Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân viết 'giáo trình' báo chí bằng hồi ký

"40 năm đi, yêu và viết" là cuốn sách viết để kỷ niệm 40 năm làm nghề của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người thành công với thể loại phóng sự.

nha bao Huynh Dung Nhan anh 1

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: NVCC.

Dành cho những ai yêu thích nghề báo, mê phóng sự, các nhà báo trẻ, sinh viên báo chí, 40 năm đi, yêu và viết như một cách trao đổi nghiệp vụ thiết thực, nhanh gọn đối với những nhà báo ít có điều kiện tìm hiểu tư liệu báo chí hiện đại.

Kết thúc cuốn sách từng dang dở

Được bắt đầu viết từ đầu năm 2021, 40 năm đi, yêu và viết bỗng rơi vào trạng thái dang dở khi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân gặp phải căn bệnh tai biến, khiến ông phải làm bạn với bút trên giường bệnh. Phần sau của cuốn sách được thực hiện trong khoảng nửa năm cuối 2022, khi tác giả vẫn còn bị liệt nửa người và chủ yếu phải viết trên điện thoại. Tuy nhiên, trong 2 năm dưỡng bệnh, ông đã ra mắt được 4 cuốn sách, mở 3 triển lãm tranh, đi được 18 tỉnh thành, làm ban giám khảo 10 cuộc thi và kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi 69.

nha bao Huynh Dung Nhan anh 2

Bìa sách 40 năm đi, yêu và viết.

Hoàn thành vào 2023, cuốn sách sắp ra mắt vào tháng 6 sẽ gửi tới bạn đọc những câu chuyện làm nghề, kinh nghiệm đúc kết quý báu và những thông điệp truyền cảm hứng. “Tôi bắt đầu có ý định viết một hồi ký về những năm tháng làm báo ngay từ khi bắt đầu nghỉ hưu”, nhà báo cho biết.

Cuốn sách bao gồm 4 phần: Con đường vào nghề (Thời niên thiếu, thời học hành, thời sơ tán, thời tập viết văn thơ), Những bài phóng sự được bạn đọc yêu thích, Những bài viết lý luận báo chí, Bài đồng nghiệp viết về Huỳnh Dũng Nhân (bao gồm các bài của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng)... với sự lồng ghép, đan xen, phân tích các yếu tố tác nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “40 năm làm báo có rất nhiều câu chuyện vui buồn, đau đớn, xót xa; vinh quang có mà tủi nhục cũng có. Cứ nấn ná bao lâu, không biết nên viết gì, giấu gì, kể gì, quên đi những gì và bắt đầu từ đâu… Viết không khó, lựa chọn những gì để viết mới khó, trong khi tôi lại có quá nhiều chuyện muốn nói”.

Kinh nghiệm quý cho người làm báo trẻ

"Tôi còn xem cuốn sách này là giáo trình vì mục đích cuối cùng của nó là chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ tới người trẻ", ông nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm cầm bút, trưởng thành nhờ cầm bút qua các cương vị công việc đã trải qua như nhà báo, giảng viên đại học, phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, tổng biên tập Tạp chí Nghề báo, tác giả tự tin là người có khả năng gửi tới bạn đọc những kiến thức giá trị. Đó là những kiến thức đã được ông rút gọn, đúc kết sau đó quy nạp, phân tích, liên tưởng, so sánh giữa nhiều kinh nghiệm với nhau.

Về hình thức hồi ký, tác giả cũng cho biết ông chủ yếu nhớ và kể lại những câu chuyện, quá trình tác nghiệp đáng nhớ của mình. Và trong mỗi ký ức, ông có thể gửi gắm ít nhất một bài học kinh nghiệm.

“Thời gian một chiều. Đi, yêu, và viết. Không có gì ngoài cả cuộc đời”, đây là câu châm ngôn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dành tặng cho chính mình khi bắt đầu bước vào nghề cầm bút. Sau 67 năm, cây bút phóng sự luôn nghiêm túc thực hiện châm ngôn này sao cho hoàn hảo nhất.

nha bao Huynh Dung Nhan anh 3

Một trong những phóng sự làm nên tên tuổi của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: NVCC.

40 năm đi, yêu và viết chính là thành quả lớn sau thời gian đo đạc, kiểm định, dọn dẹp, thu nhặt những gì đọng lại trên quãng đường làm nghề đầy nhiệt huyết và vang dội của ông.

“Cuối cùng, tôi rưng rưng nhận thấy vốn liếng, gia tài quý báu nhất của mình chính là gia đình, bè bạn, đồng nghiệp và sự nghiệp. Có được những điều đó là nhờ cuộc đời tôi may mắn gặp được những người tốt, được sống trong một môi trường nhân văn, hướng thiện, đặc biệt được lớn lên trong những năm tháng hào hùng của Hà Nội”, ông tâm sự.

Về ký ức trong cuốn sách của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đó là những câu chuyện 20 năm học hành trên đất Bắc, những động lực giúp ông nuôi dưỡng ước mơ cầm bút suốt một chặng đường dài. Bên cạnh đó còn là ký ức một thời kháng chiến, ngày những gia đình vùng nông thôn Hà Tây, Hà Bắc che chở nhiều cây bút nổi tiếng Việt Nam thuở bấy giờ trước mưa bom, bão đạn. Và chính kinh nghiệm cầm bút của "ông vua phóng sự" đã sinh ra từ những ký ức đó.

“Bao nhiêu vốn liếng tôi đã đổ hết về đây. Cuốn sách là món quà từ trái tim tôi, một kẻ bây giờ ra đường đôi khi vẫn quên mũ bảo hiểm nhưng trong tâm khảm lại không bao giờ quên một thời mũ rơm mũ cối, thời viết lách oanh liệt nhất trong cuộc đời tôi. Đơn giản tôi muốn kể lại câu chuyện làm báo đầy thăng trầm 40 năm của mình. Biết đâu có người nhặt nhạnh được chút kinh nghiệm làm báo từ đây”, ông nói.

Huỳnh Dũng Nhân (sinh ngày 3/3/1955) là nhà báo nổi tiếng chuyên về thể loại phóng sự. Những tác phẩm báo chí của ông thể hiện trăn trở về xã hội, thân phận con người qua ngòi bút giàu chất trữ tình, hóm hỉnh mà sâu sắc.

Ông là tác giả của 30 đầu sách nổi bật ở các thể loại phóng sự, truyện ngắn, thơ, hồi ký, truyện thiếu nhi và giáo trình, như: Tôi đi bán tôi - Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM, Ăn Tết trong rừng chó sói - Nhà xuất bản Lao Động, Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng (in chung với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng) - Nhà xuất bản Tổng hợp…

Chuyện rong ruổi trên những dặm đường của một nhà báo

“Nghề báo, chân đi mang đến cho tôi cơ hội ngược xuôi 63 tỉnh thành trong cả nước”, nhà báo Đức Liên chia sẻ trong cuốn sách của mình.

Những cuốn sách tiêu biểu về báo chí của nhà báo Hữu Thọ

Nhà báo Hữu Thọ đã đề cập chuyện nghề với những nguyên tắc làm báo và tiêu chí của người tham gia công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong nhiều ấn phẩm của mình.

Thụy Trang

Bạn có thể quan tâm