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là hệ thống bảo mật thông tin của Twitter không hề đáng tin, thường xuyên làm lộ dữ liệu mật ra bên ngoài. Tháng 7/2020, hàng loạt tài khoản Twitter nổi tiếng đã bị hack, trong đó có Elon Musk. Các chuyên gia an ninh rằng quy mô lớn của vụ tấn công cho thấy lỗ hổng bảo mật nguy hiểm trong dịch vụ của Twitter.
Mới đây, cựu Giám đốc an ninh Peiter Zatko cũng đứng ra tố cáo công ty vì công nghệ bảo mật lỏng lẻo, không thể bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của người dùng. Ông cho biết gần một nửa nhân sự Twitter hoàn toàn có quyền truy cập vào bất kỳ dữ liệu người dùng nào họ muốn.
Do đó, nhiều người đã quyết định quay lưng lại Twitter để bảo vệ thông tin của mình. Jason Goldman, cựu Giám đốc sản phẩm của Twitter, cho biết các đồng nghiệp của ông đã tải về toàn bộ lưu trữ và ngừng nhắn tin trên Twitter vì không muốn những thông tin này bị lộ ra. “Chúng tôi sợ rằng Twitter sắp phải chứng kiến một thời điểm hỗn loạn và những rủi ro theo đó cũng sẽ tăng dần lên”, ông nói với Recode.
Theo trang tin, thương vụ giữa Elon Musk và Twitter cũng có một điểm tích cực là vị tỷ phú từng bày tỏ rằng ông muốn áp dụng công nghệ bảo mật đầu cuối cho tin nhắn Twitter.
Từng nhiều lần hối thúc Twitter mã hóa tin nhắn, Thượng nghị sĩ Ron Wyden cũng cho rằng điều đầu tiên Musk sẽ làm khi nắm quyền ở Twitter là trang bị công nghệ mã hóa đầu cuối cho nền tảng. Theo ông, mặc dù CEO Tesla có quyền quản lý Twitter theo ý muốn của mình, ông vẫn phải cân nhắc đến nhu cầu của người dùng và các nhà quảng cáo.