Sau 12 ngày đàm phán, tỷ phú công nghệ gốc Nam Phi đã đạt được thỏa thuận với hội đồng quản trị để mua lại Twitter với giá 54,20 USD một cổ phiếu, định giá công ty vào khoảng 44 tỷ USD. Động thái này đã đưa Twitter từ một công ty đại chúng trở thành doanh nghiệp tư nhân.
Trong vài tuần qua, Musk đã ám chỉ về những thay đổi mà ông muốn thấy nền tảng này thực hiện. Với vị trí mới, tỷ phú sẽ có quyền thay đổi nhiều thứ từ nhân sự đến cách thức hoạt động của nền tảng. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi về tương lai Twitter dưới thời của ông.
Trong tuyên bố được đưa ra sau khi đạt được thỏa thuận, ông Musk đã gọi Twitter là “nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận” và cho biết ông mong muốn được khai thác “tiềm năng to lớn” của công ty.
Cách thức hoạt động
Musk đã nói rằng một phần lý do ông mua lại Twitter là vì muốn biến nền tảng này thành một công ty tư nhân. Theo quan điểm của Musk, Twitter chỉ có thể thay đổi được khi mạng xã hội trở thành một doanh nghiệp tư nhân.
Việc chuyển sang sở hữu tư nhân là "bước đi đúng đắn đầu tiên” của Twitter
Jack Dorsey, cựu CEO Twitter
Đó là những lời mà Musk chia sẻ với đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey. Ông Dorsey cho rằng việc chuyển sang sở hữu tư nhân là "bước đi đúng đắn đầu tiên” của Twitter.
Mặc dù hội đồng quản trị của Twitter đã nhất trí thông qua việc mua bán, nhưng thương vụ này vẫn cần được các cổ đông thông qua và phải được xem xét theo quy định. Giám đốc điều hành Parag Agrawal cho biết ông hy vọng thỏa thuận sẽ kết thúc trong 3-6 tháng tới.
Theo ông Musk,Twitter chỉ có thể thay đổi được khi mạng xã hội này trở thành một doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Getty Images. |
“Các cổ đông sẽ phải xem xét liệu họ có nghĩ rằng đây là thỏa thuận tốt nhất mà họ có thể nhận được với Twitter, hay liệu họ có thể làm tốt hơn mà không có Musk hay không”, Eleanor Bloxham, CEO của công ty tư vấn doanh nghiệp The Value Alliance, nói với CNBC.
Nếu họ chấp nhận đề nghị mua lại của Musk, họ sẽ có thể bán cổ phiếu Twitter với giá 54,20 USD/cổ phiếu. Các cổ đông cũng có thể nắm giữ chúng cho đến ngày công ty chuyển sang tư nhân. Tại thời điểm đó, họ sẽ được chuyển nhượng bằng tiền mặt theo giá giao dịch hiện tại.
Những thay đổi lớn
CEO Tesla coi việc mua lại Twitter là điều cần thiết để duy trì “quyền tự do ngôn luận”, dù ông không nói cụ thể những gì mình muốn thay đổi. Ý tưởng về một nền tảng tự do ngôn luận của tỷ phú gốc Nam Phi nhận được ủng hộ của nhiều người, trong đó có nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey.
"Về nguyên tắc, tôi không nghĩ Twitter nên được sở hữu hoặc điều hành bởi bất kỳ ai, nó phải là một nền tảng của mọi người chứ không phải là một công ty. Để giải quyết vấn đề này, Musk là người duy nhất mà tôi tin tưởng", Dorsey chia sẻ trên Twitter.
Trong vài tuần qua, Elon Musk khẳng định ông sẽ nới lỏng các chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter và giảm dần nỗ lực loại bỏ những kẻ xấu muốn lợi dụng nền tảng này. Tỷ phú cũng nói rằng ông hy vọng quyền sở hữu Twitter của mình sẽ không khiến bất cứ ai rời đi.
Tỷ phú muốn nới lỏng các chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter. Ảnh: Getty Images. |
“Tôi hy vọng rằng ngay cả những người chỉ trích tôi nhiều nhất vẫn sẽ sử dụng Twitter, bởi vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận”, tỷ phú chia sẻ trên Twitter hôm 25/4.
Kiểm duyệt nội dung và tự do ngôn luận không phải là lĩnh vực quan tâm duy nhất của Musk. Trong các bài đăng của mình trên mạng xã hội này, tỷ phú đã bày tỏ những điều ông muốn thay đổi ở Twitter.
Tôi hy vọng rằng ngay cả những người chỉ trích tôi nhiều nhất vẫn sẽ sử dụng Twitter
Tỷ phú Elon Musk
Đầu tiên, ông đã kêu gọi bổ sung một nút chỉnh sửa, điều mà Twitter đang hoàn thiện. Ông cũng muốn những người dùng đăng ký Twitter Blue có thể thanh toán bằng đồng tiền mã hóa yêu thích của mình là Dogecoin.
Ngoài ra ông còn muốn công khai thuật toán của Twitter dưới dạng mã nguồn mở để “tăng sự tin tưởng” của người dùng vào nền tảng. Cuối cùng, tỷ phú cho rằng Twitter nên loại bỏ các phần mềm gửi thư rác và yêu cầu nền tảng này “xác thực người dùng” bằng một dấu xác minh.
Nhân sự
Các chuyên gia đánh giá Twitter sắp tới sẽ có nhiều biến động về nhân sự. Trong khi một số người háo hức về việc CEO Tesla sẽ mang đến một làn gió mới cho công ty, không ít người tỏ ra bối rối.
Tôi không chắc chắn về tương lai của Twitter dưới thời Musk
Ông Parag Agrawal, CEO Twitter
"Ai đó hãy cho tôi biết sắp tới tôi sẽ trở nên giàu có hay bị sa thải", một nhân viên Twitter cho biết.
Nhân vật đang được chú ý nhất tại Twitter là CEO Parag Agrawal - người vừa được bổ nhiệm 5 tháng. Nhà sáng lập Jack Dorsey cho rằng tầm nhìn của ông Musk phù hợp với Agrawal.
Ông Parag Agrawal, Giám đốc điều hành Twitter chỉ mới nhậm chức được 5 tháng. Ảnh: Getty Images. |
Ngược lại, Time cho rằng quan điểm của Agrawal và Musk về vấn đề kiểm duyệt nội dung đang mâu thuẫn nhau. Trong hồ sơ gửi lên SEC, Musk cho biết ông không tin tưởng ban quản lý của Twitter nhưng đã không chỉ đích danh ai.
Reuters dẫn lời CEO Agrawal nói với nhân viên rằng "tương lai của Twitter dưới thời Musk là không chắc chắn" và "khi thỏa thuận hoàn tất, chúng tôi không biết công ty sẽ đi theo hướng nào". Ngay cả việc ông có còn ngồi lại ghế CEO của công ty hay không cũng là điều khó đoán trước.