Tối 20/6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tọa đàm giao lưu trực tuyến nhằm giới thiệu 11 ấn phẩm tiêu biểu của nhà báo Hữu Thọ. Sự kiện hướng tới kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022).
Nhà báo Hữu Thọ (1932-2015) là nhà báo lão thành cách mạng, nguyên Chủ nhiệm khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân. Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông để lại nhiều tác phẩm báo chí giàu giá trị.
Một số ấn phẩm tiêu biểu về báo chí của nhà báo Hữu Thọ. Ảnh: Nguyễn Chắt. |
Thanh Long - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho biết bản thân luôn tìm đọc các tác phẩm của thế hệ đi trước như của nhà báo Hữu Thọ. Thanh Long cho rằng đó là điều cần thiết để phát triển bản thân cũng như nghiệp vụ báo chí.
Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thinh - Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - kể trong số những lần được gặp gỡ và làm việc cùng nhà báo Hữu Thọ, ông thường nói chuyện từ nghề báo sang nghề xuất bản.
“Ông luôn dặn chúng tôi dù làm sách, báo hay tạp chí, trước khi bấm máy in, hãy đánh vần lại từng chữ trong phần tiêu đề. Ông giải thích nếu sai lỗi đánh máy, chính tả trong bài thì có thể bạn đọc vẫn chấp nhận được, nhưng nếu sai ngay ở tiêu đề thì đó quả là một lỗi sai quá lớn, khó lòng bỏ qua”, bà Thinh chia sẻ.
Trong số 19 cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ được ấn hành tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, có tới 14 cuốn viết về chủ đề báo chí. Một số cuốn tiêu biểu của ông là Đối thoại; Mắt sáng, lòng trong, bút sắc; Đèn xanh, đèn đỏ; Chuyện nhà, chuyện nước…
Trong đó, cuốn Đối thoại tập hợp những tác phẩm báo chí mang tính chất đối thoại của tác giả với xã hội trước những vấn đề nóng.
Những kinh nghiệm nghề nghiệp từ cách viết tiểu phẩm báo chí đến cách quản lý báo chí được ông chia sẻ trong cuốn Đèn xanh, đèn đỏ.
Còn Chuyện nhà, chuyện nước lại là tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, tạo nên nét chấm phá trong những tác phẩm của ông.
“Những câu chuyện trong các cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ có thể đã xảy ra cách đây 20 năm, nhưng cho đến nay, nó vẫn mang tính thời sự. Mỗi cuốn sách có một mục đích, ý nghĩa riêng”, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nói.
Từ trái qua: Bà Phạm Thị Thinh, bà Đỗ Thị Thu Hằng, sinh viên Thanh Long tại tọa đàm tối 20/6. |
Cũng trong tọa đàm, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - đánh giá trong số những ấn phẩm của nhà báo Hữu Thọ, Mắt sáng, lòng trong, bút sắc là cuốn sách nói lên điều căn cốt nhất về nghề báo. Ở đó, những nguyên lý làm báo được giải thích một cách dễ hiểu, gần gũi.
“Điểm hấp dẫn trong các tác phẩm của ông còn nằm ở những câu chuyện nghề gắn liền với các nguyên tắc làm báo và cả tiêu chí của người tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Có những cuốn sách của ông mang tính chính luận nghệ thuật với lối viết rất nhẹ nhàng nhưng lại tác động sâu sắc và được diễn đạt cụ thể với từng tình huống. Đây chắc chắn là những cuốn sách hữu ích với những ai yêu nghề báo”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nói.
Những cuốn sách tiêu biểu của nhà báo Hữu Thọ được phát hành cả phiên bản sách điện tử và sách giấy để phục vụ rộng rãi bạn đọc. Một số cuốn đã được tái bản nhiều lần.
“Bạn đọc có phản hồi rất tốt, đặc biệt là với cuốn Mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Đây cũng là một trong những mảng đề tài mà đơn vị chúng tôi chú tâm khai thác”, bà Thinh cho hay.