Bình luận
Nó duy trì cho chúng ta vị thế để có thể đi đến trận “chung kết bảng” hứa hẹn nghẹt thở trước chủ nhà UAE, đội bóng nhì bảng nhưng được đánh giá cao hơn chúng ta rất nhiều.
Khi UAE có bàn thắng sớm và sau đó là chiến thắng chung cuộc trước Thái Lan, cuộc đua ngôi đầu bảng coi như đã gói lại chỉ còn 2 đội bóng là Việt Nam và UAE. Và đó cũng là áp lực đè nặng lên đoàn quân của Park Hang-seo.
Không kiếm được 3 điểm trước Indonesia, chính chúng ta cũng tự tước bỏ ưu thế cạnh tranh. Tuy nhiên, các cầu thủ áo đỏ đã làm được hơn cả kỳ vọng khi có chiến thắng trên cơ, trên chân và trên “phân” đối thủ.
Quang Hải, Văn Toàn có nhiều pha bóng đột biến trước Indonesia. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trên cơ
Ông Park Hang-seo có lẽ đã có một sở thích quen thuộc kể từ khi làm HLV trưởng ở Việt Nam. Đó là không chỉ làm người hâm mộ bất ngờ với cách tiếp cận trận đấu, mà còn khiến ngay cả các đối thủ của mình phải bất ngờ. Ông vẫn thường có cách lựa chọn đội hình xuất quân khiến dự đoán nhiều người hâm mộ bị sai lệch. Trước Indonesia, ông còn khiến cho chính người đồng hương của mình, HLV Shin Tae-yong, cũng phải bất ngờ hoàn toàn.
Mấy năm qua, đối thủ vẫn nhìn nhận Việt Nam của Park Hang-seo ưa chơi với đội hình khá thấp và phản công nhanh, nhờ vào kỹ thuật và tốc độ của tuyến trên. Thậm chí, có những trận gặp các đối thủ cùng khu vực, Việt Nam cũng lựa chọn một lối đá cẩn trọng như thế. Nhưng đêm Arab vừa rồi, Việt Nam của Park Hang-seo lại thận trọng theo một cách tiếp cận khác chứng tỏ sự khoa học và trên cơ của Park hang-seo so với người đồng hương.
Chọn sơ đồ 3-4-3 xuất quân, Park Hang-seo cho Việt Nam chơi với đội hình dâng cao ngay từ đầu và đẩy mọi tranh chấp ở ngay khu vực giữa sân. Chủ trương đó của ông tỏ ra đúng đắn và hiệu quả. Indonesia không thể tiếp cận khu vực 16,5 m của thủ môn Tấn Trường. Và khi Indonesia mất bóng ở giữa sân, Việt Nam tổ chức tấn công nhanh với các pha phối hợp ít chạm. Điều đó mang lại cho chúng ta 2 ưu thế: Duy trì áp lực cao đồng thời kiểm soát thế trận bằng phòng ngự chủ động ngay từ các khu vực gần cầu môn đối phương hơn là không gian của Bùi Tấn Trường.
Hiệu quả của việc tổ chức phòng ngự từ xa này nằm ở chỗ ông Park chỉ đạo các học trò di chuyển chiếm lĩnh không gian. Nhiều người đã lo ngại rằng với việc Quang Hải đá cặp với Tuấn Anh ở trung tâm hàng tiền vệ, tính tranh chấp của chúng ta không cao. Song, với Văn Thanh và đặc biệt là Hồng Duy (một trong những cầu thủ thầm lặng đá hay nhất trận này) thường xuyên di chuyển bó vào trung lộ ở khoảng không gian giữa sân, Tuấn Anh luôn có sự hỗ trợ về nhân lực mỗi khi Quang Hải nhô lên nắm vai trò kiến thiết.
Cách Văn Thanh và Hồng Duy bám biên khi Văn Đức và Văn Toàn cắt vào trong khi tấn công hoặc họ cắt vào trong khi 2 đối tác kia chiếm lĩnh không gian ở cánh là một dạng phối hợp bài bản và nhịp nhàng. Nếu đánh giá đúng mực, chúng ta phải nói rằng 2 biên của Việt Nam đã chơi quá tốt trước Indonesia và thường xuyên tạo ra được áp lực lớn khiến đối thủ không thể triển khai bóng. Shin Tae-yong có lẽ không lường được ông Park đã có những điều tiết hay đến thế và gần như ông ta phải bó tay hoàn toàn trước người đồng hương của mình.
