Mùa hè 2022 tràn ngập những câu chuyện về rủi ro khi du lịch, tình trạng quá tải tại các sân bay và những đợt nắng nóng đe dọa tính mạng ở châu Âu.
Tuy nhiên, ở châu Á, dù tình trạng hủy chuyến hay thất lạc hành lý xảy ra ít hơn, khách du lịch vẫn còn chần chừ.
Điều đó đặc biệt nổi bật ở Nhật Bản. Xứ sở hoa anh đào vừa có sự trở lại đầy phô trương vào ngày 10/6, đúng vào mùa du lịch cao điểm. Theo đó, Nhật Bản sẽ cấp phép nhập cảnh cho du khách đến từ 98 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách có tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 thấp, theo CNN.
Hiện nay, Nhật Bản đang đối mặt đợt bùng dịch Covid-19 thứ bảy, với số ca mắc vượt mức 200.000 trong ngày thứ tư liên tiếp, tính đến 30/7. Tuy nhiên, chính phủ trung ương cho biết họ sẽ không hạn chế các hoạt động của người dân hoặc doanh nghiệp. Thay vào đó, chính phủ cho phép các thống đốc tỉnh áp dụng biện pháp chống dịch dựa trên tình hình địa phương, theo Japan Times.
Song từ ngày 10/6 đến 10/7, đất nước này chỉ đón khoảng 1.500 khách du lịch giải trí, theo dữ liệu từ Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản. Con số này giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch.
Vậy điều gì tạo ra sự chênh lệch này? Và tại sao du khách không muốn quay trở lại nơi từng là một điểm đến nổi tiếng trong lịch sử?
Chính sách "bán mở cửa"
Mặc dù Nhật Bản đã mở cửa trở lại, quốc gia này hiện chỉ cho phép khách du lịch giải trí đi theo nhóm có tổ chức chứ không phải cá nhân.
Đối với nhiều du khách phương Tây yêu thích những chuyến du lịch tự phát và không muốn tuân theo hành trình nghiêm ngặt, đó là yếu tố then chốt.
Đền Motonosumi-inari là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Yamaguchi, Nhật Bản. Ảnh: CNN. |
“Chúng tôi không cần người trông chừng", Melissa Musiker, chuyên gia quan hệ công chúng ở New York, từng thường xuyên đến Nhật Bản, chia sẻ.
Musiker và chồng đã đến Tokyo "khoảng 6 lần". Cặp đôi cũng lên kế hoạch trở lại thành phố này vào năm 2022, khi nghe tin biên giới được mở lại, nhưng họ đã thất vọng vì các hạn chế và quyết định từ bỏ.
Thay vào đó, họ đang lựa chọn Hàn Quốc là điểm đến mới để nghỉ dưỡng.
"Chúng tôi không muốn cách ly. Đó là một vấn đề rất lớn. Chúng tôi chỉ dạo chơi, thư giãn, mua sắm và ăn những món sushi đắt tiền", Musiker nói.
Chính sách bán mở cửa của Nhật Bản không chỉ áp dụng cho việc cấp thị thực. Đất nước này vẫn có quy định đeo khẩu trang ở nhiều khu vực. Trong khi đó, yêu cầu cách ly càng khiến các tour du lịch theo nhóm đắt đỏ hơn.
Katie Tam, đồng sáng lập nền tảng Arry giúp du khách đến Nhật Bản đặt chỗ tại một số nhà hàng nổi tiếng nhất ở Tokyo, cho biết trước đại dịch, nhiều người dùng của Arry là du khách châu Á - từ Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Singapore - đến thăm Nhật Bản nhiều lần trong năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, công ty đã phải tạm ngừng hoạt động.
"Chúng tôi không biết rằng sẽ mất nhiều thời gian như vậy. Mọi thứ chắc chắn rất khó khăn”, cô nói về khoảng thời gian phục hồi sau đại dịch.
Katie Tam cho biết một số du khách đang liên lạc lại với Arry về việc đặt phòng nhưng đều là những người xin thị thực đi công tác. Đây là cách duy nhất để những người không phải công dân Nhật Bản đến đất nước này với tư cách cá nhân.
Tuy nhiên, các du khách quốc tế cũng nhận được một tín hiệu đáng mừng: Bất chấp thách thức, nhiều nhà hàng ngon nhất ở Nhật Bản vẫn hoạt động trong bối cảnh đại dịch.
“Rất nhiều nhà hàng mà chúng tôi hợp tác có lượng khách chính là người dân địa phương”, cô nói. Nếu nhìn nhận tích cực, điều đó có nghĩa những địa điểm nổi tiếng này luôn hoạt động bất cứ khi nào khách du lịch nước ngoài có thể đến.
Theo Cục quản lý xuất nhập cảnh, Thái Lan và Hàn Quốc là hai nước có số lượng khách du lịch đến Nhật Bản cao nhất, nhưng con số cũng chỉ ở mức 400 người/quốc gia kể từ tháng 6. Trong khi đó, chỉ có 150 du khách đến từ Mỹ.
Ảnh hưởng từ Trung Quốc
Năm 2019, thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của Nhật Bản là nước láng giềng Trung Quốc, với 9,25 triệu lượt người.
Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc gần như vẫn bị phong tỏa với phần còn lại của thế giới. Quốc gia này tiếp tục áp dụng các quy trình kiểm soát dịch nghiêm ngặt đối với người dân cũng như người nước ngoài, khiến ngành du lịch rơi vào bế tắc.
Thành Himeji ở tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Ảnh: CNN. |
Nhật Bản không phải quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng đáng kể từ việc thiếu du khách Trung Quốc. Các điểm đến phổ biến đối với người Trung Quốc, bao gồm Australia, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc, đều bị giảm doanh thu.
Hiroyuki Ami, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Tokyo Skytree, nói rằng dù mở cửa từ 10/6, phải đến ngày 27/6, địa điểm này mới đón nhóm khách du lịch quốc tế đầu tiên, gồm những người đến từ Hong Kong.
Hong Kong có những hạn chế nghiêm ngặt bao gồm cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với những cư dân trở về từ nước ngoài. Song khách du lịch từ Hong Kong vẫn dễ dàng đến các nước khác hơn so với từ Trung Quốc đại lục.
"Trước đại dịch Covid-19, số lượng (khách nước ngoài) lớn nhất đến từ Trung Quốc, nhưng gần đây tôi không còn thấy họ", ông Ami nói và xác nhận hầu hết khách đến Skytree trong 6 tuần qua là cư dân địa phương đi du lịch trong kỳ nghỉ hè.
"Việc tái mở cửa không có nghĩa chúng tôi tiếp đón được nhiều du khách nước ngoài hơn", ông nói thêm.
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là du khách vẫn mong muốn quay trở lại Nhật Bản khi quốc gia này quyết định mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch giải trí cá nhân.
Tâm lý "du lịch trả thù", xuất phát từ những người đã tiết kiệm tiền trong đại dịch Covid-19 và muốn dùng nó cho những chuyến đi, ngày càng phổ biến. Trong đó, Nhật Bản vẫn là một điểm đến nổi bật.
“Có nhiều người quan tâm đến việc trở lại Nhật Bản. Tôi nghĩ tình hình sẽ được cải thiện”, Tam cho biết.