Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyển Việt Nam có gì sau 5 thất bại?

Đổi lại nhận thức về độ khốc liệt của vòng loại thứ ba, tuyển Việt Nam phải trả học phí bằng 5 thất bại. Giờ là lúc chúng ta cho thấy sự tiến bộ xứng đáng với cái giá đắt ấy.

Khép lại lượt đi với 0 điểm sau 5 trận, tuyển Việt Nam thực tế không còn cơ hội nữa. Khi thành bại đã quá rõ ràng, vấn đề không còn là bao nhiêu điểm.

Vấn đề là tuyển Việt Nam nhận thức được những thiếu sót nào và sẽ cải thiện chúng ra sao trong nửa chặng đường còn lại .

Tuyen Viet Nam Saudi Arabia Vong loai World Cup anh 1

Thất bại trước Nhật Bản khép lại 5 trận toàn thua của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: Việt Linh.

Những hạn chế

Lý do nào khiến chúng ta thất vọng đến vậy vì những thất bại của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup?

Chúng ta thất vọng chính bởi đã kỳ vọng quá nhiều. Tâm lý kỳ vọng là điều hiển hiện rõ ràng cả trong nội bộ tuyển Việt Nam lẫn người hâm mộ trước thềm vòng loại thứ ba World Cup. Chúng ta tin 2 suất đầu bảng khó nhằn, nhưng cạnh tranh cho vị trí thứ ba là điều tuyển Việt Nam có thể hướng đến. Chính vì tâm lý đó, chúng ta đã luôn vào trận với mong muốn giành điểm.

5 thất bại liên tiếp chứng minh kỳ vọng ấy hoàn toàn là sai lầm. Và nó xuất phát từ đánh giá chưa chính xác của ban huấn luyện tuyển Việt Nam về sức mạnh của các đối thủ.

Vì chúng ta đánh giá sai nên mới nghĩ có thể giành điểm, vì đánh giá sai nên mới ngạc nhiên khi chưa thể giành 1 điểm. Vì đánh giá sai, nên chúng ta không lường được sức mạnh của đối thủ, chưa tìm được giải pháp tiếp cận trận đấu phù hợp, chưa cân bằng được trong tấn công và phòng ngự.

Hạn chế trong việc nghiên cứu đối thủ của tuyển Việt Nam còn được thể hiện rõ ở các chi tiết. Nhiều lần tại vòng loại, đội tuyển của ông Park đã bị tấn công triệt để vào các điểm yếu. Trước Australia, tuyển Việt Nam biết đối thủ mạnh về bóng bổng nhưng vẫn không thể cản được quả tạt dẫn tới bàn thắng.

Trước Oman, sự non nớt về kinh nghiệm của Văn Toản bị khai thác triệt để bằng quả phạt góc vào thẳng vị trí thủ môn. Trước Trung Quốc, tuyển Việt Nam thua 3 bàn gần giống nhau bởi khoảng trống phía sau các trung vệ.

Tuyển Việt Nam đã bị đối thủ phân tích rõ từng chân tơ kẽ tóc, hở điểm yếu nào là bị tận dụng triệt để. Nhiều bàn thua của tuyển Việt Nam mang tới nỗi tiếc nuối bởi đó đều là những tình huống hoặc ta đã mường tượng trước nhưng không có phương án hóa giải, hoặc ta mới lần đầu tiếp xúc tại sân chơi đẳng cấp cao này.

Các bàn thua của tuyển Việt Nam mang tới cảm giác trái ngược hoàn toàn với những bàn thắng. Những tình huống ăn bàn của Quang Hải, Tiến Linh đều rất đẹp, rõ ràng, bài bản và gần như không thể cản phá. Chiều ngược lại, bàn thua nào cũng làm chúng ta phải bật lên những tiếng “giá như”.

Việc đội tuyển liên tục bị khai thác vào các điểm yếu cho thấy khâu nghiên cứu đối thủ đang là vấn đề. Với các nền bóng đá tiên tiến, khâu nghiên cứu này thường diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Các đội bóng ở đẳng cấp World Cup có thể nắm được thói quen, cách phản ứng của từng cầu thủ cả chính thức và dự bị trong đội hình đối thủ. Khâu chuẩn bị này đòi hỏi sự chung tay của các HLV lẫn bộ phận băng hình, phân tích đối thủ. Ở trận gặp Nhật Bản mới đây, đội khách có nhóm 4 phân tích viên ghi hình, điền lại mọi chi tiết, thông số trận đấu ở khán đài A. Đó là điều tuyển Việt Nam chưa làm được và cần cải thiện nhiều.

