(Từ trái sang) Ông Lê Hoàng, ông Nguyễn Ngọc Toàn, ông Lâm Đình Thắng, ông Dương Anh Đức tham quan các tác phẩm được trưng bày tại "Tuần lễ sách của người làm báo". Ảnh: Thanh Trần. |
Qua đầu tựa sách được trưng bày và nhiều tọa đàm, "Tuần lễ sách của người làm báo" vừa được khai mạc vào sáng ngày 17/6 đã đưa đến bạn đọc một khía cạnh của ngành xuất bản mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn liền với dòng chảy của thời sự từ chất liệu sống của chính những người làm báo.
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và báo Thanh Niên phối hợp tổ chức.
Tôn vinh những người làm báo viết sách
Đây là lần đầu tiên tại Đường sách TP.HCM nói riêng và tại TP.HCM nói chung có hoạt động tôn vinh người làm báo gắn liền với công cuộc phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các tác phẩm sáng tác bởi lực lượng phóng viên,các cơ quan báo đài trên cả nước, không giới hạn về thời gian, nội dung, thể loại sáng tác.
Theo ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - đây là dịp để các cơ quan báo chí giới thiệu những cuốn sách tập hợp từ những bài viết đã đăng trên báo giấy, báo điện tử, các tác phẩm sáng tác từ các cuộc thi của báo mình, để các tác phẩm không chỉ mang giá trị về nội dung mà còn có giá trị lưu trữ theo thời gian.
“Ở năm đầu tiên tổ chức, Ban tổ chức kỳ vọng tạo ra những hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; cổ vũ phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo; khuyến khích nhà báo tham gia viết sách, chuyển tải đến bạn đọc những trang sách mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn liền với dòng chảy của thời sự xã hội. Với thế mạnh về bút lực trong thời gian công tác tại các cơ quan báo chí, các nhà báo sẽ tạo nên những tác phẩm mang đậm tính thời đại”, ông Trần Trọng Dũng phát biểu trong buổi khai mạc.
Trao kỷ niệm chương cho những nhà báo có sách đoạt giải thưởng cao của Thành phố, Trung Ương để khuyến khích hoạt động sáng tác của các nhà báo. Ảnh: Thanh Trần. |
Theo bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - "Tuần lễ sách của người làm báo" vừa là dịp để tôn vinh những nhà báo viết sách, và là cơ hội để các nhà xuất bản tìm được những tác giả phù hợp với mình.
"Ở khía cạnh người làm xuất bản, việc tìm kiếm nguồn bản thảo, tác giả là một nhu cầu cấp bách. Tôi nghĩ sự phong phú trong đề tài của các nhà báo góp phần làm phong phú thêm cho xuất bản phẩm của TP.HCM nói riêng và ngành xuất bản nói chung. Nó cho chúng ta thấy rằng các tác giả có thể là những nhà nghiên cứu, những người sáng tác và có thể là những nhà báo và nhiều hơn nữa, quan trọng là chúng ta biết phát hiện, tổ chức và sắp xếp như thế nào", bà cho biết.
Say mê với nghề văn, tỉnh táo với nghề báo
Cũng trong buổi sáng khai mạc, nhiều nhà báo là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng cũng đã có những chia sẻ về công việc của một nhà văn, nhà báo. Nếu như nghề văn cần sự bay bổng, nhiều xúc cảm, thì nghề báo lại cần sự tỉnh táo, chuẩn xác và trung lập. Với nhiều nhà báo, việc "ban đêm thức với đam mê câu chữ, ban ngày phải tỉnh táo" cũng đem lại những trải nghiệm độc đáo, thú vị.
Nhà báo Bùi Phan Thảo, tác giả của Ngọn khói về trời đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2022, cho rằng nghề văn và nghề báo khác nhau nhưng cũng hỗ trợ cho nhau rất nhiều.
"Nghề báo cho chúng tôi tư duy sắc sảo, phản biện, biết tôn trọng sự thật và chứng cứ, cho chúng tôi rất nhiều vốn sống, còn nghề văn đem lại sự nhân hậu, nhân văn. Đương nhiên, nghề văn hay nghề báo phải có sự phân thân, nhưng cũng có sự nhập thân. Phải quên mình, phải đắm đuối vô đó thì mới làm nhà báo chuyên nghiệp, nhà văn thành công được", ông tâm sự.
"Tuần lễ sách của người làm báo" cũng là dịp để các nhà báo giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc làm báo, làm sách. Ảnh: Thanh Trần. |
Với nhà báo Lại Văn Long, tác giả vừa xác nhận kỷ lục với bộ tiểu thuyết hình sự dài nhất Việt Nam, Hồ sơ lửa, việc được công tác tại báo Công an TP.HCM từ năm 1992 đã cho ông cơ hội thực hiện ước mơ từ thủa nhỏ.
"Nếu không làm báo, tôi sẽ không có cơ hội tiếp cận với nhiều tài liệu, những vụ án hình sự để tạo nên những trang viết sinh động và chân thực. Từ khi bước chân vào làm báo, tôi bắt đầu viết về các vụ án, đầu tiên là những bài báo dài kỳ. Sau này, tôi viết bộ Hồ sơ lửa chỉ trong 6 năm thôi, nhưng để 6 năm đó thành công thì tôi phải có 25 năm chuẩn bị", nhà báo Lại Văn Long chia sẻ về quá trình sáng tác.
"Tuần lễ sách của người làm báo" sẽ được trưng bày, giới thiệu từ ngày 17/6 đến ngày 22/6 tại Đường sách TP.HCM. Ban tổ chức cho biết sau khi kết thúc sự kiện, số sách trưng bày sẽ được trao tặng đến Bảo tàng báo chí Việt Nam (Hà Nội) và Khoa báo chí, Đại học KHXH&NV TP.HCM để phục vụ nhu cầu tìm đọc và nghiên cứu của độc giả, giảng viên, sinh viên, đồng thời truyền cảm hứng sáng tác, kinh nghiệm cũng như gieo niềm say mê, sự tử tế làm nghề cho những đồng nghiệp - nhà báo trong tương lai.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.