Trong dòng tweet ngày 7/3, CEO Tesla Elon Musk đã kêu gọi châu Âu tái kích hoạt việc sản xuất năng lượng hạt nhân để bù đắp tình trạng thiếu khí đốt. Vị tỷ phú này cho rằng châu Âu nên cho khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng trước đó, cũng như tăng cường sản lượng của các nhà máy đang hoạt động.
“Việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân không hoạt động và tăng cường sản lượng điện của những nhà máy hiện có là điều rất hiển nhiên. Nó rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và quốc tế”, Elon Musk viết trên Twitter. Hiện tại, bài đăng này đã thu hút hơn 36.000 lượt bình luận.
Elon Musk tuyên bố ủng hộ việc tăng cường điện hạt nhân ở châu Âu. |
Tuy nhiên, nhiều người dùng đã có phản ứng trái chiều trước ý kiến của CEO Tesla. “Cho đến khi một nhà máy gặp trục trặc và bị rò rỉ ở khắp nơi. Đó mới là nguy cơ thật sự”, Jim Osman, người sáng lập Edge Consulting Group bình luận.
Ngay lập tức, Elon Musk tuyên bố những khái niệm về rủi ro bức xạ là một sai lầm lớn và thách thức những người chỉ trích ông.
“Dành cho những người nghĩ đến nguy cơ phóng xạ, bạn hãy chọn nơi tồi tệ nhất. Tôi sẽ đi du lịch đến đó và ăn thực phẩm trồng tại địa phương như trên TV”, Musk thách thức trên Twitter. Bên cạnh đó, vị CEO này cũng nói thêm rằng ông từng đến thăm tỉnh Fukushima của Nhật Bản vài tháng sau sự cố hạt nhân vào năm 2011.
Lời kêu gọi của Musk về việc sản xuất nhiều năng lượng hạt nhân hơn ở châu Âu được đưa ra 2 ngày sau khi ông kêu gọi thúc đẩy tăng sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ. Ý kiến của Musk được cho là phản ứng với tuyên bố của Nga về việc ngưng cung cấp khí tự nhiên qua đường ống Yamal-Europe.
Theo Energy Intelligence, xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 1/3 sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù các biện pháp trừng phạt không nhắm mục tiêu cụ thể đến xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, nhưng nhiều khách hàng lớn không muốn dính líu đến Nga nhằm tránh rắc rối với Mỹ. Diễn biến này đã khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Trong lịch sử, thế giới đã chứng kiến 2 thảm họa hạt nhân lớn tại Chernobyl (Liên Xô, nay thuộc Ukraine) vào năm 1986 và tại Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011. Bức xạ từ các sự cố nhà máy điện hạt nhân đã khiến môi trường tại nơi đây phải mất nhiều năm để khôi phục. Bên cạnh đó, những người dân chịu ảnh hưởng từ các sự cố này liên tục gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Do đó, tuyên bố Elon Musk đã vấp phải rất nhiều sự chỉ trích của người dùng Twitter. Đa số đều lo lắng về các thảm họa hạt nhân có thể xảy ra và hậu quả của nó gây ra sẽ rất lớn.