Sau cuộc bỏ phiếu luận tội sẽ là phiên xét xử tại Thượng viện, diễn ra không lâu sau khi Quốc hội họp trở lại vào đầu tháng 1.
Ông Trump sẽ là tổng thống thứ 3 bị luận tội trong lịch sử nước Mỹ. (Tổng thống Richard Nixon đã nhận cáo trạng luận tội nhưng từ chức trước cuộc bỏ phiếu toàn thể ở Hạ viện.)
Sương mù bao phủ Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, tối 13/12. Ảnh: AP. |
Xét xử ở Thượng viên
Hai tội danh được đưa ra là lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.
Tội lạm dụng quyền lực đến từ việc ông Trump treo viện trợ quân sự cho Ukraine, nhằm gây áp lực buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông là Joe Biden, ứng viên dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Trắng bên phía đảng Dân chủ.
Tội cản trở Quốc hội là việc ông Trump ngăn cản các nhân chứng cung cấp lời khai, và không tuân theo các trát hầu tòa.
Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts, vị thẩm phán được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm, sẽ tham gia phiên xét xử ở Thượng viện.
“Cần phải có phiên xét xử công bằng, nơi toàn bộ sự thật được phơi bày”, người lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện, Chuck Schumer, nói ngày 15/12 ở New York.
Trong bức thư gửi lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell, ông Schumer đề nghị gọi thêm các nhân chứng, như cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, và hai người quan chức dưới quyền, nhằm “cân nhắc mọi dữ kiện liên quan”.
Ông Bolton từng nhắc đến chính sách ngoại giao “ngầm” mà luật sư riêng Rudy Giuliani của ông Trump thao túng. Ông ví đó như “thỏa thuận buôn lậu ma túy” mà ông không hề muốn dính dáng. Ông Bolton rời Nhà Trắng vào tháng 9.
Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn đang bàn đối sách cho phiên xử, và chưa quyết định xem có gọi thêm nhân chứng hay không. Nếu gọi thêm nhân chứng, họ có thể khiến phiên xử kéo dài, ảnh hưởng tới hình ảnh ông Trump. Nhưng tổng thống ngày 15/12 nói: “Tôi không ngại xét xử kéo dài, vì tôi muốn nhìn thấy người đã viết đơn tố cáo - một kẻ lừa đảo”.
Người phát ngôn của ông Mitch McConnell nói ông và ông Schumer dự định sẽ gặp nhau để bàn về cách thức tổ chức phiên xử.
Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện, nghị sĩ Chuck Schumer. Ảnh: New York Times. |
Luận tội - quy trình đầy tính chính trị
Luận tội là quy trình gắn liền với chính trị, vì dù có thu thập bằng chứng, nghe các nhân chứng, sau cùng các nghị sĩ vẫn phải bỏ phiếu để quyết định xem có luận tội hay không (ở Hạ viện) hay có kết án tổng thống hay không (ở Thượng viện). Lá phiếu sau này có thể khiến họ gặp bất lợi từ các đồng nghiệp hay từ cử tri ở địa phương mà họ đại diện.
Gần như chắc chắn đảng Dân chủ sẽ thông qua được cả hai điều khoản luận tội. Nhưng kết quả bỏ phiếu ngày 18/12 sẽ là phép thử cho sự đoàn kết của đảng Dân chủ, CNN bình luận.
Hai nghị sĩ của đảng này, Jeff Van Drew (New Jersey) và Collin Peterson (Minnesota), đã bỏ phiếu chống lại cuộc điều tra luận tội cách đây vài tháng, và lần này được dự đoán cũng sẽ chống lại hai cáo trạng dành cho Tổng thống Trump.
Câu hỏi ở đây là bao nhiêu nghị sĩ Dân chủ sẽ cùng hai nhân vật trên, chống lại một hoặc cả hai tội danh. Đặc biệt gây chú ý là 31 nghị sĩ Dân chủ từ những quận mà cử tri đã bầu cho ông Trump vào năm 2016. Chưa ai trong số họ lên tiếng là sẽ phản đối luận tội, nhưng vẫn còn thời gian để họ đổi ý.