Tuyen Viet Nam Saudi Arabia Vong loai World Cup anh 2

Trợ lý Lee Young-jin là nhân vật duy nhất ở tuyển Việt Nam từng trải nghiệm không khí vòng loại cuối châu Á trước đây. Ảnh: Minh Chiến.

Hạn chế thứ hai của tuyển Việt Nam là thiếu hụt kinh nghiệm.

Trong 6 đội tuyển tại bảng B vòng loại thứ ba World Cup châu Á, tuyển Việt Nam là đội duy nhất lần đầu góp mặt. Sự thiếu kinh nghiệm của các tuyển thủ được thể hiện rõ qua cách ứng xử với VAR, cách phản ứng với các “bài lạ” như phạt góc của Oman.

Ngoại trừ tình huống trọng tài từ chối bàn thắng của Nhật Bản, tuyển Việt Nam đã chịu bất lợi trong phần lớn các pha VAR trước đó. Cách các trọng tài làm việc, quy chuẩn của họ với các pha va chạm, các tình huống tranh chấp, tất cả đều khác biệt với V.League và là thứ tuyển thủ Việt Nam chưa từng trải qua.

Khi vòng loại World Cup càng trôi dần tới giai đoạn sau, khi danh sách chấn thương càng dài thêm, thì hạn chế kế tiếp của tuyển Việt Nam cũng được bộc lộ. Đó là sự thiếu hụt lực lượng bổ sung. Có cảm giác, sự thiếu vắng của bất kỳ trụ cột nào cũng sẽ khiến tuyển Việt Nam trả giá. Nguyễn Văn Toản, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Thanh Bình, những thay đổi bất đắc dĩ của ông Park, đều từng là tội đồ trong các bàn thua. Lỗi lầm của họ là bằng chứng cho khoảng trống lực lượng mênh mông ở các tuyến trẻ.

Ngược lại với tuyển Việt Nam vốn luôn cần đội hình mạnh nhất trong mọi trận đấu, các đối thủ đều sở hữu lực lượng đẳng cấp, có chiều sâu. 6 trong 11 bàn thua của tuyển Việt Nam được ghi bởi các ngôi sao đang hoặc từng chơi bóng tại châu Âu là ẩn dụ cho thấy khác biệt về lực lượng giữa tuyển Việt Nam và đối thủ. Chuyện đó từng diễn ra một lần tại Asian Cup 2019 khi 5 trong 7 bàn thua của đội tuyển cũng được thực hiện bởi những cầu thủ chơi ở châu Âu.

Đó là điều từng được HLV Philippe Troussier chia sẻ với Zing: “Với trải nghiệm thực chiến tại cấp độ đỉnh cao thua kém đồng nghiệp nước ngoài, cầu thủ Việt Nam có thể cần 5-7 tình huống dứt điểm mới ghi được một bàn, trong khi tỷ lệ này của đối thủ hiệu quả hơn, cứ 2 hoặc 3 cú sút là thành bàn. Trong những trận đấu ở cấp độ đỉnh cao và mang tính chất định đoạt, hiệu suất ấy là đủ để tạo ra khác biệt.

Tuyen Viet Nam Saudi Arabia Vong loai World Cup anh 3

Khoảng trống sau lưng các trung vệ Việt Nam bị tuyển Trung Quốc tận dụng triệt để bằng 3 bàn thắng, hai trong số đó của Wu Lei. Ảnh: IC Photo.

Đến lúc trả học phí cho những thất bại

Khi chưa thể rút ngắn khoảng cách về chuyên môn, tuyển Việt Nam cũng chưa có sự chuẩn bị lý tưởng về tinh thần.

Tuyên bố “chưa bao giờ thấy kiếm một điểm khó khăn đến vậy” của HLV Park Hang-seo cho thấy ông, cầu thủ, ban huấn luyện và cả người hâm mộ Việt Nam dường như không hề sẵn sàng cho các thất bại cỡ này. Bởi không chuẩn bị, sự thất vọng, chán chường, “mất tự tin” như ông Park thừa nhận là rất nặng nề.

Sự thiếu chuẩn bị về tinh thần của tuyển Việt Nam là điều dễ hiểu khi cả HLV Park Hang-seo cũng chưa từng dự vòng loại cuối World Cup (Hàn Quốc vào thẳng ở World Cup 2002 với tư cách chủ nhà). Trợ lý Lee Young-jin là người duy nhất từng trải nghiệm không khí vòng loại cuối. Và từng ấy là quá ít.

Để có được nhận thức rõ ràng về độ khốc liệt của vòng loại này, tuyển Việt Nam đã phải trải qua 5 thất bại liên tiếp, mức học phí rất đắt. Nhưng giờ là lúc, chúng ta phải cho thấy đó là mức học phí xứng đáng.