Một điểm rất sáng và đáng nói nữa của ông Park Hang-seo chính là việc ông yêu cầu tuyển Việt Nam phải kiểm soát hoàn toàn không gian bóng "2". Các cú dứt điểm sau các pha phạt góc của Tuấn Anh và Xuân Trường cho thấy ông Park đánh giá cao cơ hội đến từ việc bao quát hết khu vực không gian bóng "2" như thế nào. Và như đã nói ở trên, tùy tình huống, chúng ta luôn thấy hoặc Văn Thanh, hoặc Hồng Duy, kết hợp với Tiến Dũng và Duy Mạnh rất tốt trong việc tạo ra “hệ vệ tinh” để Tuấn Anh hoặc Xuân Trường trở thành ông chủ bóng "2”.
Và khi sang hiệp 2, sự thay đổi của ông Park lại càng làm cho ông Shin Tae-yong không có phương án kịp thời để chống đỡ. Rút Văn Toàn ra sân và đưa Công Phượng vào sân, Việt Nam thực tế đã không chơi 3-4-3 nữa mà chơi 3-4-2-1 thì đúng hơn, với Văn Đức, Công Phượng (hoán đổi vị trí với Quang Hải khi cần) chơi sau lưng Tiến Linh. Và cái 3-4-2-1 này càng hoàn thiện hơn khi Hoàng Đức vào thay Văn Đức.
Tuyển Việt Nam dày hơn ở tuyến giữa, đặc biệt vùng giao tuyến giữa hàng thủ và hàng tiền vệ Indonesia. Nhưng sự dày hơn ở tuyến giữa ấy lại vẫn đảm bảo chất lượng của tấn công khi bản thân Quang Hải, Công Phượng và Hoàng Đức đều là những cầu thủ có khả năng dứt điểm cực tốt.
Và càng về cuối trận, khi rút Tiến Linh ra sân để Công Phượng là một tiền đạo, ông Park chứng minh ông thực sự rất giỏi điều tiết thế trận. Việt Nam gần như chơi 5-4-1 với hàng thủ đông đủ quân số và một hàng tiền vệ dày đặc tạo được các khối giúp việc pressing hiệu quả hơn nhiều. Rõ ràng, chỉ với các thay đổi ấy thôi, ông Park đã thắng ông Shin một cách tâm phục khẩu phục.
Nói một HLV giỏi hơn một đồng nghiệp cần cả quá trình để so sánh. Nhưng nói ông Park trên cơ ông Shin trong trận đấu đêm 7/6 thì cũng không ngoa chút nào. Ông Park có thể bị người Hàn Quốc đánh giá không cao bằng ông Shin trong cả quá trình sự nghiệp cho tới nay nhưng nếu chỉ nhận định trong một cuộc đối đầu đêm Arab, rõ ràng ông Shin “không có cửa”.
Tiến Linh có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào lối chơi chung của tuyển Việt Nam. Ảnh: Y Kiện. |
Trên chân
Để HLV có thể chiến thắng một đồng nghiệp trong một cuộc chiến, cầu thủ trong tay ông ta phải có chất lượng hơn. Và nói thẳng, cầu thủ Việt Nam trên chân đối thủ Indonesia thực sự.
Kỹ thuật cá nhân: Chúng ta hơn. Ý thức chiến thuật: Chúng ta hơn. Sức bền và cách điều phối sức: Chúng ta cũng hơn. Phối hợp nhóm: Chúng ta hơn. Bản lĩnh và kinh nghiệm: Chúng ta hơn. Chừng ấy cái hơn chính là thứ tạo nên đôi cánh mạnh mẽ để ông Park bay cao hơn đồng nghiệp ở trận đấu vừa rồi.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng thế này. Nếu không có một cầu thủ như Tiến Linh thôi mà thay vào đó, Tiến Linh mang quốc tịch Indonesia thì đêm 7/6 sẽ ra sao? Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng sẽ vất vả đấy. Nhìn cách Tiến Linh di chuyển để kéo giãn hàng thủ đối phương cho Văn Toàn và Văn Đức xâm nhập vòng cấm, chúng ta mới thấy vai trò của anh quan trọng đến mức nào trong việc đóng góp vào lối chơi chung.
Tiến Linh là trung phong tốt nhất của Việt Nam ở thế hệ này. Lối chơi của anh hiện đại, tốc độ, đầu óc và quyết đoán. Dù bàn mở tỷ số của Linh có là pha bóng chạm tay đi nữa, nó cũng không thể xóa đi được ưu điểm rất lớn của anh: Khả năng chớp thời cơ rất nhanh nhạy. Nếu chúng ta không có Tiến Linh và Indonesia có một người như thế, liệu tỷ số có “đẹp như mơ”?