Tương tự, chưa nghị sĩ Cộng hòa nào lên tiếng cho biết sẽ bỏ phiếu trái ý đảng mình. Không nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ tiến hành điều tra luận tội cách đây vài tháng.
Nếu họ cũng đồng loạt phản đối luận tội vào ngày 18/12, đó sẽ là chiến thắng của ông Trump. Ông có thể tiếp tục lên án quá trình luận tội là một chiêu trò chỉ có đảng Dân chủ ủng hộ.
Hạ nghị sĩ Jeff Van Drew, người bỏ phiếu trái ý đảng Dân chủ, giờ đây chuẩn bị rời bỏ đảng này. Tương tự, Hạ nghị sĩ Justin Amash là người duy nhất phía Cộng hòa ủng hộ luận tội, và ông đã gần như bị đảng mình “tẩy chay”, rồi trở thành nghị sĩ độc lập.
Cả hai ông Van Drew và Amash là nghị sĩ đại diện cho những khu vực “tranh chấp” cạnh tranh quyết liệt giữa hai đảng. Điều này cho thấy ở các khu vực “tranh chấp”, sự khó đoán của cử tri có thể buộc các nghị sĩ phải bỏ phiếu trái ý đảng mình.
Ngoài ra, điều này cũng cho thấy việc bỏ phiếu thuận hay chống luận tội sẽ ảnh hưởng không chỉ tới ông chủ Nhà Trắng, mà còn tới chiếc ghế của chính các nghị sĩ vào tháng 11, nhất là ở những khu vực “tranh chấp” khó đoán.
Tháng 11, khi người Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống, họ cũng sẽ bỏ phiếu bầu cho một số lượng lớn các ghế ở Quốc hội đến kỳ phải bầu lại.
Tổng thống Trump trao đổi với các phóng viên về quá trình luận tội ngày 13/12. Ảnh: New York Times. |
Phe Cộng hòa công khai ủng hộ ông Trump
Đảng Dân chủ chỉ trích các thượng nghị sĩ hàng đầu phía Cộng hòa, vì đã tỏ ra thiên vị dù phiên xét xử chưa bắt đầu.
Lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mitch McConnell bị chỉ trích vì đã nói sẽ phối hợp với luật sư Nhà Trắng về “mọi mặt” xoay quanh phiên xét xử luận tội.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler lên án việc ông McConnell phối hợp với tổng thống sẽ “phá hỏng trật tự trong Hiến pháp”.
“Hiến pháp bắt buộc các thượng nghị sĩ phải tuyên thệ khi tham gia xét xử luận tội. Họ phải thề sẽ theo đuổi công lý một cách nghiêm minh”, ông Nadler trả lời đài ABC. “Vậy mà ở đây lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện... lại nói sẽ phối hợp chặt chẽ với luật sư bên bị cáo”.
Chưa hết, Thượng nghị sĩ Cộng hòa, bang South Carolina, Lindsey Graham nói sẽ làm mọi cách có thể để kết thúc phiên xét xử ở Thượng viện - một câu nói gây sốc vì sự thiên vị lộ liễu, không giấu giếm.
“Cái này (phiên xử) sẽ ra trước Thượng viện, và sẽ kết thúc ngay, và tôi sẽ làm mọi cách có thể để nó kết thúc”, ông Graham nói với CNN ngày 14/12.
Khi được hỏi liệu việc ông nêu quan điểm trước phiên xét xử như vậy có nên không, ông Graham trả lời: “Tôi nghĩ vậy, nên tôi mới nói chứ”.
“Tôi muốn nói rõ là tôi đã quyết định rồi. Tôi cũng không cần giả vờ sẽ xét xử công bằng”, ông Graham nói thêm. “Vì tôi thấy những gì đang diễn ra là vớ vẩn, mang tính đảng phái”.
Các thăm dò về tỷ lệ ủng hộ luận tội vẫn không thay đổi kể từ tháng 10. 50% cử tri cả nước muốn ông Trump bị luận tội và phế truất, 4% muốn luận tội nhưng không phế truất, còn 41% phản đối cả quá trình, theo CNN.