Chiến thắng của tuyển Việt Nam trước Trung Quốc tại vòng loại World Cup có lẽ đã tới từ quyết định nhân sự bất đắc dĩ mang tên Phạm Tuấn Hải. Để rồi chính Tuấn Hải ấy mở ra con đường mới cho đội tuyển: con đường thay đổi và chiến thắng.
Hùng Dũng là chủ nhân của hai đường kiến tạo đồng thời là cầu thủ hay nhất trận đấu. Và trong cả hai bàn ấy, Dũng đều nhận bóng từ chân Tuấn Hải.
Chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc mang về cho tuyển Việt Nam điểm số đầu tiên tại vòng loại thứ ba World Cup đồng thời báo hiệu làn gió đổi thay mát lành. Ảnh: Việt Linh. |
Tuấn Hải - biểu tượng của đổi thay
Tiền đạo của CLB Hà Tĩnh vốn chỉ là phương án bất đắc dĩ trên hàng công tuyển Việt Nam. Anh có lần đầu đá chính trong trận gặp Australia nhờ Tiến Linh mắc Covid-19. Hải chơi tốt hơn kỳ vọng và tiếp tục ra sân ở trận gặp Trung Quốc. Lần này, anh thực sự tỏa sáng. Hai tình huống xâm nhập vùng cấm, hai lần chạm bóng nhạy cảm, hai cú nhả rất vừa tầm của Tuấn Hải cho Hùng Dũng đều mở ra những bàn thắng.
Những gì Tuấn Hải làm được chỉ sau 2 trận là điều không tiền đạo nào của tuyển Việt Nam từng có trước đó. Anh mạnh mẽ hơn Công Phượng, mềm mại hơn Tiến Linh và máu lửa không kém Hà Đức Chinh. Hai trận với hai vai trò khác nhau (đá cắm một mình trước Australia và đá cặp Tiến Linh trước Trung Quốc), Tuấn Hải đều làm rất tốt. Anh cho thấy khả năng kết nối ăn ý với những tiền vệ phía sau đồng thời vẫn giữ được sự quyết đoán cần có của một chân sút.
Điều đáng nói là những tố chất của Tuấn Hải phát lộ từ lâu tại V.League và được các nhà chuyên môn nhắc rất nhiều. Nhưng phải sau những ca mắc Covid-19 liên tiếp của Tiến Linh, Văn Toàn, Hải mới được trao cơ hội và ngay lập tức chứng minh năng lực.
Dấu ấn đậm nét của Tuấn Hải sau chỉ 2 trận cho thấy tuyển Việt Nam còn rất nhiều “đất” để phát triển, V.League vẫn có nhiều gương mặt đủ sức mang tới khác biệt cho thầy Park.
Tuấn Hải sinh năm 1998. Anh mới có 2 mùa V.League, chưa từng để lại dấu ấn ở cả U23 và tuyển quốc gia trong quá khứ. Cầu thủ này trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ của CLB Hà Nội và mới được gọi về đầu mùa 2022. Một cầu thủ với bản hồ sơ cá nhân như vậy sẽ không bao giờ có cơ hội ở tuyển Việt Nam cách đây hơn nửa năm. Nếu một tài năng có xuất phát điểm khiêm tốn như Tuấn Hải còn thăng tiến nhanh được vậy, còn bao nhiêu cái tên V.League nữa đang chờ HLV Park khai phá?
Tiền đạo sinh năm 1998 vì thế là biểu tượng cho những điều mới mẻ mà HLV Park cần có thêm ở tuyển Việt Nam, điều chính ông từng thừa nhận sau trận gặp Australia cách đây ít ngày.
Trước Trung Quốc tối mùng 1 Tết Nguyên đán, tuyển Việt Nam không chỉ có một Tuấn Hải. Hoàng Đức, Nguyên Mạnh, Thành Chung, Tấn Tài đều chỉ lấy suất đá chính trong khoảng nửa năm qua. Họ vốn không phải những cái tên xa lạ cả tại V.League lẫn đội tuyển. Nhưng sự ổn định tới cực đoan của đội bóng suốt những năm qua đã khiến họ vẫn phải đứng trong cánh gà. Ở đó, họ bao lần nhìn ra ánh sáng sân khấu, đã chờ đợi, hy vọng một cơ hội được làm kép chính. Và giờ cùng nhau, họ giúp tuyển Việt Nam tạo nên lịch sử.