Vì có học hỏi mới có tiến bộ, và tiến bộ ở đây phải được thể hiện bằng những điểm số.

So với 11 đội dự vòng loại này, tuyển Việt Nam có lợi thế đặc biệt là thời gian tập trung dài. Đó vừa là phong cách quen thuộc của các đội tuyển Việt Nam, vừa là hệ quả từ việc V.League bị dừng lại.

Các HLV đội tuyển thường không có nhiều thời gian làm việc với học trò mà chỉ lắp ghép họ vào hệ thống được định hình sẵn. Nhưng lợi thế tập trung dài hạn giúp ông Park có thể tập luyện, lắp ghép các chiến thuật mới theo đúng ý mình, thậm chí chỉnh sửa căn bản kỹ thuật cho cầu thủ (như ông đang làm tại U23 Việt Nam).

Tuyen Viet Nam Saudi Arabia Vong loai World Cup anh 4

Đội hình dự kiến của tuyển Việt Nam trước Saudi Arabia. Đồ họa: Minh Phúc.

Trong quá khứ, lợi thế này từng giúp trình làng hệ thống 3 trung vệ ở đội tuyển Việt Nam, từng giúp ông Park biến Trọng Hoàng từ tiền vệ công thành hậu vệ cánh tài năng, giúp ông kéo Đức Huy từ biên về thành tiền vệ phòng ngự.

Tuyển Việt Nam đã thua 5 trận, nhưng 3 trong số đó là những kết quả sát nút. Người ta thường nói cách biệt một bàn là đẳng cấp, nhưng dù thế nào, đó vẫn là con số mong manh. HLV Herve Renard cũng thừa nhận điều đó và bảo Saudi Arabia cần tôn trọng Việt Nam vì đối thủ “chỉ thua một bàn trước Nhật Bản, Australia cùng Trung Quốc”.

5 thất bại vừa qua cũng đồng thời là 5 cơ hội để đội tuyển Việt Nam tiến bộ hơn. Gặp lại đối thủ Saudi Arabia, Quang Hải và đồng đội đã làm được gì tại lượt đi thì cần tiếp tục điều đó ở lượt về, chưa làm được gì thì phải cố gắng cải thiện và làm tốt hơn. Chừng nào tuyển Việt Nam còn cố gắng, chúng ta còn tiến bộ.

Họ đã nói gì trước trận?

- HLV Park Hang-seo (Việt Nam): “Khi Saudi Arabia để mất bóng, họ tạo áp lực ngay, huy động rất nhiều người để cướp lại bóng ngay tại chỗ. Nếu chúng ta thoát được khối vây ráp đó, tuyển Việt Nam có không gian và sẽ tấn công được đối thủ”.

- HLV Herve Renard (Saudi Arabia): “Chúng tôi rất tôn trọng đội tuyển Việt Nam. Họ chỉ thua một bàn trước Australia, Nhật Bản và Trung Quốc”.

Trận đấu giữa chủ nhà Việt Nam và tuyển Saudi Arabia ở lượt trận 6 bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ diễn ra lúc 19h ngày 16/11 trên sân Mỹ Đình.

Tuyển Saudi Arabia cười đùa thoải mái trước trận gặp Việt Nam Chiều 15/11, thầy trò huấn luyện viên Herve Renard đến sân Mỹ Đình từ sớm để tập làm quen trước trận lượt về vòng loại thứ ba World Cup 2022 với tuyển Việt Nam.
Tuyen Viet Nam Saudi Arabia Vong loai World Cup anh 5
Tuyen Viet Nam Saudi Arabia Vong loai World Cup anh 6

HLV Park: 'Tuyển Việt Nam yếu nhưng không thể phòng ngự mãi được'

Chiến lược gia người Hàn Quốc thừa nhận đội tuyển chưa chơi như mong muốn của ông đồng thời hy vọng thay đổi điều đó trước Saudi Arabia tại trận vòng loại World Cup tối 16/11.

HLV Saudi Arabia: 'Hãy quên những trận trước đi'

HLV Herve Renard dành sự tôn trọng cho đối thủ Việt Nam trước cuộc đối đầu giữa đôi bên tại Mỹ Đình tối 16/11.

Tuyển Việt Nam công bố danh sách 23 cầu thủ đấu Saudi Arabia

Ngoài những cầu thủ dính chấn thương như Đình Trọng, Minh Vương, các nhân tố chủ chốt của tuyển Việt Nam đều có mặt.

Thanh Hà

Bạn có thể quan tâm