Theo Nikkei, bức tượng tên Ika Kingu, hay Vua Mực (Squid King), dài 13 m, cao 4 m, được đặt ngoài một trung tâm du lịch ở thị trấn Noto - thuộc tỉnh Ishikawa, cách Tokyo 300 km về phía tây bắc.
Ban đầu, bức tượng này trở thành đề tài tranh luận trên nhiều phương tiện truyền thông khi thị trấn này đã dùng tiền từ gói hỗ trợ Covid-19 để xây tượng, với chi phí 26,95 triệu yen.
Dưới áp lực từ giới lập pháp địa phương, thị trấn Noto đã thuê một chuyên gia tư vấn để tính toán tác động kinh tế của bức tượng Vua Mực.
Nhiều du khách đến thị trấn Noto để xem tượng Vua Mực. Ảnh: Nikkei. |
Việc xây dựng những điểm tham quan ở ven đường là điều thường thấy tại các vùng ngoại thành ở Nhật Bản nhằm hút khách du lịch.
Theo chuyên gia tư vấn Toshiro Shirao, bức tượng này đã mang lại lợi ích kinh tế 640 triệu yen (4,58 triệu USD) cho tỉnh Ishikawa, gấp 22 lần chi phí xây dựng.
Ông Shirao cho biết mình dựa trên những báo cáo bao gồm khảo sát khách du lịch và hồ sơ doanh số từ trung tâm du lịch Ika No Eki Tsukumall.
Theo đó, khoảng 165.000 người đã đến Tsukumall trong 16 tháng qua, trong đó 45% du khách nói rằng lý do chính để đến đây là xem tượng Vua Mực.
Ông Shirao cũng phân tích tham chiếu về Vua Mực trên mạng xã hội. Dù ban đầu bức tượng bị chỉ trích nặng nề, các bài viết tích cực đã chiếm đa số vào tháng 5 và tháng 6.
"Cư dân địa phương yêu thích nó, và bức tượng đã tạo ra đủ lợi nhuận cho một dự án công cộng", ông Shirao nói. Ông ước tính Vua Mực có thể mang lại doanh thu hơn 2 tỷ yen trong 5 năm nếu thu hút một lượng khách tương tự thời điểm hiện tại.
Lượng du khách đổ về Noto cũng khiến Tsukumall bán được 15 triệu yen tiền thực phẩm và các vật dụng khác trong tuần lễ vàng hồi tháng 4 và tháng 5. Ngành thủy sản địa phương cũng tăng trưởng khi nhu cầu tiêu thụ mực tăng cao.