Tất nhiên, nếu hay giả sử đều chỉ viển vông hết. Hàng công Indonesia có mạnh như của Việt Nam đi nữa, thì khả năng chiến thắng của chúng ta vẫn có bởi một lẽ đơn giản. Hàng thủ Việt Nam chơi quá tốt, cả ở vai trò cá nhân lẫn hệ thống. Lực lượng dự bị và lực lượng chính thức của Việt Nam cũng không có chênh lệch nhiều, gần như là quá đồng đều. Đó mới là điểm giúp chúng ta chơi trên chân họ và nó cũng là điểm mà những người như ông Shin phải “ước gì có được”.
Nhìn vào tất cả các vị trí trên sân của tuyển Việt Nam đêm 7/6, không ai có thể chỉ ra được đâu là cầu thủ chơi kém nhất, yếu nhất. Và chỉ ra cầu thủ chơi hay nhất cũng quá khó. Tuấn Anh có thể là người xuất sắc nếu anh chơi đủ 90 phút. Xuân Trường cũng có thể xuất sắc nếu anh vào sân từ đầu. Quang Hải thì miễn bàn. Cú găm bóng vào góc trái của thủ thành Nadeo (góc phải theo hướng tấn công của Việt Nam) là thứ chỉ có những cầu thủ đẳng cấp mới có thể làm được mà thôi.
Hai mũi nhọn mà chúng ta cần khen ngợi chính là Văn Toàn và Văn Đức, đặc biệt là Văn Toàn. Cái cách anh thoát xuống nách một cách thường xuyên cho thấy trình độ của Toàn là như thế nào. Hàng thủ Indonesia ở khu vực Văn Toàn hoạt động toàn những cầu thủ mạnh mẽ, có thể hình cao lớn (Arif của Indonesia cao 1,83 m), nhưng Toàn khiến họ có một đêm vất vả thực sự.
Bóng vào chân Toàn, hoặc là anh có thể dứt điểm, hoặc là anh có thể kiếm về một pha phạt góc. Rất ít khi Toàn không mang lại được lợi thế gì cho tuyển Việt Nam khi mà các động tác của anh luôn luôn hàm chứa những ý tưởng rất cụ thể, hiệu quả và được thực hiện nhanh và khéo.
Người đã khiến nhiều tranh luận lớn nổ ra trước trận cầu là Bùi Tấn Trường chơi thế nào? Khi mà Indonesia không có mấy cơ hội để thử sức, thực sự khó đánh giá Tấn Trường. Nhưng Trường đã phát huy được một thế mạnh của anh mà nhiều thủ môn khác của Việt Nam không thể sánh bằng. Đó chính là khả năng chơi chân.
Nếu xem lại các pha xử lý bằng chân của Trường chúng ta sẽ hiểu. Nó đơn giản nhưng hiệu quả bởi người nhận bóng của Trường luôn ở vị trí có nhiều hướng mở bóng, nó an toàn nhưng không chỉ là một giải pháp giải toả đơn thuần. Rõ ràng, kinh nghiệm của Trường được phát huy mạnh mẽ hơn khi được chơi xung quanh lứa đàn em tài năng như thế.
Để đối phó với chiến lược đá rắn của Indonesia, tuyển Việt Nam có cả bản lĩnh. Ảnh: Quang Thịnh. |
Và "trên phân”
Khi chúng ta trên cơ, trên chân, chúng ta có thể chơi thứ bóng đá hiệu quả. Nhưng để chơi được một trận đẹp mắt như vừa rồi, các cầu thủ Việt Nam còn “trên phân” cả đối thủ.
Lối đá có phần bạo lực của Indonesia, mà cụ thể nhất là cú phi gầm giày vào cổ chân Tuấn Anh, đã khiến nhiều người hâm mộ Việt Nam đánh giá “Indonesia đang đánh võ”, nhưng đó cũng không phải là võ thuật. Trong võ thuật có đạo. Cái đạo của võ thuật là không đánh kẻ không hề có ý đồ xấu hoặc có ý tấn công mình.
Họ chủ trương đá rát để chúng ta không phối hợp được, không dám phô diễn kỹ thuật cá nhân bởi lẽ họ đánh giá chúng ta cao hơn. Nhưng để đối phó với chiến lược ấy của họ, chúng ta đã có một thứ rất cần thiết: Bản lĩnh và sự "trên phân".
Khi vẫn đang hòa 0-0 và UAE đã ghi bàn vào lưới Thái Lan, Việt Nam chơi bóng dưới áp lực quá lớn. Nếu mất bình tĩnh, có thể chúng ta sẽ không chiến thắng. Vậy mà dưới áp lực lớn như thế, lại bị đối thủ liên tục chơi tiểu xảo, đá ác ý, các cầu thủ Việt Nam không hề có một pha trả đũa nào. Đây mới là điều đáng nói. Cái đầu lạnh mới là cái đầu của ông chủ.
