Tuyển Đức bắt đầu chiến dịch UEFA Nations League 2020 với 2 điểm sau 2 trận gặp Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Như Toni Kroos thừa nhận, đây là kết quả "đặc biệt thất vọng".
Vấn đề lớn của tuyển Đức cũng lộ ra sau các kết quả này. Đó là hàng công cùn mòn khi trung phong Timo Werner vẫn chưa cho thấy sự sắc bén.
Werner gây thất vọng tràn trề trong trận hòa giữa Đức với Thụy Sĩ tại Nations League. Ảnh: Reuters. |
Trong nỗi nhớ Klose
Werner đã ghi bàn trong trận hòa 1-1 của Đức trước Tây Ban Nha ở lượt đấu đầu tiên. Đó là pha làm bàn thể hiện những tố chất đặc biệt của tiền đạo này khi anh vặn người vượt qua Torres, trước khi ra chân cực nhanh đưa bóng đi chìm đánh bại De Gea.
Trong khoảnh khắc ấy, người ta thấy hình bóng sát thủ vùng cấm ở Werner. Song kỳ vọng này nhanh chóng bị dập tắt khi chân sút sinh năm 1996 liên tục bỏ lỡ các cơ hội đối mặt với khung thành Tây Ban Nha.
Tới trận gặp Thụy Sĩ, mọi thứ càng trở nên tệ hơn khi Werner không tung ra cú sút trúng đích nào trong cả trận. Tuyển Đức ghi bàn nhờ pha sút bóng ngoài vùng cấm của tiền vệ Ilkay Guendogan.
Sự sắc bén của Klose vẫn là điều người Đức tìm kiếm ở những tiền đạo thời nay. Ảnh: Getty. |
Bất chấp việc ghi 34 bàn cho Leipzig ở mùa giải trước, Werner chưa bao giờ được coi là mẫu sát thủ vùng cấm sút bách phát bách trúng. Điểm mạnh nhất của tiền đạo này là tốc độ cùng khả năng khai thác khoảng trống.
Trong hệ thống của tuyển Đức lúc này và Leipzig trước kia, Werner được giao vai trò tiền đạo liên tục gây sức ép lên hàng phòng ngự đối phương bằng kỹ năng di chuyển linh hoạt giữa các tuyến. Chelsea chịu bỏ gần 60 triệu bảng chiêu mộ Werner cũng vì điều này.
Anh là mẫu tiền đạo hiện đại, còn trẻ và thích hợp với phong cách chiến thuật theo xu hướng đề cao di chuyển không bóng.
Song dù giải mã theo cách nào, người ta vẫn có quyền nghi ngờ Werner khi anh liên tục bỏ lỡ các cơ hội ngon ăn trong các tình huống đối mặt khung thành đối phương.
Sự cùn mòn của Werner càng khiến CĐV thêm nhớ Miroslav Klose. Huyền thoại của tuyển Đức chưa từng có mùa giải nào ghi 34 bàn như Werner, song mỗi khi có cơ hội trong vùng cấm, Klose hiếm khi khiến khán giả thất vọng.
Tuyển Đức nương tựa vào kỹ năng săn bàn đó của Klose trong 12 năm. Ngoại trừ giải đấu EURO 2004, Đức với Klose làm mũi nhọn chưa từng dừng bước trước vòng bán kết ở bất kỳ giải đấu lớn nào trong thời gian này.
Tại World Cup 2014, Klose ở tuổi 36 vẫn ghi 3 bàn giúp Đức vô địch, chính thức khép lại kỷ nguyên của mình tại "Die Mannschaft" từ đó tới giờ.
Tại EURO 2016, giải đấu lớn đầu tiên không có Klose, Đức dù ép sân Pháp ở bán kết, sút 11 lần về phía khung thành Hugo Lloris, nhưng không thể ghi bàn vì thiếu đi sự sắc bén. Tới World Cup 2018, mọi chuyện có lẽ không cần nhắc lại.
So sánh về kỹ năng chơi bóng đơn thuần, Klose khó có thể vượt Werner ở các kỹ năng bổ trợ như tốc độ, cách di chuyển hay có thể là cả chuyền bóng. Song chỉ tính ở kỹ năng dứt điểm, yếu tố quan trọng nhất của tiền đạo, chân sút sinh năm 1996 vẫn ở đẳng cấp thấp hơn nhiều so với Klose.
Vấn đề của bóng đá Đức
Bất chấp việc ĐT Đức bị loại khỏi World Cup 2018 từ vòng bảng, nền bóng đá nước này vẫn là hình mẫu ở khả năng đào tạo, phát triển và cả xuất khẩu nhân tài.
Ở vị trí nào, Đức cũng đang có những cái tên sáng giá bậc nhất. Họ vừa xuất khẩu thành công tiền vệ công Kai Havertz tới Chelsea với giá 72 triệu bảng. Leon Goretzka vụt sáng thành tiền vệ con thoi hay bậc nhất thế giới sau khi cùng Bayern vô địch Champions League.
Gnabry và Sane đều đang là những cầu thủ tấn công biên tốp đầu thế giới với tốc độ cùng sự bùng nổ. Ở hàng phòng ngự, người Đức có Sule, Kimmich, Gonsens, Tah.
Tuyển Đức có thể trông chờ Havert hay Werner ở những trận cầu cân não? Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, tiền đạo vẫn là nỗi nhức nhối quá lớn. Việc đào tạo quá tốt các kỹ năng căn bản cho các tiền đạo ở lò đào tạo khiến những nhân tố trẻ quên mất việc trui rèn các ngón đòn tạo ra khác biệt.
Các chân sút như Werner giỏi đều các kỹ năng, nhưng không nổi bật lên hẳn ở khía cạnh nào vì lẽ đó.
Vì sao Klose là chuyên gia không chiến hàng đầu lịch sử? Chắc chắn không phải vì anh suốt ngày tập bứt tốc, chuyền bóng và phối hợp cùng đồng đội. Chân sút sinh năm 1978 đã bỏ ra nhiều thời gian để tập luyện, rèn ngón đòn đánh đầu trên sân tập và trở thành người giỏi nhất.
Khoảng trống Klose bỏ lại đã ám ảnh tuyển Đức suốt hơn nửa thập niên. Việc không có chân sút sở hữu khả năng chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng theo cách đều đặn khiến Đức thường xuyên thất thế trong các trận đánh lớn.
Dàn hỏa lực ở biên của Die Mannschaft rất mạnh với Leroy Sane, Serge Gnabry hay chính Werner, song ở trong những cuộc chiến cân não, chỉ cú đá sắc lẹm từ tiền đạo cắm là có thể giải quyết trận đấu.
Điều này Đức lại không có, và chừng nào họ chưa giải quyết được, "Die Mannschaft" vẫn sẽ đứng trong cái bóng của đội hình vô địch World Cup 2014, dù lứa cầu thủ hiện tại có tài năng đến mức nào.