Ông Park có lý do để tiếp tục làm mới đội tuyển sau trận thắng Trung Quốc. Ảnh: Việt Linh. |
Tìm ánh sáng từ những đổi thay
Nhu cầu đổi mới ở tuyển Việt Nam thực ra xuất hiện từ sau trận thua UAE tại vòng loại thứ hai World Cup hồi tháng 6. Sau các trận thua ở vòng loại thứ ba, nhu cầu ấy càng trở nên rõ ràng hơn. HLV Park Hang-seo không phải không nhận ra vấn đề của đội tuyển.
Tuyển Việt Nam cũng đã trao cơ hội cho một số tài năng mới cả tại vòng loại World Cup và AFF Cup. Nhưng hầu hết quyết định đó đều tới từ tổn thất nhân sự khách quan, nó không xuất phát từ sự chủ động của ban huấn luyện. Niềm tin của ông Park vào những con người mới là điều giới quan sát chưa thấy rõ. Ông có cơ hội để mạnh dạn hơn trong rất nhiều trận đấu và đều... bỏ qua nó. Điển hình tại AFF Cup 2020, tuyển Việt Nam gần như duy trì một đội hình dù có những trận, đối thủ chỉ là Lào và Campuchia.
HLV người Hàn có những lý do để thận trọng.
Niềm tin vào những con người cũ và áp lực thành tích quá lớn khiến ông Park không thể mạnh dạn. Một số thay đổi nhỏ lẻ nhưng thất bại như Văn Toản, Thanh Bình càng khiến ông phải thận trọng hơn. Giới chuyên môn đòi hỏi ông Park phải thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào mà vẫn giữ được thành tích thì không ai trả lời giúp ông.
Đáp án đó cuối cùng đã được nhìn thấy phần nào trong trận gặp Trung Quốc. Nguồn năng lượng tươi mới của Tuấn Hải, phong độ ấn tượng được duy trì liên tục bởi Tấn Tài cũng bước chân ngày càng chững chạc của Hoàng Đức mang tới sự động viên rất lớn với thầy Park.
Họ đều trưởng thành từ cái nôi V.League, tận dụng những cơ hội rất nhỏ nhoi ở đội tuyển để vươn lên và khẳng định được mình. Sự xuất hiện của một loạt nhân tố mới cho thấy thay đổi là đòi hỏi tất yếu và hợp thời của đội tuyển Việt Nam. 4 năm đã qua từ khi ông Park đến Việt Nam là khoảng thời gian khá dài cho một chu kỳ chiến thắng. Muốn kéo dài chu kỳ, đội tuyển cũng cần được làm mới. Đòi hỏi thay đổi giờ không còn là một lựa chọn mù quáng mà đã trở thành lựa chọn không thể tranh cãi. Quan trọng hơn, lựa chọn ấy mang tới chiến thắng.
Đường sáng đã hiện, vấn đề là ông Park có mạnh dạn bước tiếp hay không?
5 cái tên mới lấy suất đá chính ở tuyển Việt Nam
- Nguyên Mạnh được triệu tập bổ sung lên tuyển Việt Nam cuối năm ngoái. Cơ hội của anh trở nên rõ ràng hơn sau chấn thương của Văn Lâm. Anh bắt chính từ trận gặp Lào tại AFF Cup (11/2021) và khẳng định được vị trí từ đó tới nay.
- Thành Chung lên tuyển từ năm 2019 nhưng tới trận gặp Saudi Arabia tháng 9/2021, anh mới lần đầu đá chính.
- Tấn Tài lần đầu đá chính trước Oman hồi tháng 10/2021. Trước đó, anh không cạnh tranh được với Vũ Văn Thanh và Nguyễn Trọng Hoàng. Đối đầu Trung Quốc, Tấn Tài ghi bàn mở tỷ số cho tuyển Việt Nam.
- Hoàng Đức lần đầu đá chính trước Malaysia ở vòng loại World Cup tháng 6/2021 và ngay lập tức giành suất đá chính, Hoàng Đức có tên trong danh sách rút gọn 5 ứng viên Quả bóng vàng Việt Nam 2021.
- Tuấn Hải mới được lên tuyển từ cuối năm ngoái. Hai trận với Australia và Trung Quốc, anh đều đá chính. Hoàng Đức, Tuấn Hải cùng sinh năm 1998, trẻ nhất đội hình Việt Nam hiện tại.