Ông chủ tất nhiên trên phân kẻ dưới tay mình. Tuyển Việt Nam là ông chủ cuộc chơi vì không chỉ có 11 cái đầu lạnh mà tất cả đều giữ cái đầu lạnh. Ngay cả người nổi tiếng vì sẵn sàng nộ khí xung thiên để bảo vệ học trò như ông Park cũng giữ được sự lạnh lùng ấy. Đơn giản, ông biết Việt Nam phải thắng và sẽ thắng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta trả đũa? Nó không chỉ khiến chúng ta khó có bàn thắng hơn mà hơn thế, nó hoàn toàn có thể khiến ta dính thẻ. Nếu dính thẻ phạt và các cầu thủ quan trọng, ví như Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tuấn Anh… phải nghỉ thi đấu ở một trong 2 trận sau thì sao? Thì chiến thắng trước Indonesia đã phải bắt chúng ta trả cái giá quá đắt.
Đẳng cấp của tuyển Việt Nam vượt ra ngoài khuôn khổ trên sân cỏ. Ảnh: Quang Thịnh. |
Thực sự, tuyển Việt Nam đã chơi rất bề trên trước đối thủ đá xấu với mình. Các bạn vào bóng như triệt hạ ư? Chúng tôi sẽ nói chuyện với trọng tài. Các bạn càng thích đổ thêm dầu vào lửa ư? Chúng tôi sẽ cho các bạn thêm nhiều dầu nữa bằng cách kiểm soát bóng nhiều hơn, phối hợp một chạm nhanh hơn, chính xác hơn. May mà Indonesia không mất bình tĩnh đến mức mất kiểm soát và cũng may là trọng tài không quá khắc nghiệt. Nếu không, có thể họ sẽ chỉ còn chơi với 9 người trên sân mà thôi.
Là người Việt Nam, ai chẳng mơ đến chuyện đội tuyển được dự World Cup. Nhưng để có vé dự World Cup bằng mọi giá, kể cả chơi xấu xí, sẽ có không ít người Việt Nam phản đối. Đường đến World Cup của chúng ta còn xa vời lắm, thậm chí có khi những người ở tuổi 50 lúc này chưa chắc được chứng kiến Việt Nam đến World Cup trong quãng đời còn lại của mình. Nhưng họ vẫn sẽ giữ mãi sự tự hào, thậm chí tự kiêu chút cũng được, khi đội tuyển của mình chơi đẹp mắt, chơi lịch lãm, chơi fair-play.
Trận thắng Indonesia là một trong những trận mà tuyển Việt Nam chơi đẹp nhất trong mấy thập niên qua. Các cầu thủ ấy đã chứng tỏ “sân bóng không phải đấu trường võ thuật và nếu các bạn có biến nó thành đấu trường, chúng tôi cũng vượt qua nó một cách bình thường”.
Sẽ không có gì chống lại cái xấu hiệu quả bằng mang lại cái đẹp. Chúng ta không thể làm cả khu phố đẹp lên bằng việc đi chê bai từng nhà một rằng “cái nhà của ông/bà xấu quá”. Nhưng nếu ta xây nhà của mình thật đẹp, hãy tin đi, năm này qua năm khác, người ta sẽ bắt chước để xây ngôi nhà giống mình. Đến một ngày, khu phố ấy sẽ khác.
Khi một người luôn mang ác ý cứ nhắm vào một người khác và thứ đáp trả họ là sự tảng lờ, đồng thời nạn nhân luôn mang lại được cái hay, cái đẹp, cái chân thực thì kẻ xấu sẽ chỉ càng tự dày vò mình bằng nỗi ám ảnh thất bại mà thôi. Tuyển Việt Nam đã trưởng thành thực sự từ một cách đối diện cuộc chơi như thế và mong sao, họ duy trì được nó để trở thành một bản sắc.
Chính bản sắc ấy sẽ có thể thay đổi cả V.League. Đơn giản, khi người hâm mộ ca ngợi vẻ đẹp, và coi đó là thứ để họ tôn thờ, các đội bóng ở V.League sẽ phải chạy theo người hâm mộ, đối tượng họ cần chiều chuộng.
Trên cơ, trên chân và trên phân, tuyển Việt Nam đã chơi như thế. Và bạn, và tôi, và chúng ta, có còn đòi hỏi thêm gì ở họ nữa được hay không?