Năm 2018, SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ) cáo buộc Musk gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư, sau khi ông viết trên Twitter rằng đang cân nhắc việc tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu. Kế hoạch tư nhân hóa được Musk thông báo hủy bỏ 3 tuần sau đó.
Các cáo buộc nhắm vào đăng tải ngày 7/8/2018 của tỷ phú Elon Musk trên Twitter với tiết lộ đã tìm được "nguồn tiền" để tư nhân hóa công ty xe điện Tesla. Vào thời điểm đó, SEC khẳng định Elon Musk thật ra vẫn chưa tìm được “nguồn tiền” như ông thông báo trên mạng xã hội, theo CNN.
Elon Musk đã quá nổi tiếng với các phát ngôn "gây bão" trên Twitter. Ảnh: Getty. |
Lịch sử đầy rắc rối với SEC
Do sự cố trên, cả Elon Musk và công ty xe điện Tesla đã phải nộp phạt tổng cộng 40 triệu USD như một phần của thỏa thuận với SEC để tránh bị truy tố. Bên cạnh đó, SEC yêu cầu Tesla phải phê duyệt tất cả tweet của Elon Musk có chứa thông tin ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Ngoài ra, thỏa thuận với SEC cũng buộc Musk từ chức Chủ tịch, dù vẫn có thể tiếp tục làm CEO của Tesla. Theo New York Times, việc vị tỷ phú này tiếp tục được làm giám đốc điều hành là nhờ năng lực của ông, với những sáng tạo đặc biệt cho công ty. Tuy vậy, những dòng tweet của ông cũng mang đến nhiều rủi ro, khiến nhiều nhà đầu tư bất an và trực tiếp đẩy giá cổ phiếu lao dốc bất ngờ.
Đến tháng 2/2019, trong một bản kế hoạch được công bố, Tesla lên mục tiêu sản xuất khoảng 360.000-400.000 chiếc xe trong cùng năm. Tuy nhiên, chỉ 4 tiếng sau khi Tesla công bố kế hoạch, Elon Musk lại viết trên Twitter rằng công ty có thể sản xuất tới 500.000 xe. Bài viết này giống như một sự vi phạm trực tiếp thỏa thuận giữa Musk và SEC vừa đạt được vài tháng trước, khiến CEO Tesla lại phải giải trình tại tòa.
Vào tháng 4/2019, SEC và Musk đi đến thỏa thuận với những quy định chặt chẽ hơn. Trong đó, SEC đã đưa một ra bản danh sách các chủ đề mà Musk cần luật sư có kinh nghiệm phê duyệt trước khi đăng lên Twitter.
SEC đưa ra quy định hạn chế phát ngôn của Elon Musk vì cho rằng ông có thể gây bất ổn thị trường. Ảnh: Getty. |
Cũng trong tháng 4/2019, tại sự kiện Autonomy Day, Musk cũng cho biết Tesla sẽ có một triệu robotaxi (taxi tự lái) lưu thông trên đường vào năm 2020. Ông tự hào nhấn mạnh rằng tính năng autopilot (hỗ trợ tự động lái xe) của Tesla có thể giúp robotaxi vận hành ổn định.
Sau quy định của SEC, Elon Musk không thể đưa những con số thống kê lên Twitter mà chưa được công bố trước đó. Tuy nhiên, vị tỷ phú cá tính chỉ im lặng trong một năm.
Đến tháng 5/2020, Musk một lần nữa khiêu khích SEC. "Theo tôi, giá cổ phiếu Tesla đang quá cao", ông viết trên Twitter, trực tiếp bình luận về một chủ đề nhạy cảm đúng ra ông không được công khai.
Bỏ 2,9 tỷ USD để tiêu khiển với Twitter
Những mâu thuẫn giữa Elon Musk và SEC là lý do nhiều nhà phân tích cho rằng Musk muốn mua lại Twitter chỉ để sở hữu luôn nền tảng và thoải mái phát ngôn.
Sau khi công bố đã mua 9,2% cổ phần Twitter, những động thái của Elon Musk cũng cho thấy ông muốn tiêu khiển hoặc làm khó lãnh đạo Twitter hơn là thực sự đóng góp cho nền tảng này.
Elon Musk từng lập một cuộc thăm dò trên Twitter về việc liệu người dùng có muốn bổ sung thêm nút chỉnh sửa cho bài đăng hay không. Một ngày sau, Twitter thông báo tính năng chỉnh sửa sẽ được mạng xã hội này đưa vào thử nghiệm.
Ngoài những đề xuất về chính sách Twitter, Elon Musk còn đùa cợt về việc có nên biến trụ sở ở San Francisco của hãng thành nơi ở cho người vô gia cư hay không. “Bởi không có ai đến đây làm việc cả”, CEO Tesla viết.
Phát ngôn của Elon Musk thực chất để tạo dựng lòng tin. Ảnh: Dubai Week. |
Theo hồ sơ gửi lên (SEC) ngày 14/4, Elon Musk đã đề nghị mua lại toàn bộ Twitter với giá 54,20 USD/cổ phiếu, tương đương 43 tỷ USD. Theo đó, mức giá này cao hơn 54% so với giá cổ phiếu Twitter một ngày trước khi ông đầu tư. Sau khi đưa ra đề nghị này, Musk đã tích cực viết trên tài khoản Twitter của mình về một chiến dịch truyền thông xã hội để gây chấn động dư luận và nhằm mục đích ủng hộ giá mua lại của mình.
Tới ngày 16/4, Musk nhận xét rằng lợi ích kinh tế của hội đồng quản trị không phù hợp với các cổ đông. Trong khi đó, Twitter cũng thiết lập một kế hoạch về quyền cổ đông để có thể ngăn cản khả năng mua lại công ty của Musk.
Khi một người dùng hỏi Elon Musk liệu có đang bị ban lãnh đạo của Twitter gây khó khăn, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh cho biết kế hoạch này có thể giúp nhiều người quan tâm đến tham vọng của ông hơn.
“Elon Musk đã tích luỹ tổng cộng 9,2% cổ phần của Twitter vì ông ta có tiền và muốn dành một phần trong đó để gây náo loạn trên Twitter”, tác giả Matt Levine của Bloomberg nhận định.
CNBC nhận định các phát ngôn của Elon Musk thực chất là một chiêu trò tạo dựng lòng tin cho nhân viên và nhà đầu tư. Mục đích của hành động này là để tiếp thêm năng lượng cho những người ủng hộ ông. Thông thường, các đề nghị hay dịch vụ không được thực hiện đúng với thời gian Musk thông báo.