Có một ngã ba nào đó trong đời
Anh để lạc mất người con gái ấy
Lòng rợi rã anh ngoảnh đầu trở lại
Thời gian ơi, bụi bạc phủ trắng đầu.
***
Em cười nơi nào, em khóc nơi đâu?
Tấm áo xanh ơi, mái tóc choàng vai hỡi
Bát cơm tấm mười lăm năm vẫn đợi
Tiếng nước râm ran trong buồng tắm buổi chiều.
***
Và mỗi ngày trên ghế đá tình yêu
Đôi bạn trẻ có thấy gì trong đó?
Chúng tôi giấu một mối tình dưới cỏ
Tiếng dế miên man trong ký ức dại khờ!
***
Cả một đời người những nắng cùng mưa
Dẫu băng bó vết buồn khôn se miệng
Vòm hoa giấy trước căn nhà số chín
Xạc xào bay trong chiều gió im lìm.
***
Còn bây giờ tất cả đã lặng im
Ve mùa hạ mặc áo hồng số phận
Anh đem nỗi dại khờ ra ngồi đếm
Vết muộn mằn chi chít tuổi hoa niên!
Lời bình
Con người không thể phủ nhận được rằng ký ức là những gì đã đi qua. Bởi lẽ, trong từng khoảnh khắc, ký ức vẫn ở đó để chứng thực sự hiện diện của chúng ta. Không những thế, ký ức vừa lưu giữ lại vừa tiếp tục chi phối đến hiện tại. Chẳng phải mái tóc, làn da, ánh mắt, dáng đi đứng, tiếng cười giọng nói… đã vì ký ức mà có biết bao đổi thay đó sao?
Bài thơ Muộn mằn của Hoàng Đình Quang là khoảnh khắc ký ức sống cùng hiện tại trong chi chít những đan dệt phủ lên hình bóng tuổi hoa niên. Một mối tình đi lạc, tấm áo xanh, mái tóc choàng vai, kỷ niệm yêu đương dại khờ tuổi trẻ, màu hoa xác pháo chói chang mà day dứt… ai bảo là đã ngủ yên, đã chìm vào câm lặng?
Tứ thơ muộn mằn, luyến nhớ thực ra không mới. Cái mới là dáng tuổi hoa niên ngồi đếm những muộn mằn chi chít ấy. Thời gian bụi bạc im lìm cất giữ trong lòng nó những xạc xào tiếc nuối, những râm ran chờ đợi, cả những vết buồn không bao giờ se miệng.
Giữa hai chiều thời gian, hình dáng tuổi hoa niên ở cuối bài thơ diễn đạt trạng thái của nhân vật trữ tình ngoảnh lại, ngước về quá khứ. Với tâm trạng ấy, ngày mai có lẽ cũng đã được dự báo từ quá khứ.