Những chấn thương và các ca mắc Covid-19 đã khiến tuyển Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng nhân sự nặng nề. Trước Oman, tuyển Việt Nam mất đi một nửa đội hình chính, trong đó hàng thủ chịu tổn thất nặng nhất.
Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng, Đặng Văn Lâm và Nguyễn Trọng Hoàng, bộ khung quen thuộc ở hàng thủ từng giúp tuyển Việt Nam gặt hái nhiều thành công ngày nào giờ không còn ai. Văn Hậu, Văn Lâm chưa trở lại sau chấn thương, Đình Trọng xuống phong độ, Tiến Dũng, Duy Mạnh chưa bình phục còn Trọng Hoàng có nguy cơ nghỉ dài hạn.
Duy Mạnh, cầu thủ đá nhiều nhất trong hệ thống phòng ngự tuyển Việt Nam, chưa hẹn ngày trở lại sau chấn thương. Ảnh: Y Kiện. |
Phía trên họ, Nguyễn Hoàng Đức, Lương Xuân Trường, Nguyễn Hải Huy, Phạm Đức Huy đều mắc Covid-19.
Đó đều là những cái tên quan trọng trong việc định hình lối chơi của tuyển Việt Nam suốt thời gian dài. Trong nhóm 5 hậu vệ, Duy Mạnh, Trọng Hoàng, Tiến Dũng đã đá chính trên dưới 20 trận cho tuyển Việt Nam ở các chiến dịch từ AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 tới vòng loại World Cup 2022. Duy Mạnh xuất hiện nhiều nhất (29 trận) ở mọi đấu trường.
Việc mất đi những cầu thủ phòng ngự quan trọng nhất khiến tuyển Việt Nam yếu đi trông thấy trước 2 loạt trận cuối vòng loại thứ ba World Cup 2022. Oman và Nhật Bản đều là những đối thủ được đánh giá cao hơn và đều thắng tuyển Việt Nam ở lượt đi, cơ hội để giành điểm trước những đối thủ này ở lượt về là không nhiều.
Tuyển Việt Nam không còn nhiều lựa chọn chất lượng ở hàng thủ khi chỉ còn Quế Ngọc Hải, Nguyễn Thành Chung là đủ tin cậy. Trong bộ ba trung vệ, HLV Park rất có thể sẽ trình làng gương mặt mới cho vị trí còn lại. Đó có thể là Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Đào Văn Nam hoặc Adriano Schmidt. Đương nhiên, không ai trong số họ đủ tầm đứng cạnh những người cũ.
Khủng hoảng hàng thủ mang đến cơ hội cho nhóm tân binh. Ảnh: Minh Chiến. |
Thực tế chứng minh qua 8 trận vòng loại World Cup 2022, tuyển Việt Nam chưa tìm ra ai tốt hơn Văn Hậu, Trọng Hoàng ở hai cánh. HLV Park đã thử nghiệm hết Văn Thanh, Hồng Duy hay Tấn Tài cho hai vị trí này và họ đều đã bộc lộ ưu điểm và cả những hạn chế. Tương tự như vậy, Thanh Bình hay Việt Anh đều cho thấy những non nớt khi được lắp vào vị trí trung vệ.
So với Việt Nam, Oman cũng chịu vài tổn thất về nhân sự do chấn thương hoặc mắc Covid-19, trong đó có trung phong Issam Al Sabhi, người ghi bàn gỡ hòa 1-1 trước tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, tuyển Oman vẫn rất mạnh khi có gần đủ trụ cột ở 3 tuyến gồm thủ môn kỳ cựu Faiyz Al Rashidi, trung vệ Ahmed Al Khamisi, các tiền vệ Harib Al Saadi, Salaah Al-Yahyaei và tiền đạo KhalidAl-Hajri. Trong đó, Salaah Al-Yahyaei là người ấn định thắng lợi 3-1 cho tuyển Oman trước Việt Nam.
Trên hàng công, tuyển Oman còn có 2 nhân vật đáng chú ý. Người thứ nhất là Abdullah Fawaz Abdulghafur, cầu thủ vừa lập cú đúp trong trận hòa 2-2 của Oman trước Australia và là người ghi bàn nhiều nhất cho Oman ở vòng loại này (4 bàn). Người còn lại là Arshad Al Alawi, cầu thủ đắt giá nhất tuyển Oman (450.000 euro, theo Transfermarkt).
Sau 4 trận gần nhất, Oman giành 2 điểm trước Trung Quốc và Australia, chỉ chịu thua Nhật Bản và Saudi Arabia với tỷ số tối thiểu. Đội bóng Tây Á không còn cơ hội cạnh tranh vé đi play-off World Cup. Nhưng so với 2 đội cuối bảng Trung Quốc và Việt Nam, họ vẫn ở cửa trên.
Không chỉ vượt trội về đội hình, tuyển Oman còn hơn hẳn Việt Nam về sự tinh quái. 3 bàn thua ở trận lượt đi là minh chứng cho điều đó với 1 bàn từ chấm phạt góc, 1 bàn từ chấm phạt đền trước hàng thủ có đủ Duy Mạnh, Ngọc Hải lẫn Tiến Dũng.
90 phút với Oman vì thế sẽ không hề dễ dàng cho tuyển Việt Nam.